GS.TS. Dương Nghiệp Chí: Người đặt nền móng cho ngành thể thao điện tử giải trí Việt Nam

VietTimes – GS.TS. Dương Nghiệp Chí đã qua đời trong sự tiếc thương vô hạn không chỉ của riêng ngành thể thao Việt Nam. Với giới CNTT, ông cũng là một người đáng nể nhất là với dự án xây dựng hệ thống điện tử xử lý thông tin SEA Games 22 cùng những kỷ niệm cho sự ra đời Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam.  
GS TS Dương Nghiệp Chí - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam.
GS TS Dương Nghiệp Chí - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học TDTT, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam.

Cả cuộc đời gắn bó với thể thao

Năm 1961, ông Dương Nghiệp Chí được cử đi du học tại Trung Quốc nhưng trái với nguyện vọng được theo ngành địa chất, ông lại được phân công học tại Đại học Thể dục thể thao (TDTT) Bắc Kinh. Ban đầu, ông cũng không hài lòng với sự phân công này nhưng được sự động viên của rất nhiều người, ông đã chấp nhận và thậm chí còn là một trong những sinh viên Việt Nam giỏi nhất của Đại học TDTT Bắc Kinh.

Về nước, ông công tác tại Tổng cục TDTT rồi được điều động làm Hiệu trưởng ĐH TDTT TP.HCM trong nhiều năm. Sau đó, ông trở lại công tác ở Tổng cục TDTT và làm Phó Tổng Cục trưởng. Cá nhân ông đã tham gia nghiên cứu rất nhiều đề tài khoa học của ngành và rất nhiều học trò của ông nay đang đảm đương nhiều cương vị quan trọng của ngành.

Năm 1993, vì một số lý do riêng, ông xin thôi biên chế nhà nước để ra ngoài kinh doanh trang thiết bị thể thao. Như vậy, dù xin thôi biên chế nhưng suốt 4 năm ra ngoài, ông vẫn làm những công việc gắn bó với thể thao. Tuy nhiên, đến năm 1997, ông bất ngờ nhận được lời đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao Hà Quang Dự quay lại biên chế nhà nước và trực tiếp lãnh đạo Viện Khoa học TDTT.

Ứng dụng CNTT cho thể thao: Dấu ấn SEA Games 22

GS.TS. Dương Nghiệp Chí trở lại biên chế nhà nước ở vào thời điểm mà Việt Nam đang quyết tâm giành quyền đăng cai SEA Games 22 vào năm 2003. Đây là một sự kiện thể thao quốc tế và đương nhiên, việc đo kiểm thành tích thể thao phải theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc ứng dụng CNTT và tự động hóa trong việc đo kiểm thành tích như một lẽ đương nhiên.

Vào năm 2000, một số báo chí đã nắm được thông tin phải có một dự án lớn về CNTT của ngành thể thao và chắc chắn, máy móc phải được đưa ra chạy thử với các sự kiện thể thao tiền SEA Games 22. Vậy nhưng, tại Giải Điền kinh Quốc tế Hà Nội vào mùa hè năm 2001 thì người ta vẫn cứ dùng đồng hồ bấm tay và thước dây (!).

Đến tháng 10/2001, Viện Khoa học TDTT được giao chủ trì xây dựng Hệ thống Điện tử Xử lý Thông tin cho SEA Games 22. Theo GS.TS. Dương Nghiệp Chí, đây là một dự án khó vì các đối tác trong nước chưa có kinh nghiệm; còn nếu thuê nước ngoài thực hiện thì không đủ kinh phí.

Tuy nhiên, GS.TS. Dương Nghiệp Chí cũng đã phải tiếp rất nhiều doanh nghiệp và nhà báo quan tâm đến dự án này. Các doanh nghiệp thì dù biết là không có lãi nhưng lại đặc biệt quan tâm. Còn giới báo chí thì mổ xẻ vấn đề là thời gian còn lại không nhiều mà cả hai ngành CNTT lẫn thể thao hoàn toàn bỡ ngỡ! TS Trần Xuân Thuận – Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Sản xuất Phần mềm - thừa nhận là sự không hiểu biết lẫn nhau giữa hai ngành ở thời điểm đó lên đến 90%.

Đỉnh điểm của sự việc là trong số tháng 2/2002, tạp chí Thế giới Vi tính đã có loạt bài “Phút thứ 89 của CNTT cho SEA Games 22”. TS. Nguyễn Trọng – Tổng biên tập Thế giới Vi tính khi đó – đã viết mấy dòng tâm sự là với kinh nghiệm gần 30 năm trong ngành CNTT, chưa bao giờ ông thấy một dự án đáng lo ngại như thế này. Vì thế, ông đề nghị giao ngay cho một số doanh nghiệp như VDC và FPT để triển khai thay vì mất thời gian đấu thầu. Cùng với việc đó, Chính phủ phải có một quyết tâm chính trị đủ mạnh cùng một bộ máy chỉ đạo điều hành dự án một cách quyết liệt nhất.

