GS. TS. Phạm Tất Dong nói gì trước quy định cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp học?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bộ GD&ĐT vừa cho phép từ ngày 1/11 học sinh sẽ được dùng điện thoại di động trong giờ học nếu được giáo viên cho phép để phục vụ học tập. Việc này làm dấy lên nỗi lo lắng của không ít phụ huynh về việc con em mình không dùng điện thoại để học mà dùng để chơi điện tử, nhắn tin… Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. 
Giáo viên và học sinh trong giờ học (Ảnh: Minh Thúy)
Giáo viên và học sinh trong giờ học (Ảnh: Minh Thúy)

PV: Theo điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, từ ngày 1/11 tới, nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học. Việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp có ảnh hưởng đến chất lượng giờ học hay không, thưa ông?

GS. TS. Phạm Tất Dong: Theo tôi, khi ở trong lớp, học sinh nên học bằng máy tính chứ không nên học bằng điện thoại di động. Bởi khi học trên máy tính, học sinh sẽ được giáo viên quản lý các chức năng, ứng dụng học tập, tránh tình trạng làm việc riêng khi sử dụng điện thoại di động trong giờ học.

Nếu nhà trường đã bố trí máy tính thì nên cho học sinh sử dụng máy tính. Thực tế, việc sử dụng điện thoại di động nhiều khi bất lợi vì nhiều em có thể làm việc khác không liên quan đến giờ học, không chú ý nghe thầy, cô giáo giảng bài. Trong tương lai, khi việc học trực tuyến được áp dụng đại trà ở tất cả các trường học thì học sinh có thể học qua màn hình máy chiếu hoặc màn hình máy tính lớn.

GS. TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: NV)
GS. TS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: NV)

PV: Khi sử dụng điện thoại trong giờ học, nhiều em có thể dùng điện thoại để chơi điện tử, nhắn tin,… hoặc làm những việc khác mà giáo viên không thể quản lý hết được. Điều này khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng. Xin ông cho biết khi học sinh sử dụng điện thoại mà không để phục vụ cho giờ học sẽ gây ra những hậu quả gì?

GS. TS. Phạm Tất Dong: Điện thoại di động hiện nay là phương tiện để “chơi” chủ yếu của học sinh. Sau giờ học, về đến nhà hầu hết các em đều chơi điện thoại, không còn đùa nghịch hoặc chơi các trò chơi cùng bạn bè. Vì vậy, việc phụ huynh học sinh lo lắng là có cơ sở.

Khi học sinh dùng điện thoại di động thì sẽ khó quản lý vì các em có thể chơi điện tử, nhắn tin,… làm việc riêng. Việc sử dụng điện thoại trong lớp mà không để phục vụ cho giờ học, sẽ không chỉ khiến các em khó tiếp thu kiến thức mà còn gây hại cho mắt.

PV: Thực tế, không ít học sinh rất thích chơi game trên điện thoại. Làm thế nào để quản lý việc học sinh lợi dụng quyền được sử dụng điện thoại để chơi game trong lớp, thưa ông?

GS. TS. Phạm Tất Dong: Để quản lý việc học sinh lợi dụng quyền được sử dụng điện thoại để chơi game trong lớp, nhà trường nên trang bị cho các em máy tính bảng hoặc máy tính, máy chiếu có màn hình lớn để tránh hại mắt khi sử dụng điện thoại di động với màn hình bé, có nhiều ánh sáng xanh.

Không chỉ vậy, khi học sinh sử dụng máy tính của nhà trường, giáo viên sẽ dễ dàng quản lý việc học của các em hơn vì máy tính sẽ được cái đặt những ứng dụng chỉ có nội dung phục vụ cho việc dạy học, không phục vụ cho những mục đích khác. Cùng với đó, nhà trường cần phải xây dựng được cơ sở dữ liệu số hóa của lớp học để quản lý việc học tập của học sinh thông qua cơ sở dữ liệu này.

Học sinh dùng điện thoại phục vụ cho nhu cầu học tập (Ảnh: Minh Thúy)
Học sinh dùng điện thoại phục vụ cho nhu cầu học tập (Ảnh: Minh Thúy) 

Thực tế, mỗi học sinh đều có một hoàn cảnh gia đình khác nhau. Em nào có điều kiện thì dùng máy điện thoại hơn chục triệu với nhiều tiện ích; em nào nhà khá giả thì dùng máy điện thoại 7-8 triệu, còn những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn, không có điện thoại thông minh mà dùng điện thoại màn hình đen trắng thì không thể đáp ứng được việc tìm kiếm thông tin trên mạng để phục vụ cho nhu cầu học tập. 

