Hà Nội gần 3.000 F0/ngày, Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện, số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội đang đứng đầu cả nước. Để chủ động phòng, chống dịch khi học sinh đi học trở lại, Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh nhiễm SARS-CoV-2.
Học sinh khử khuẩn tay trước khi vào lớp (Ảnh - Minh Thuý)
Học sinh khử khuẩn tay trước khi vào lớp (Ảnh - Minh Thuý)

Lên kịch bản ứng phó khi trường học có F0

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc COVID-19 mới từ 18h ngày 7/2 đến 18h ngày 8/2 là 2.903 ca. F0 phân bổ tại 486 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày gồm: Hoàng Mai 109; Chương Mỹ 106; Nam Từ Liêm 95; Long Biên 91; Đông Anh 89.

Như vậy, trong đợt dịch COVID-19 thứ 4 (từ ngày 29/4/2021), Hà Nội đã có tổng cộng 157.073 ca nhiễm SARS-CoV-2.

Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội (Ảnh - CDCHN)

Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội (Ảnh - CDCHN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, trong cuộc họp với với Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội về công tác chuẩn bị điều trị trong tình huống học sinh nhiễm COVID-19 khi trở lại trường diễn ra vào chiều 8/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Cuộc chiến chống dịch COVID-19 đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của nhân dân lên hàng đầu, nhất là bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Khi trẻ em thuộc nhóm thể chất chưa phát triển toàn diện, trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh đều chưa được tiêm vaccine và nhóm đối tượng này chưa biết diễn đạt về triệu chứng bệnh, đòi hỏi kĩ năng chăm sóc khó hơn.

Đến nay, nước ta đã triển khai chiến dịch tiêm phủ vaccine, đẩy mạnh tiêm vaccine cho học sinh để đưa các em trở lại trường. Vì thế, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT để đảm bảo an toàn trường học, nhất là tập huấn kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học, nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa không làm ảnh hưởng hoạt động sinh hoạt trong cộng đồng và hoạt động học tập trong nhà trường.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Ảnh - Đình Nam)

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam (Ảnh - Đình Nam)

Tại cuộc họp, các chuyên gia nhận định: Mặc dù tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19, số ca bệnh diễn biến nặng thấp nhưng vẫn có trường hợp tử vong khi số ca mắc quá nhiều. Do đó cần có biện pháp phòng, chống dịch triệt để, không để có quá nhiều trẻ nhiễm bệnh cùng lúc. Ngoài ra, các loại thuốc điều trị COVID-19 hiện nay không khuyến nghị sử dụng cho trẻ em.

"Nếu không có các kịch bản phòng, chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì các trường học sẽ lúng túng, phụ huynh học sinh lo lắng" - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, qua quá trình triển khai kế hoạch đưa học sinh trở lại trường, thành phố đã chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế hỗ trợ tích cực cho y tế học đường, tập huấn kĩ cho cán bộ quản lý, giáo viên, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc COVID-19

Dự báo về tình hình dịch COVID-19 sắp tới, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết: Số ca mắc COVID-19 sau Tết dự báo tăng cao, do hoạt động đi lại và giao lưu dịp Tết nhiều, trong đó tập trung vào nhóm đối tượng người già và chưa tiêm vaccine. Nhóm đáng lo ngại nhất là trẻ sơ sinh và trẻ chưa tiêm vaccine. Vì thế, cần các biện pháp bảo vệ tốt để giảm thiểu tỉ lệ tử vong.

Hiện, Bộ Y tế đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh nhiễm COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ trung ương xuống đến địa phương, không để xảy ra tình huống số ca nhiễm là học sinh tăng đột biến gây quá tải. Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD&ĐT rà soát hướng dẫn bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến trường, cơ chế phản ứng của y tế học đường, y tế cơ sở khi có ca nhiễm trong trường học.

Học sinh tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Học sinh tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Thông tin thêm về việc điều trị cho học sinh mắc COVID-19, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ mắc COVID-9 theo 2 tầng là tự theo dõi, chăm sóc tại nhà và khi phải nhập viện điều trị.

Còn ông Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho rằng: Bộ Y tế cần tập huấn phác đồ điều trị trên cho các bác sĩ trong các bệnh viện nhi, khoa nhi cũng như các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sẽ cử các bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm tham gia những lớp tập huấn đầu tiên.

Ngoài ra, sau khi ghi nhận tình hình điều trị bệnh nhi nặng mắc các bệnh khác ở Bệnh viện Nhi Trung ương, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường bảo vệ khoa nhi, bệnh viện nhi trên toàn quốc, bảo đảm an toàn COVID-19. Các bệnh viện sản, khoa sản cần chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực để chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm COVID-19.