Giữa “tâm bão” chip gián điệp và chiến tranh thương mại, CEO Apple thân chinh đến Trung Quốc nhằm mục đích gì?

VietTimes -- Thời gian gần đây, khó khăn đang bủa vây Apple. Công ty bị nghi ngờ để Trung Quốc gài chip gián điệp trong máy chủ, bị triệu tập để giải trình trong buổi điều trần về quyền riêng tư của Thượng viện Mỹ và đứng giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thế nhưng, CEO Apple Tim Cook tuần qua vẫn thân chinh đến Bắc Kinh và tham dự một số hoạt động quảng bá sản phẩm tại đây. Vậy mục đích thực sự đằng sau chuyến công du này là gì?
CEO Apple xuất hiện tại Trung Quốc trong tuần qua. Ảnh: ChinaDaily
CEO Apple xuất hiện tại Trung Quốc trong tuần qua. Ảnh: ChinaDaily

Ngày 10/10, CEO Apple đã có mặt tại trường Tương lai Triều Dương ở thành phố Bắc Kinh. Với nụ cười trên môi, ông thích thú theo dõi các em học sinh trung học sử dụng bút Apple Pen trên iPad. Ông Tim Cook còn chia sẻ trạng thái trên mạng xã hội Weibo, bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh với nội dung: “Tôi vô cùng ấn tượng bởi tài năng và niềm đam mê của sinh viên, giáo viên và nhân viên của các bạn”.

Ông Cook không quên nhấn mạnh đây “thực sự là một ngôi trường kiểu mẫu” khi áp dụng chương trình giảng dạy của Apple. Trái với dự đoán, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã ghi nhận rằng CEO Tim Cook đang có “một tâm trạng rất tốt”.

Trong bối cảnh Apple đang lao đao bởi ảnh hưởng của “cơn bão” chip gián điệp Trung Quốc gài trên máy chủ công ty, và hơn nữa là tình hình căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Cook vẫn đang nỗ lực để bảo vệ hoạt động kinh doanh của biểu tượng công nghệ Mỹ tại quốc gia tỷ dân, bao gồm cả mảng sản xuất và bán hàng.

Tổng thống Donald Trump đăng tải dòng tweet khuyên Apple nên rời dây chuyển sản xuất iPhone về Mỹ. Ảnh: VOA
 Tổng thống Donald Trump đăng tải dòng tweet khuyên Apple nên rời dây chuyển sản xuất iPhone về Mỹ. Ảnh: VOA

May mắn cho Apple, iPhone và Apple Watch không nằm trong danh sách bổ sung 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế 10%, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố. Tuy nhiên là một công ty Mỹ gia công các sản phẩm phần lớn tại Trung Quốc, “Táo khuyết” khó tránh khỏi ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại ngày càng khốc liệt.

Trong tháng 9, Tổng thống Donald Trump đã gửi lời khuyên tới ban lãnh đạo Apple rằng công ty nên sớm đưa dây chuyền sản xuất về Mỹ. Ông Trump đăng tải trên Twitter cá nhân: “Apple nên bắt đầu xây dựng các nhà máy mới ngay từ bây giờ”.

Nhưng đối với Apple, mọi chuyện không đơn giản chỉ có vậy. Doanh thu từ việc bán iPhone tại thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng doanh thu toàn cầu của công ty trong năm 2017. Nhiều chuyên gia phân tích nhận định Trung Quốc đang trên đà vượt qua Mỹ, để trở thành thị trường lớn nhất của Apple.

Đối với lãnh đạo một số doanh nghiệp Mỹ, mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn quan trọng hơn với Thổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sputnik
Đối với lãnh đạo một số doanh nghiệp Mỹ, mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn quan trọng hơn với Thổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sputnik

Trả lời tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Chủ tịch công ty cố vấn tài chính APCO Worldwide tại Trung Quốc, James McGregor cho biết: “Đối với nhiều công ty công nghệ Mỹ, Tập Cận Bình còn quan trọng hơn Donald Trump, bởi Trung Quốc là thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất”.

Với lý do rào cản thuế quan sẽ ảnh hưởng tới cả 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bắc Kinh đã nhiều lần nhắc nhở các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ nên trở thành cầu nối để đem tới giải pháp hòa bình cho chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thông qua các buổi gặp gỡ của họ với Washington.

"Lãnh đạo các công ty Mỹ đang bị kẹt và khó xử", ông McGregor nhận định.

Cùng trong ngày 10/10, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trung Sơn khẳng định với Bloomberg rằng Mỹ không nên tin rằng việc tăng cường đánh thuế có thể khiến chính phủ Trung Quốc nhượng bộ các yêu cầu của Mỹ.

Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc khẳng định Trung Quốc sẽ không nhượng bộ Mỹ, bất chấp lời đe dọa áp thêm thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
 Bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc khẳng định Trung Quốc sẽ không nhượng bộ Mỹ, bất chấp lời đe dọa áp thêm thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trung Sơn nói: “Ở Mỹ, có một quan điểm là nếu Washington tiếp tục tăng thuế quan thì Trung Quốc sẽ chịu lùi bước. Họ rõ ràng không hiểu văn hóa và lịch sử của Trung Quốc”.