PV: Được biết, với quy định mới của Bộ GD&ĐT, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng được sử dụng điện thoại khi đang dạy học. Liệu giờ học có đảm bảo hay không khi thầy cô có việc cần dùng điện thoại mà xao lãng việc dạy học trên lớp?

GS. TS. Phạm Tất Dong: Khi học trực tuyến, được sử dụng điện thoại di động thì mỗi giáo viên phải có trách nhiệm đảm bảo giờ học và quản lý học sinh để đảm bảo việc dạy và học diễn ra nghiêm túc, có hiệu quả, đồng thời, tự ý thức được vấn đề dạy học của mình.

PV: Hiện, một số nước trên thế giới có quy định cấm học sinh, giáo viên dùng điện thoại trong lớp trong khi Việt Nam lại cho phép sử dụng điện thoại trong giờ học. Có phải Việt Nam đang đi ngược lại xu thế với các nước hay không?

GS. TS. Phạm Tất Dong: Theo tôi được biết trên thế giới có những nước cho học sinh học bằng máy tính bảng có sẵn các bài tập. Khi đến lớp, học sinh mở máy tính ra để học và làm bài tập, không phải “cõng” sách giáo khoa lên lớp. Ngoài ra, họ không cho học sinh sử dụng điện thoại di động nhiều vì gây ra tình trạng hại mắt.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong dạy học là vô cùng cần thiết, tuy nhiên để thực hiện có hiệu quả trong thực tế thì nhà trường phải đảm bảo các điều kiện như trang bị máy tính bảng, máy tính bàn, máy chiếu có màn hình lớn,… đặc biệt là phải có cơ sở dữ liệu số hóa phục vụ cho việc dạy và học.

Học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học phải được phép của giáo viên

Để rộng đường dư luận, trong sáng nay (9/9) PV VietTimes đã trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội – về việc học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học.

Khác với GS. TS. Phạm Tất Dong, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại thuộc quyền của người dạy học – chính là các thầy, cô giáo.

“Tôi cho rằng phụ huynh không nên quá lo lắng việc con mình sử dụng điện thoại di động ở trên lớp. Bởi nếu giáo viên không cho học sinh dùng điện thoại trong lớp thì học sinh không được phép sử dụng. Nếu học sinh sử dụng điện thoại không vì mục đích học tập thì giáo viên sẽ có những hình phạt phù hợp. Việc học sinh đến trường và sử dụng điện thoại là thuộc quyền điều khiển của nhà trường và giáo viên. Không phải lúc nào học sinh cũng được phép sử dụng điện thoại trong giờ học. Nhà trường và giáo viên phải có trách nhiệm, năng lực kiểm soát việc học sinh sử dụng điện thoại để học tập.”

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Khánh)
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Khánh)

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, ở Pháp và một số nước trên thế giới đã có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong quá trình học tập trên lớp. Tuy nhiên, nếu cấm việc sử dụng điện thoại một cách quá cứng nhắc thì không nên. Bởi điện thoại di động là một phương tiện hữu ích để ứng dụng công nghệ thông tin, tra cứu kiến thức trong quá trình dạy học. Vấn đề chính ở đây là thầy trò phải bảo ban nhau để sử dụng phương tiện này đúng mục đích, có hiệu quả chứ không lợi dụng để làm những việc khác. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại còn cần sự tự ý thức rất lớn đến từ học sinh – không phải lúc nào cũng dùng điện thoại, chỉ sử dụng khi giáo viên cho phép để phục vụ học tập.

Hiện nay, tài liệu học của học sinh là tài liệu mở, sách giáo khoa chỉ mang tính chất tham khảo nên giáo viên có thể chủ động tìm kiếm, cập nhật thông tin, kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau để hướng dẫn học sinh khai thác. Điều này mang lại rất nhiều lợi ích cho cả giáo viên và học sinh, giúp việc tiếp thu kiến thức đa dạng, nhanh chóng. Tuy nhiên, điểm bất lợi ở đây chính là tình trạng học sinh lợi dụng việc sử dụng điện thoại để chơi game, nhắn tin,… trong giờ học.

Vì thế phải có sự kiểm soát và quản lý việc sử dụng điện thoại đến từ chính giáo viên và nhà trường, để đảm bảo chất lượng dạy học, việc tiếp thu kiến thức của các em có hiệu quả.