Hà Nội "gọi" 361.000 tỷ đồng cải tạo chung cư cũ: Kế hoạch mới gặp trở ngại cũ

Cần nguồn vốn lên đến 361.000 tỷ đồng để thực hiện một loạt dự án bất động sản lớn, Hà Nội đang xem xét cơ chế đặc biệt cho chủ đầu tư. Nhưng nếu không có giải pháp cụ thể, chế tài đủ mạnh, kế hoạch này có nguy cơ sẽ lại nằm trên giấy.

UBND TP. Hà Nội vừa công bố danh mục 10 dự án bất động sản lớn tại các vị trí “đất vàng”, vốn là các khu tập thể cũ của Hà Nội trước đây. Trong đó, dự án có quy mô vốn đầu tư lớn nhất là đầu tư cải tạo, xây mới Khu tập thể Ngọc Khánh (quận Ba Đình), có tổng vốn đầu tư 47.000 tỷ đồng, còn dự án có quy mô vốn đầu tư nhỏ nhất là đầu tư cải tạo, xây mới Khu tập thể Khương Thượng (quận Đống Đa) có quy mô vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng. Đây là những dự án đã từng được Hà Nội kêu gọi đầu tư từ nhiều năm trước, nhưng chưa có nhà đầu tư đăng ký thực hiện hoặc đăng ký rồi bỏ cuộc.

Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, sau Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” vừa diễn ra, Hà Nội sẽ có các cuộc đối thoại trực tiếp với các chủ đầu tư có khả năng và mong muốn thực hiện dự án. Đây là các dự án mà Thành phố đã chủ trương xã hội hóa đầu tư từ nhiều năm, nhưng chưa thực hiện được bởi những vướng mắc trong việc tổ chức đền bù, tái định cư cho các hộ dân, cũng như đòi hỏi năng lực tài chính lớn.

“Tiếng là dự án trên “đất vàng”, nhưng việc thực hiện cũng không dễ dàng gì, vì các hộ dân đang sinh sống trong các khu nhà này đòi hỏi quyền lợi rất cao. Chúng tôi đang đề xuất Thành phố có cơ chế đặc biệt cho các chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ”, ông Tứ cho biết.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng bày tỏ quyết tâm thực hiện 10 dự án chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng, do đây là những dự án có nguy cơ đe dọa đến an toàn tính mạng của hàng vạn hộ dân; đồng thời nâng cấp hạ tầng đô thị của Thủ đô.

“Thành phố sẽ công khai 100% quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất để chủ đầu tư tính toán khả năng đầu tư dự án và đề xuất phương án mà Thành phố có thể hỗ trợ”, ông Chung cho biết.

Cải tạo, xây mới chung cư cũ là những dự án hóc búa nhất của Hà Nội, số dự án cần cải tạo là rất lớn, nhưng số dự án thực hiện thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ Dự án cải tạo, xây mới Chung cư I1, I2, I3 Thái Hà, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc Sông Hồng cho biết, cần có cơ chế rõ ràng của Nhà nước với các hộ dân thì mới có thể tháo được nút thắt trong các dự án cải tạo chung cư cũ. Theo đơn vị này, tái định cư cho các hộ dân tầng 1 là khó khăn lớn nhất khi tiến hành cải tạo chung cư cũ. Mối lợi từ khoảng không gian tầng 1 mà các hộ dân này có được khác xa với phần còn lại, khiến việc đàm phán việc tái định cư rất khó đi đến thống nhất.

Tại Dự án cải tạo chung cư C1 Thành Công do Tổng công ty Công trình giao thông 1 (Cienco1) làm chủ đầu tư, sau 8 năm tiến hành, các bên liên quan vẫn chưa thống nhất phương án đền bù, tái định cư. Nguyên nhân cũng bởi các hộ dân không đồng tình với hệ số đền bù, tái định cư mà chủ đầu tư đưa ra là 1,4 mà muốn được áp dụng hệ số bồi thường tái định cư bằng 2.

Thực tế, sau khi thực hiện các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ như B14 Kim Liên, 51 - Huỳnh Thúc Kháng, I1, I2, I3 Thái Hà… các chủ đầu tư này đã không tiến hành thêm bất kỳ dự án nào tương tự. Việc Hà Nội kêu gọi xã hội hóa đầu tư các dự án cải tạo chung cư cũ với nguồn vốn đầu tư yêu cầu lên đến 361.000 tỷ đồng sẽ chỉ là kế hoạch trên giấy, chừng nào Thành phố không đưa ra được cơ chế cụ thể và đủ mạnh để giải bài toán đền bù, tái định cư cho các hộ dân.

Theo Đầu tư