Gỡ vướng pháp lý, không làm phát sinh thêm thủ tục khi cổ phần hóa DNNN

VietTimes -- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ngày 20/9, đã có công văn chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc các quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Cụ thể, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính rà soát cơ sở pháp lý, nội dung văn bản số 4544/BTC-TCDN ngày 15/4/2019 về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và “không làm phát sinh thủ tục, vướng mắc ngoài các quy định pháp luật” của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất. Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 9/2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét sửa đổi, bổ sung tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục thực hiện có kết quả các nội dung tại cuộc họp ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019.

Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15/6/2018 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Nghị quyết số 73/NQ-CP).

Nghị quyết đề ra mục tiêu khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong giai đoạn 2011-2016; thực hiện có hiệu lực, hiệu quả chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới nhằm tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó, nghị quyết đề ra 3 giải pháp: (1) hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách; (2) Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nhiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và (3) Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý trách nhiệm.

Được biết, tính đến hết Quý 2/2019, mới có 35/127 doanh nghiệp nhà nước trong danh mục được duyệt đã thực hiện cổ phần hóa, đạt tỷ lệ 27,5%.

Những nguyên nhân của sự chậm trễ này, một phần là do vướng mắc ở các quy định pháp lý, phần khác là do một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.