Google bị tố tham lam, ăn bớt và vi phạm bản quyền

Đó là những lời chỉ trích của chủ tịch News Corp, tập đoàn truyền thông lớn thứ 3 trên thế giới dành cho Google sau khi công ty này đột nhiên có sự thay đổi lớn nhất lịch sử của mình.
CEO của News Corp cho rằng Google là kẻ tham lam và vi phạm bản quyền
CEO của News Corp cho rằng Google là kẻ tham lam và vi phạm bản quyền

Trong bài phát biểu tại Lễ trao giải thưởng truyền thông Viện Lowy tổ chức tại Sydney, Úc, chủ tịch của tập đoàn truyền thông News Corp, Robert Thomson đã chỉ trích Google là tham lam, tham nhũng, thích kiểm duyệt và vi phạm bản quyền.

Thomson cho rằng Google và cả Facebook đã xây dựng nên những hệ thống lỗi, chỉ sử dụng nội dung do người khác tạo ra. Ông nói: " Không ai trong số họ tạo ra nội dung và họ cũng chẳng hề có ý định trả tiền vì điều đó. Họ tái xây dựng lại nội dung của người khác và cho rằng đó là điều hiển nhiên cho sự mở rộng của mạng xã hội. Còn tôi cho rằng đó là những hành động phi tự nhiên ".

Thậm chí, Thomson còn chơi chữ khi nói rằng, cụm từ "Sở hữu trí tuệ" rõ ràng không nằm trong bảng chữ cái của Google, ám chỉ đến cái tên mới Alphabet của hãng công nghệ khổng lồ này. Ông "xỉa xói" A tức là Avarice (tham lam), B mà Bowdlerize (ăn bớt), tới chữ K là Kleptocracy (tham nhũng) và Z là Zealotry (quá khích).

Khẳng định Google vẫn tiếp tục phát triển với kiểu "xài chùa": "Tại sao phải trả tiền cho các chuyên gia khi bạn có nội dụng do người dùng tạo ra? Làm sao phải trả tiền khi có thể ăn cắp? ", nhưng Thomas cũng cảnh báo, cách vận hành này chỉ đem lại những thông tin dạng đơn giản. Còn nếu Google muốn thực sự nâng tầm với những nội dung cao siêu hơn, không còn cách nào khác: hãy rút ví.

Đây không phải lần đầu Google bị chỉ trích công khai. Thậm chí nhiều lần trước đây, công ty này còn bị người sử dụng phản đối vì tham lam đến mức không tôn trọng và lừa đảo khách hàng. Cụ thể, tháng 4 vừa rồi, chưa đầy hai tháng sau khi Youtube Kids được tung ra nhằm phục vụ trẻ em, nền tảng video do Google sở hữu đã phải đối mặt với cơn thịnh nộ của người tiêu dùng và trẻ em tại Mỹ khi nhiều đoạn video giải trí thực chất là quảng cáo những sản phẩm không phù hợp cho trẻ. Biết là Google chủ yếu kiếm tiền nhờ quảng cáo, nhưng đến mức "trẻ em cũng không tha" thì sự chỉ trích này là hoàn toàn dễ hiểu.

Hai tháng sau, vào tháng 6/2015, ứng dụng Google Photos lại phân loại gương mặt 2 người đàn ông da màu thành Gorillas (khỉ đột). Điều đáng nói là sự chậm chạp của Google với việc khắc phục sự cố, bởi lỗi của Google Photos đã được phản ánh từ hồi tháng 4 khi ứng dụng này nhận diện một con chó thành... ngựa.

Cú phốt to nhất mới đây phải kể đến vụ scandal nghe lén khi hãng này âm thầm nghe lén toàn bộ các cuộc hội thoại riêng tư của người dùng qua Chrome. Cụ thể, Google đã bí mật cài mã “hộp đen” vào những phần mở rộng mã nguồn mở Chromium, nghĩa là chúng chứa mã biên dịch khiến cho người dùng không thể nhìn thấy, không biết được những “hành động” mà phần mở rộng này tự ý thực hiện. Thông qua mã hộp đen, song song với việc kích hoạt tính năng tìm kiếm bằng giọng nói khi người dùng nhập lệnh “Ok, Google”, nó còn tự động kích hoạt microphone và từ đó thu lại tất cả âm thanh của người dùng để mặc định gửi đến cho một bên thứ ba nào đó mà bạn hoàn toàn không hề đồng ý hoặc hay biết gì.

Dù mỗi lần xảy ra sự cố, Google đều có cách bao biện để xoa dịu dư luận, nhưng qua quá nhiều những lần "mắc phốt" thế này, hẳn nhiều người sẽ tự hỏi: Liệu Alphabet và Google có "bình mới rượu cũ"? Hãy cùng chờ xem thời gian tới mọi việc sẽ diễn ra thế nào.

Theo Khám Phá