Hà Nội hoàn thành cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người

VietTimes -- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết Hà Nội hiện đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố. 
Công an Hà Nội lấy dấu vân tay người đến đăng ký cấp thẻ căn cước công dân Ảnh: TTXVN
Công an Hà Nội lấy dấu vân tay người đến đăng ký cấp thẻ căn cước công dân Ảnh: TTXVN

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Phan Lan Tú, số hóa dữ liệu hộ tịch là kết quả quan trọng để Hà Nội triển khai diện rộng số hóa dữ liệu. Xây dựng và cập nhật các cơ sở dữ liệu cốt lõi, quan trọng để tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Kết quả số hóa đã giúp đơn vị khai thác hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho công tác lưu trữ, khai thác, dịch vụ công... phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố.

Báo cáo về  ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xây dựng Chính phủ điện tử năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của thành phố Hà Nội tại cuộc họp của Lãnh đạo thành phố Hà Nội với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 29/7,  bà Phan Lan Tú cho biết, từ năm 2016 đến nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT của Thành phố  được triển khai đồng bộ, hiện đại theo hướng thuê dịch vụ CNTT.

Hà Nội hiện đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 xã, phường, thị trấn, đồng thời bảo đảm cơ sở hạ tầng CNTT đến cấp xã để triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng chuyên ngành. Công tác an toàn thông tin, đào tạo nguồn nhân lực được chú trọng quan tâm.

Đến nay 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Hà Nội đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản kết nối, liên thông trên môi trường mạng. 90% văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật). 100% cán bộ, công chức khai thác, sử dụng hộp thư điện tử trao đổi thông tin trong công việc.

Thành phố Hà Nội đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của Thành phố.

Hiện nay, Thành phố cũng đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận huyện, 584 xã, phường. Thành phố hiện có 391 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt gần 20,4% tổng số thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước Thành phố.

Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã với nhiều hình thức sáng tạo, gần gũi giúp người dân tiếp cận nhanh và sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.

Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng của một số dịch vụ công đạt kết quả cao là lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt trên 90%, đăng ký kinh doanh trên 70%, thuế: 97%, hải quan: 100%, bảo hiểm xã hội: trên 80%, hộ chiếu phổ thông: trên 80%, thông tin và truyền thông: 90%.

Trong năm 2017, thành phố Hà Nội cũng đã tích cực triển khai các ứng dụng thông minh hình thành nền tảng cơ bản cho thành phố thông minh như thí điểm triển khai ứng dụng giao thông thông minh; hoàn thành xây dựng, cung cấp thông tin về hệ thống quan trắc môi trường không khí tại 10 điểm, hệ thống quan trắc chất lượng nước Hồ Tây, hệ thống quan trắc lượng mưa và bản đồ úng ngập trên Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố.

Bà Phan Lan Tú cho biết, trong năm 2017,  Hà Nội sẽ hoàn thành ít nhất 55% dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, xây dựng hệ thống 1 cửa điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến; tiếp tục xây triển khai hệ thống Giao thông thông minh, du lịch thông minh và các ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực khác.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Tin học Việt Nam, năm 2016,  Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-truyền thông (tăng 1 bậc so với năm 2015). Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017; nằm trong top đầu về các chỉ số như hạ tầng kỹ thuật CNTT; ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ; Trang/Cổng thông tin điện tử; cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng  CNTT; nguồn nhân lực cho ứng dụng CNTT.

Về các mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng thành phố thông minh với người dân làm trung tâm và đặt mục tiêu đến 2025, Hà Nội sẽ phát triển ở trình độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.