Grab và cuộc ganh đua của 3 ‘megabank’ Nhật Bản ở Home Credit

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dù có tới 4 ‘tay chơi’, cuộc đua thâu tóm mảng kinh doanh của Home Credit ở khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ dường như vẫn sẽ chỉ là ‘cuộc đua tam mã’ của 3 ‘megabank’ Nhật Bản: Mizuho – MUFG – SMFG.
Grab và cuộc ganh đua của 3 ‘megabank’ Nhật Bản ở Home Credit
Grab và cuộc ganh đua của 3 ‘megabank’ Nhật Bản ở Home Credit

Theo nguồn tin của Bloomberg, Grab Holdings Ltd (Grab) – gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe và giao hàng Đông Nam Á – mới đây đã lọt vào vòng trong ở cuộc tham gia đấu giá mua lại mảng kinh doanh khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ của công ty cho vay tiêu dùng Home Credit.

Cạnh tranh với Grab trong thương vụ này là 3 ‘megabank’ tới từ Nhật Bản, bao gồm: Mitsubishi UFJ Financial Group Inc (MUFG), Mizuho Financial Group Inc (Mizuho) và Sumitomo Mitsui Financial Group Inc (SMFG).

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, một số ‘tay chơi’ đã bày tỏ quan tâm đến việc mua lại toàn bộ danh mục đầu tư tại Đông Nam Á và Ấn Độ của Home Credit, trong khi số khác chỉ quan tâm tới thị trường Đông Nam Á. Các bên vẫn đang tiếp tục cân nhắc các thoả thuận và không loại trừ khả năng sẽ không theo đuổi bất cứ việc ký kết nào.

Dù có tới 4 ‘tay chơi’ được điểm tên, cuộc đua thâu tóm ở Home Credit có lẽ vẫn chỉ là ‘cuộc đua tam mã’ của 3 ‘megabank’ Nhật Bản, bao gồm Mizuho, MUFG và SMFG.

Bởi lẽ, trong nửa đầu năm 2020, MUFG được cho là đã rót tới 80 tỉ Yên (tương đương 727 triệu USD) vào Grab. Hậu giao dịch, MUFG sẽ vượt qua SoftBank để trở thành tổ chức tài chính lớn nhất đầu tư vào Grab.

Tuy nhiên, dù tham vọng cỡ nào, các ‘tay chơi’ kể trên cũng phải đáp ứng mức định giá mà giới chủ Home Credit đang kỳ vọng, từ 2-2,5 tỉ USD cho mảng kinh doanh ở Indonesia, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ.

Như VietTimes từng đề cập, cả 3 định chế tài chính lớn nhất Nhật Bản đều đã có những khoản đầu tư tại thị trường Việt Nam. Ở lĩnh vực ngân hàng, Mizuho và MUFG đang đồng hành cùng Vietcombank và Vietinbank, trong khi SMFG được tin rằng sẽ ‘buông’ Eximbank để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank.

Ở trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng, cuối năm 2014, Credit Saison – thành viên của Mizuho – đã mua 49% cổ phần HD Finance (nay là HD Saison) từ Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank). Giá trị thương vụ rơi vào khoảng 833,2 tỉ đồng.

Đến tháng 4/2021, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thành viên của SMFG – đã chi tới 1,37 tỉ USD để mua 49% cổ phần FE Credit – công ty tài chính tiêu dùng có thị phần hàng đầu Việt Nam.

Gần nhất vào tháng 8/2021, thông qua Krungsri (Thái Lan), MUFG đã đạt được thỏa thuận mua 100% vốn SHB Finance với Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) để phát triển mảng cho vay tiêu dùng. Thương vụ được tiết lộ có giá trị khoảng 156 triệu USD, chia thành hai giai đoạn cách nhau 3 năm.

Nhưng ‘cuộc chơi’ ở Home Credit sẽ mang tới nhiều sự khác biệt. Riêng tại Việt Nam, Home Credit được cho là công ty tài chính tiêu dùng có quy mô tài sản và dư nợ cho vay lớn thứ hai thị trường, chỉ sau FE Credit.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Home Credit Việt Nam đạt 22.316 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 4.639 tỉ đồng, chiếm 21% nguồn vốn.

Tuy nhiên, việc không có sự hậu thuẫn của các ngân hàng trong nước như các đối thủ khác (FE Credit có VPBank, HD Saison có HDBank) khiến Home Credit Việt Nam gặp nhiều khó khăn về việc tiếp cận tệp khách hàng cũng như nguồn vốn vay ưu đãi.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, lợi nhuận của Home Credit Việt Nam đã sụt giảm hơn một nửa, từ mức đỉnh 1.636 tỉ đồng năm 2017 xuống còn 815 tỉ đồng năm 2019. Năm 2020, chỉ tiêu này tiếp tục giảm thêm 21,7% so với năm trước, xuống còn 638 tỉ đồng.

Dù vậy, với dân số trẻ và một nền kinh tế năng động như Việt Nam, nếu nhận được sự hậu thuẫn đủ lớn, khoản đầu tư vào Home Credit vẫn còn giữ nguyên giá trị tiềm năng.

Một kịch bản có thể hình dung liên quan đến ‘deal’ này, đó là việc SMFG mua lại thành công mảng kinh doanh của Home Credit ở Việt Nam và tiến hành sáp nhập nó với FE Credit – nơi SMFG đang nắm giữ 49% cổ phần. Đó là một kịch bản hay dành cho SMFG nhưng sẽ là tin không vui cho các đối thủ đồng hương của định chế tài chính này./.