Hà Nội còn 144.011 thửa đất gặp vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2016 diễn ra sáng 24-6, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, toàn TP hiện vẫn có tới 144.011 thửa đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu tháo gỡ cấp sổ đỏ cho người dân tại các khu đô thị.
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu tháo gỡ cấp sổ đỏ cho người dân tại các khu đô thị.

Đối với các trường hợp mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở, hiện có đến 56.970 căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở có liên quan đến sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai của chủ đầu tư nên gặp khó trong việc cấp “sổ hồng”.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, lũy kế tính đến ngày 20-6-2016, thành phố đã cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở được 1.458.150 thửa đất, căn hộ. Thống kê bước đầu cho thấy, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất trong các khu dân cư được cấp là 1.313.921 thửa đất (đạt 89,9%), đạt 100% các trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận (số thửa đất còn phải kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận là 146.189 thửa đất).

Đối với các dự án phát triển nhà ở, trong số 251 dự án chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho người mua nhà (150.000 căn hộ), đến nay đã cấp được 132.969/150.000 căn, đạt 89%… Tuy nhiên, đối với các trường hợp sử dụng đất tại các khu dân cư, hiện vẫn có tới 144.011 thửa đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc trong việc cấp sổ đỏ. Đối với các trường hợp mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà ở, hiện có đến 56.970 căn hộ tại các dự án phát triển nhà ở có liên quan đến sai phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, quản lý đất đai của chủ đầu tư nên gặp khó trong việc cấp “sổ hồng”.

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, đến nay, trên địa bàn thành phố đã cấp được 646.863 giấy cho hộ gia đình... Theo nhìn nhận, tiến độ này rất chậm so với yêu cầu

Hiện, Hà Nội đã có thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký biến động đất đai giảm 1/3 so với trước đây, thời gian giải quyết hồ sơ chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế quyền sử dụng đất trước đây là 21 đến 30 ngày, thì nay chỉ còn 10 đến 15 ngày. Từ 8 loại giấy tờ, nay chỉ cần 4 loại. Do đó, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn phải nỗ lực hoàn thành mục tiêu đăng ký, cấp giấy chứng nhận hoặc lập hồ sơ quản lý đối với các thửa đất còn tồn đọng từ nay đến tháng 6-2017.

Đặc biệt, với riêng những tổ chức sử dụng đất đủ điều kiện và đã kê khai đăng ký cấp sổ đỏ, thành phố đặt mục tiêu đến tháng 6-2017 phải cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận cho các trường hợp này.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến từ các quận/ huyện băn khoăn trước thực trạng trong số hơn 144.000 thửa đất còn tồn đọng, khó khăn, vướng mắc để cấp sổ đỏ thì có tới trên 25.000 thửa đất là vướng về quy hoạch, đồng thời đề nghị thành phố cần làm rõ con số về các trường hợp đủ điều kiện, nhưng hiện vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Bí thư Quận ủy Long Biên, Đỗ Mạnh Hải bày tỏ: “Tôi dám chắc con số này hiện còn rất nhiều, do đó phải làm rõ vì sao chưa cấp sổ đỏ cho họ. Khi chúng tôi xuống làm việc với các phường, rất nhiều trường hợp phường nói đủ điều kiện rồi, nhưng việc cấp giấy chứng nhận cho họ thì vẫn rất khó khăn”.

Với vấn đề “nóng” nhất hiện nay là cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà cho các căn hộ ở các khu chung cư, tòa nhà tái định cư, ông Nguyễn Đức Chung yêu cầu phải khẩn trương cấp chứng nhận cho người dân, kể cả các tòa nhà mà chủ đầu tư đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế.

Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cho rằng, chính quyền thành phố không thể lấy người dân làm con tin, để gây sức ép với các chủ tòa nhà nợ tiền sử dụng đất, người dân chỉ mua nhà ở, có hợp đồng, nộp tiền đầy đủ, thì phải cấp giấy chứng nhận đầy đủ. Còn các chủ tòa nhà nợ tiền sử dụng đất thì giao Cục Thuế mời lên xử lý, nếu quá hạn vẫn chây ì, chưa chịu nộp tiền sử dụng đất thì xử phạt hành chính. Nếu đã xử phạt hành chính vẫn không chấp hành, thì chuyển sang các cơ quan điều tra xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu chính quyền các địa phương rà soát, thống kê và thu hồi đối với các thửa đất không đủ diện tích xây nhà, nhằm bảo đảm không phát sinh thêm các nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường, tuyến phố mới; đối với các tuyến phố cũ, cần tập trung xử lý để đến hết năm nay không còn nhà siêu mỏng, siêu méo trên địa bàn thành phố.

Cảnh báo loại tội phạm mới chuyên lấn chiếm đất xen kẹt

Trong Hội nghị giao ban trực tuyến sáng 24-6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra cảnh báo về một loại tội phạm mới chuyên đi lấn chiếm đất xen kẹt, đất bỏ hoang để xây nhà tạm, sau đó mua bán trao tay, gây mất trật tự an ninh. Do đó, yêu cầu lực lượng Công an, chính quyền các quận, huyện, thị xã, nhất là chính quyền cấp xã cần tập trung các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn không để loại hình tội phạm này phát sinh thêm trong thời gian tới.

Theo CAND