Hà Nội có hàng trăm dự án chậm triển khai, bỏ hoang hóa

VietTimes -- Theo Sở TNMT, giai đoạn 2012 - 2017, Hà Nội có tới 161 dự án có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, 40 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục, 47 dự án chậm tiến độ trên 24 tháng, 22 dự án chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng, 04 dự án chậm nghĩa vụ tài chính.
Hàng trăm dự án tại Hà Nội có dấu hiệu vi phạm, để hoang hóa.
Hàng trăm dự án tại Hà Nội có dấu hiệu vi phạm, để hoang hóa.

Lấn chiếm, hoang hóa đất

Giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, thành phố Hà Nội đã quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất 1.914 dự án, với diện tích khoảng 4.082ha. Trong đó, đối với các dự án vốn ngoài ngân sách, thành phố đã chấp thuận 634 dự án có sử dụng đất.

Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn Thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều phức tạp.

Việc lấn chiếm, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê lại đất sai quy định vẫn diễn ra gây bức xúc trong nhân dân như: dự án Trung tâm thương mại Đền Lừ, quận Hoàng Mai; dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở cao cấp bán, quận Thanh Xuân; dự án đầu tư khu văn phòng và nhà ở tại số 2-4 Đội Nhân, phường Vĩnh Phúc, Ba Đình; dự án Bệnh viện đa khoa Quang Trung tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; Dự án Nam Đàn Plaza của Công ty CP địa ốc dầu khí Viễn thông, quận Nam Từ Liêm; dự án xây dựng nhà cao tầng, dịch vụ công cộng kết hợp nhà trẻ, văn phòng cho thuê số 28 đường Phạm Hùng; dự án khu đô thị Mỹ Đình 2 của Tổng Công ty HUD, quận Nam Từ Liêm; dự án xây dựng nhà ở Văn La, quận Hà Đông;…

Theo Sở TNMT, có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm, chiếm 23,1% số dự án được giao đất, cho thuê đất giai đoạn 2012-2017 như: dự án khách sạn sao Phương Đông ở 269 Kim Mã của Công ty CP du lịch và thương mại Sao Phương Đông; Công trình hỗn hợp nhà chung cư cao tầng 51 Đốc Ngữ do Công ty CP đầu tư và xây dựng công trình 134 làm chủ đầu tư; Trung tâm thương mại và văn phòng số 1A Láng Hạ của Công ty CP đầu tư Láng Hạ; Công trình địa ốc Thanh Niên Plaza 125 Văn Cao của Công ty CP cao ốc Thanh Niên Detesco; dự án xây dựng bãi đỗ xe của Công ty CP đầu tư thương mại Thủ đô; Xây dựng trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe của Công ty CP bất động sản AIC; dự án Cống hóa mương thoát nước kết hợp bãi đỗ xe và nhà ở thấp tầng để bán tại Khu đô thị TP Giao Lưu, xã Cổ nhuế; dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây giai đoạn 1 tại các xã Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh;…

Các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau, phổ biến là: chậm đưa đất vào sử dụng trên 12 tháng liên tục kể từ khi được giao đất trên thực địa (40 dự án), có 47 dự án chậm tiến độ thực hiện trên 24 tháng, 22 dự án chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, 04 dự án chậm nghĩa vụ tài chính.

Ngoài ra, còn có các vi phạm khác như: 37 dự án sử dụng sai mục đích, cho thuê, cho thuê lại không đúng quy định; 11 dự án chậm do vi phạm nhiều nội dung. Còn 90 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Số lượng dự án bị phát hiện vi phạm khi thanh tra còn lớn 196/480 kết luận thanh tra có vi phạm các quy định của pháp luật, chiếm tỷ lệ 40,8%.

Rất nhiều dự án quây tôn 10 năm vẫn chưa triển khai
 Rất nhiều dự án quây tôn 10 năm vẫn chưa triển khai

Mỗi quận huyện vài chục dự án chậm

 Tại 08 quận, huyện thành phố Hà Nội (Ba Vì, Hoài Đức, Mê Linh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai) có 211 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, chậm triển khai và chưa có biện pháp khắc phục, nhiều dự án các quận, huyện đề nghị thành phố thanh tra, lập hồ sơ thu hồi theo quy định. Trong đó có cả những dự án đã được thành phố kiểm tra, phát hiện, được HĐND thành phố kiến nghị từ năm 2012.

Trong khi đó, 22 quận, huyện thị xã còn lại cũng có 172 dự án chậm triển khai.

Một số quận, huyện có số dự án chậm, vi phạm nhiều như: Hoài Đức 51 dự án; Mê Linh 50 dự án; Nam Từ Liêm 48 dự án; Hoàng Mai 25 dự án; Bắc Từ Liêm 23 dự án;…

Cá biệt có chủ đầu tư được giao đất nhưng không liên hệ với địa phương để triển khai các thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng như Công ty Công viên cây xanh Hà Nội với dự án mở rộng vườn ươm Cổ Nhuế; Công ty Thủ đô II là dự án Trung tâm ngôn ngữ Việt Lào tại Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm; Công ty Tân Á Đại Thành dự án Khu nhà ở kinh doanh Đầm Liễng, Công ty CP dịch vụ bảo vệ Việt Nam dự án xây dựng trường huấn luyện, đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ; Công ty TNHH phát triển giáo dục dự án Trung mầm non Đồng Tàu tại quận Hoàng Mai;…

Đặc biệt, một số chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, xây dựng khu đô thị mới đã thực hiện huy động vốn từ cá đối tác tham gia hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc từ người mua nhà nhưng chậm thực hiện, gây mất ổn định trật tự xã hội. Điển hình là dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long tại huyện Hoài Đức.

Số liệu cho thấy, từ 10/2012 đến ngày 31/3/2018 Hà Nội đã ban quyết định thu hồi đất 16 dự án như: dự án Văn phòng, sản xuất kinh doanh của Công ty CP xuất nhập khẩu Hồng Hà tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình với tổng diện tích khoảng trên 147ha; thu hồi 940ha đất Khu đô thị Quốc Oai của Công ty CP Tập đoàn Nam Cường;…