Hà Nội đầu tư tuyến đường hình thức BT giáp ranh với Khu đô thị Ecopark

VietTimes -- UBND Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề xuất dự án xây dựng 03 tuyến đường theo hình thức PPP hợp đồng BT, gồm: Đường Đa Tốn đi đường Hà Nội - Hải Phòng, đường từ khu đô thị Ecopark đi đường 179, đường 179 từ đường Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải, Gia Lâm, Hà Nội.
Tuyến số 2 điểm đầu tại vị trí giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên (khu đô thị Ecopark) và điểm cuối giao với tuyến đường 179 - Ảnh minh họa.
Tuyến số 2 điểm đầu tại vị trí giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên (khu đô thị Ecopark) và điểm cuối giao với tuyến đường 179 - Ảnh minh họa.

Cụ thể, tuyến số 1 có điểm đầu giao với đê Sông Hồng tuyến đi qua địa phận xã Đa Tốn, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm và điểm cuối giao với đường Hà Nội - Hải Phòng; chiều dài khoảng 2,4 km.

Tuyến số 2 điểm đầu tại vị trí giáp ranh giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên (khu đô thị Ecopark) và điểm cuối giao với tuyến đường 179; chiều dài khoảng 3,2 km.

Tuyến số 3 điểm đầu từ sông Bắc Hưng Hải, điểm cuối giao với tuyến đường Nguyễn Huy Nhuận; chiều dài khoảng 5,7 km.

Tổng vốn đầu tư đề xuất là 3.433 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù GPMB là 1.659 tỷ đồng, đầu tư xây dựng là 1.290 tỷ đồng; di chuyển các công trình ngầm nổi là 40 tỷ đồng; chi phí tư vấn, quản lý dự án, chi khác là 127 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 73 tỷ đồng; chi phí lãi vay là 285 tỷ đồng. Giá trị công trình BT dự kiến là 3.360 tỷ đồng.

Dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn huy động hợp pháp khác.

Để có được 03 tuyến đường trên Hà Nội dự kiến quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là 74,6ha tại dự án Khu đô thị Trung tâm xã Đa Tốn, vị trí xã Đông Dư, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Phạm vi, quy mô, ranh giới quỹ đất thanh toán sẽ được xác định cụ thể trên cơ sở tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng, đảm bảo đồng bộ, không trùng lấn.

Dự án có thời gian thực hiện dự án dự kiến khoảng 24 tháng không kể thời gian thực hiện công tác đền bù, GPMB.

Việc triển khai dự án nhằm góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có hệ thống giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển phát triển kinh tế xã hội của huyện Gia Lâm và Thành phố; kết nối các khu đô thị, trung tâm thương mại, công nghiệp, dịch vụ, làng nghề; phù hợp quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch phân khu N9 và quy hoạch phân khu N11 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.