Không lâu sau đó, Viện Khoa học TDTT đã tổ chức hội thảo về dự án này và mời tất cả các đối tác quan tâm đến dự. Không khí buổi hội thảo hết sức sôi động và thậm chí không ai muốn giải lao vì mối lo ngại chung là rất lớn. Tuy nhiên, kết luận hội thảo thì GS.TS. Dương Nghiệp Chí lại cho biết là mới chỉ có Ban chỉ đạo chứ Ban tổ chức SEA Games 22 chưa được thành lập. Do vậy, nếu vào cuộc ngay lúc đó là “cầm đèn chạy trước ô tô” nhưng có lẽ không còn cách nào khác.

Cũng chính vì thế, Chính phủ cũng gấp rút thành lập Ban tổ chức SEA Games 22. Các dự án thành phần của Hệ thống Điện tử Xử lý Thông tin cũng nhanh chóng được tổ chức đấu thầu và chỉ định thầu. Không chỉ có vậy, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) còn trở thành “Đối tác chính thức lớn nhất” của SEA Games 22 với những khoản đầu tư lên tới 100 tỷ đồng.

SEA Games 22 đã thành công theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng dụng CNTT trong đo kiểm thành tích. Ảnh ST
SEA Games 22 đã thành công theo các tiêu chuẩn quốc tế về ứng dụng CNTT trong đo kiểm thành tích. Ảnh ST 

Vì thế, những cuộc thử nghiệm cho Đại hội TDTT toàn quốc cuối năm 2002 và sau đó một năm là chính thức với SEA Games 22 đã diễn ra trôi chảy không hề xảy ra một lỗi nhỏ. Quan trọng nhất với dự án chính là khâu vận hành hệ thống. TS Mai Liêm Trực – Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông khi đó – đã đánh giá rất cao những nỗ lực của dự án và cả riêng với GS.TS. Dương Nghiệp Chí.

Thể thao điện tử: Một sự nghiệp hoàn toàn mới

Sau SEA Games 22, GS.TS. Dương Nghiệp Chí chính thức nghỉ hưu nhưng Viện Khoa học TDTT vẫn giành cho ông một phòng làm việc với đầy đủ tiện nghi cần thiết. Lúc này, do không còn bận quản lý nên ông đã dành hết tâm huyết cho nghiên cứu khoa học và không ít nghiên cứu sinh của ngành đã được ông hướng dẫn.

Cũng vào thời điểm đó, phong trào chơi game trên máy tính trong giới trẻ đã nổi lên và theo GS.TS. Dương Nghiệp Chí, hoàn toàn có thể gọi đó là thể thao điện tử nếu các game có tính đối kháng. Thể thao điện tử cũng phải được thừa nhận bình đẳng với thể thao truyền thống và người chơi game cũng cần có tổ chức riêng của mình. Giống như bóng đá có Liên đoàn Bóng đá, cờ vua và cờ tướng có tổ chức liên đoàn riêng. 

Cũng vì thế, GS.TS. Dương Nghiệp Chí đã cùng với TS. Mai Anh – nguyên Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam – nhất trí phải thành lập Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam. Những lần xúc tiến đầu tiên được triển khai từ năm 2004 nhưng phải đến cuối năm 2007 thì mới đủ điều kiện chín muồi để chính thức vận động thành lập tổ chức này. Và phải đến đầu năm 2009, Bộ Nội vụ đã có quyết định cho phép thành lập.

Theo GS.TS. Dương Nghiệp Chí, thể thao điện tử là một nền thể thao hoàn toàn mới và chính nó cũng tạo nên những mối thân thiện với thể thao truyền thống vì không ít game cũng là mô phỏng lại các bộ môn thể thao như bóng đá, đua xe, quần vợt… Vì thế, tiềm năng của thể thao điện tử ở Việt Nam là rất lớn và chính các môn thể thao truyền thống cũng cần phải tranh thủ khai thác, nghiên cứu thể thao điện tử.

Trong 2 nhiệm kỳ đầu tiên của Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam, GS.TS. Dương Nghiệp Chí đã được tín nhiệm làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội. Tuy nhiên, trong quá trình xúc tiến tổ chức Đại hội III, ông đã không thể hiện diện vì trọng bệnh. Song ông cũng yên tâm ra đi vì sự nghiệp của mình đã được chuyển giao cho thế hệ trẻ với toàn những con người 7x, 8x. Trong số này có anh Dương Vi Khoa – cháu ruột ông là một huấn luyện viên từng dẫn đoàn thể thao điện tử Việt Nam tại SEA Games 30 tại Philippines – được bầu làm Phó Chủ tịch.

Ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch thế hệ 7x của Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Chủ tịch thế hệ 7x của Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam.

Vĩnh biệt GS.TS. Dương Nghiệp Chí, tin rằng lãnh đạo mới của Hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam sẽ làm được nhiều việc để thể thao điện tử Việt Nam có vị thế và sánh vai với thể thao truyền thống.