Trong buổi phỏng vấn trên Fox News ngày 9/10, Tổng thống Donald Trump đã đề cập tới việc Trung Quốc phát triển như hiện nay là nhờ nguồn đầu tư từ Mỹ: “Chúng tôi đã góp công tái thiết Trung Quốc”. Ông Trump nói thêm: “Nếu chúng ta không là điều đó, Trung Quốc đã không phải là nơi mà họ đang sinh sống hiện nay”.

Và gần đây Bloomberg cho biết đã phát hiện chip gián điêp Trung Quốc trên máy chủ, sản xuất tại quốc gia này, của các công ty công nghệ Mỹ, bao gồm Apple và Amazon. Tất nhiên, cả ông Tim Cook và CEO Amazon Jeff Bezos đều phản đối kịch liệt cáo buộc trên.

Thực tế, CEO Apple vẫn thường xuyên đến thăm Trung Quốc để duy trì hoạt động kinh doanh tại đây của công ty. Thậm chí, ông Cook còn là thành viên của hội đồng quản trị tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Thanh Hoa, Bắc Kinh. Apple cũng đang hợp tác với Đại học Thanh Hoa để xây dựng một trung tâm nghiên cứu công nghệ, tập trung vào Machine Learning và Tầm nhìn Điện toán (computer vision).

CEO Apple selfie với người dùng Trung Quốc tại một cửa hàng ở Thượng Hải ngày 9/10. Nguồn: CultofMac
 CEO Apple selfie với người dùng Trung Quốc tại một cửa hàng ở Thượng Hải ngày 9/10. Nguồn: CultofMac

Tuần qua, ông Cook đã có mặt tại một buổi quảng bá bộ 3 iPhone dành cho năm 2018, selfie bằng chiếc iPhone Xs Max giá 1.850 USD tại Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nhận định sự xuất hiện của CEO Apple nhằm thúc đẩy doanh số thất vọng của loạt iPhone mới, theo khảo sát các nhà bán lẻ ủy quyền của Tập đoàn Caixin.

Đăng tải trên mạng xã hội Weibo với bức ảnh chụp sông Hoàng Phố, ông Tim Cook viết: “Xin chào một lần nữa… Thượng Hải đang thay đổi mỗi ngày!”. Ông cũng trích dẫn thành ngữ có nội dung “tất cả các con sông đều chảy ra biển lớn” với hàm ý các bên nên cởi mở và khoan dung hơn.

Dự kiến, ông Cook sẽ tham dự một cuộc họp hội đồng quản trị tại Đại học Thanh Hoa trước khi rời Bắc Kinh. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Apple đã từ chối bình luận về việc liệu CEO Apple có gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như chuyến công tác hồi năm 2017 hay không. Và bất kể mục đích thực sự trong lần ghé thăm Đại lục này của ông Cook là gì thì nó vẫn chứng minh, Trung Quốc là thị trường quan trọng của Apple.

Nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường IDC, Bryan Ma cho rằng: “Tim Cook phải hâm nóng mối quan hệ với khách hàng địa phương, và quan trọng hơn là với quan chức Trung Quốc”. Ông Ma nói thêm: “Một phần thông điệp mà ông ấy hy vọng thiết lập ở đây là đề cao tầm quan trọng của Trung Quốc với Apple”.

Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường và CEO Apple Tim Cook tại Hội thảo Phát triển Trung Quốc lần thứ 18. Đây là chuyến công du thứ 10 của ông Cook tới quốc gia triệu dân. Nguồn: ChinaDaily
 Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường và CEO Apple Tim Cook tại Hội thảo Phát triển Trung Quốc lần thứ 18. Đây là chuyến công du thứ 10 của ông Cook tới quốc gia triệu dân. Nguồn: ChinaDaily

Thông điệp của CEO Apple rõ ràng được giới chức Trung Quốc hiểu rất rõ. Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Lý Cường phát biểu, sau cuộc gặp ông Tim Cook: “Chúng tôi sẵn sàng… tìm hiểu và cùng nhau đem lại lợi ích cho đôi bên, để tiếp thêm sức sống mới cho sự phát triển của Thượng Hải”.

Tuy nhiên, ông Lý Cường cũng không quên nhấn mạnh vai trò quan trọng của Apple trong mối quan hệ song phương: “Chúng tôi hy vọng rằng Apple sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa Thượng Hải và Mỹ”.

Bức ảnh ông Tim Cook sử dụng Apple Pay trên đồng hồ thông minh Apple Watch để mua vé qua phà đã thu hút vô số lượt bình luận trên mạng xã hội Weibo. Và có lẽ, nỗ lực của “nhà ngoại giao bất đắc dĩ” đến từ nước Mỹ đã giúp đem lại thiện cảm không chỉ từ người dùng Trung Quốc.

Theo SCMP