Giữa lúc tình hình căng thẳng, Thủ tướng Ấn Độ thị sát khu vực tranh chấp Ladakh

VietTimes – Ngày 3/7, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã bất ngờ đến thăm khu vực Ladakh, nơi xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ để thị sát tình hình và nghe báo cáo của các chỉ huy quân đội.
Thủ tướng Narendra Modi đáp trực thăng tới thị sát các đơn vị quân đội tại khu vực Ladakh đang tranh chấp với Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).
Thủ tướng Narendra Modi đáp trực thăng tới thị sát các đơn vị quân đội tại khu vực Ladakh đang tranh chấp với Trung Quốc (Ảnh: Đông Phương).

Theo các trang tin Đông PhươngĐa Chiều, Thủ tướng Narendra Modi đã đến thăm khu vực Ladakh trên dãy Hymalaya, nơi xảy ra xung đột vào tháng trước giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ. Tháp tùng ông tới các vị trí tiền tiêu này có các tướng Bipin Rawat, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ và Manoj Mukund Naravane, Tư lệnh Lục quân. Theo các báo Ấn Độ, ông Modi sáng 3/7 đã đáp trực thăng đến căn cứ quân sự Nimu ở Ladakh, nghe các báo cáo của các chỉ huy cấp cao quân đội, giao lưu với các sĩ quan, binh sĩ Không quân, Lục quân và Lực lượng Cảnh sát Biên phòng Ấn Độ-Tây Tạng (ITBP) và theo dự kiến sẽ đến thăm những binh sĩ bị thương trong cuộc xung đột đang điều trị tại bệnh viện ở Leh.

Theo trang web News18 của Ấn Độ ngày 3/7, mục đích của ông Modi trong chuyến đi này là để đánh giá tình hình an ninh biên giới và tiến trình đàm phán với quân đội Trung Quốc trong bối cảnh đối đầu biên giới với Trung Quốc. Ông Modi cũng sẽ giao lưu với quân đội và gặp gỡ những người lính bị thương tại bệnh viện quân đội, điều này sẽ làm tăng tinh thần của quân đội.

Thủ tướng Modi thăm một trận địa của binh lính Ấn Độ gần khu vực tranh chấp (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Modi thăm một trận địa của binh lính Ấn Độ gần khu vực tranh chấp (Ảnh: Reuters).

Báo này nhấn mạnh rằng đây là chuyến thăm bất ngờ và lần đầu tiên các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia đến thăm khu vực này kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở Ladakh ngày 15/6. Trong cuộc xung đột đó, 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng trong cuộc đối đầu với quân đội Trung Quốc.

India Today ngày 3/7 nói ông Modi có thể nói chuyện với binh sĩ Quân đoàn 14 và gặp những người lính Ấn Độ bị thương trong cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan.

Trước chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Modi thang đến Ladakh, ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi, đã bày tỏ hoan nghênh. Ông viết trên Twitter: "Ông Modi đã làm rất tốt khi đến thăm chiến tuyến Ladakh. Chuyến thăm này thể hiện quyết tâm của Ấn Độ trong việc đẩy lùi cuộc xâm lược của Trung Quốc."

Giáo sư Chellaney cũng nhấn mạnh rằng động thái của Modi đã bù đắp cho sai lầm trước đó. Ông chỉ ra rằng Thủ tướng Modi đã có một bài phát biểu bất lợi vào ngày 19/6, và đồng thời làm nhẹ tình hình ở biên giới vài tuần trước khi cuộc xung đột chết người nổ ra vào ngày 15/6. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh cũng đã tweet vào ngày 3/7 rằng chuyến thăm Modi chắc chắn đã thúc đẩy tinh thần của quân đội.

Thủ tướng Modi và các chỉ huy quân đội nghe báo cáo về tình hình biên giới (Ảnh: Reuters).
Thủ tướng Modi và các chỉ huy quân đội nghe báo cáo về tình hình biên giới (Ảnh: Reuters).

Hôm 30/6, chỉ huy quân đội hai bên đã tiến hành vòng đàm phán cấp quân đoàn thứ 3. Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, nguồn tin quân đội cho biết hai bên đã đồng ý tiến hành “thoát ly tiếp xúc” các đơn vị ở tuyến trước theo từng đợt và thiết thực áp dụng các biện pháp thúc đẩy hạ nhiệt tình hình biên giới. Tuy nhiên, truyền thông Ấn Độ cho rằng tại khu vực ven hồ Pangong ở Ladakh, quân đội Trung Quốc đang đóng tại các vị trí bên phần đất Ấn Độ trên Tuyến kiểm soát thực tế (LAC) vẫn không có dấu hiệu rút đi.

Cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn đã gây ra căng thẳng liên tục giữa hai bên và sự trả đũa của Ấn Độ đối với Trung Quốc cũng leo thang. Theo báo cáo, chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm các doanh nghiệp khoa học và công nghệ Trung Quốc tham gia xây dựng 5G địa phương, đồng thời hạn chế hơn nữa các công ty Trung Quốc đầu tư vào khu vực địa phương.

Ông Modi (giữa) nghe báo cáo tại chỗ về tình hình vụ xung đột với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Ông Modi (giữa) nghe báo cáo tại chỗ về tình hình vụ xung đột với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Nitin Gadkari, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và các doanh nghiệp vừa và nhỏ Ấn Độ tuyên bố, chính phủ sẽ không cho phép bất kỳ công ty nào do Trung Quốc tài trợ tham gia vào các dự án xây dựng đường bộ của Ấn Độ (bao gồm cả phương thức liên doanh) hoặc đầu tư vào  các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ấn Độ trong tương lai.

Báo chí Ấn Độ cũng cho biết, Bộ Viễn thông Ấn Độ và Bộ Nội vụ Ấn Độ đang xem xét liệu có nên bắt chước Mỹ coi các công ty Trung Quốc Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia hay không. Một quan chức giấu tên nói rằng chính phủ Ấn Độ sẽ kêu gọi các công dân, cơ quan chính phủ và khu vực công mua nhiều sản phẩm địa phương hơn, "chứ không phải các sản phẩm từ nước địch”.

Ông Modi giao lưu với bộ đội ở tuyến trước biên giới (Ảnh: Reuters).
Ông Modi giao lưu với bộ đội ở tuyến trước biên giới (Ảnh: Reuters).

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đe dọa rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc tại Ấn Độ. Ông ta nói rằng một số chính trị gia ở Ấn Độ gần đây đã đưa ra những nhận xét vô trách nhiệm làm suy yếu quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, nhấn mạnh rằng quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ cần được hai nước cùng giữ gìn, Ấn Độ nên đi cùng hướng với Trung Quốc và nói hợp tác thực dụng giữa Trung Quốc và Ấn Độ bản chất là hai bên cùng có lợi. Vì vậy việc lập ra các trở ngại nhân tạo cho việc này là vi phạm các quy tắc liên quan của WTO và cũng sẽ gây tổn hại cho lợi ích của chính Ấn Độ.

Việc Luật An ninh Quốc gia cho Hồng Kông có hiệu lực đã gây phản ứng rộng rãi từ cộng đồng quốc tế. Đại diện Ấn Độ đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về vấn đề Hồng Kông một cách hiếm thấy tại Hội đồng Nhân quyền LHQ vào hôm thứ Tư (1/7); cho rằng Ấn Độ có lợi ích của kiều dân rất lớn ở Hồng Kông nên rất quan tâm đến diễn biến của tình hình ở đây. Ấn Độ dẫn lời các nguồn tin giấu tên nói rằng Ấn Độ là quốc gia duy nhất trong "cơ chế tứ giác" Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ đã không công khai chống lại chính phủ Trung Quốc về các chính sách liên quan đến Hồng Kông, nhưng lần này, họ bất ngờ bày tỏ quan ngại tại Liên Hợp Quốc và rõ ràng có ý định sử dụng điều này để gây áp lực với Trung Quốc và cũng để đáp lại tình cảm chống Trung Quốc trong các đảng đối lập và người dân trong nước.

Video về chuyến thị sát bất ngờ của Thủ tướng Narendra Modi tới khu vực Ladakh tranh chấp với Trung Quốc.

Sau khi vòng đối thoại cấp quân đoàn thứ ba giữa Trung Quốc và Ấn Độ kết thúc, cả hai bên đã đưa ra thông điệp "sẽ dần dần thoát ly đối đầu", nhưng truyền thông Ấn Độ tiếp tục đưa tin Trung Quốc đã tăng quân tới biên giới và Pakistan đã tăng quân tới khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát để "phối hợp với việc triển khai của Trung Quốc tại Ladakh". Đáp lại, Ấn Độ cũng đã gửi hàng chục ngàn binh sĩ và vũ khí đến khu vực này. Tuy nhiên, quân đội Pakistan sau đó đã phủ nhận các thông tin nói họ có liên quan đến cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với Ấn Độ.