Gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao có lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5%

VietTimes -- Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ sử dụng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, không có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Lãi suất cho vay sẽ thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5-1,5%.
Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ khác gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay mua nhà ở.
Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao sẽ khác gói tín dụng 30.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay mua nhà ở.

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/3, chia sẻ với phóng viên thông tin về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, “Chúng ta phải hiểu gói tín dụng 100.000 tỷ dành cho nông nghiệp công nghệ cao thực chất không phải từ nguồn vốn ngân sách mà là Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5 -1.5% để tạo điều kiện cho các DN vay đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”

“Cách hiểu là như vậy chứ không phải chúng ta hiểu gói 100.000 tỷ đồng này sẽ không giống như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở” – Ông Dũng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho biết thêm, chủ trương là xã hội hóa đầu tư hạ tầng, xã hội hóa đầu tư vốn, đầu tư tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi nhất. Trong đó có việc tập trung sửa Nghị định 210, Nghị định 59, chủ trương mở rộng hạn điền để báo cáo Quốc hội sửa Luật Đất đai hay nói cách khác là tích tụ ruộng đất. Thay vì sản xuất manh mún, đất giao lâu dài cho người dân thì giao nhiệm vụ cho các chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ thuê lại đất của dân để giao cho DN đầu tư trên phương thức sử dụng hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động ở trong khu vực nông thôn. Nói cách khác, DN chỉ làm lõi, làm nòng cốt.

Cũng tại họp báo chiều nay, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mong muốn, các cơ quan báo chí sẽ truyền tải nhiều DN, nhiều điển hình, nhiều tổ hợp, nhiều gia đình, nhiều địa phương làm tốt vấn đề này để cùng nhau học tập, cùng nhau thay đổi cách thức truyền thống làm ăn xưa để có những tiếp cận kinh tế thị trường theo hiệu quả kinh doanh trên thửa đất của mình.” Đặc biệt là mang lại lợi ích cho người dân tốt nhất” – Ông Dũng nhấn mạnh.

Trước đó, tại buổi làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Đinh Dậu, ngày 2/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu yêu cầu cho các cơ quan về việc giải bài toán hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao và quyết định nâng gói tín dụng cho lĩnh vực này từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, nhiệm vụ sẽ được phân công cụ thể:

-           Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xử lý kiến nghị về cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết;

-          NHNN xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành một gói tín dụng khoảng 100.000 tỉ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường; đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp; nghiên cứu hướng dẫn bộ thủ tục mẫu thật gọn nhẹ, thuận lợi về giao dịch vốn đối với các dự án nông nghiệp.

-          Bộ TN-MT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung cơ chế sử dụng đất trong quá trình tích tụ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

-          Bộ KH-ĐT chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (xong trong tháng 3.2017) cho phù hợp với quá trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp; giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu xử lý, sớm báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp.