Giữa lúc căng thẳng với Ấn Độ và Đài Loan, báo Trung Quốc đe dọa “không bảo đảm không nổ súng trước”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tình hình eo biển Đài Loan và biên giới Trung-Ấn ngày càng trở nên căng thẳng.
Trung Quốc có sự thay đổi quan trọng khi tuyên bố không đảm bảo rằng sẽ không nổ súng trước (Ảnh: Đa Chiều).
Trung Quốc có sự thay đổi quan trọng khi tuyên bố không đảm bảo rằng sẽ không nổ súng trước (Ảnh: Đa Chiều).

Thời báo Hoàn cầu, cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc ngày thứ Sáu (25/9) đăng bài khẳng định, Trung Quốc luôn nói “không nổ súng đầu tiên”, tuy nhiên, để bảo vệ lợi ích cốt lõi, “không nổ súng trước” không phải là tuyệt đối mà cần “có điều kiện”. Đặc biệt, trong một cuộc chiến thống nhất đất nước chống ly khai, hoặc đối mặt với một mối đe dọa ngay trước mắt, Trung Quốc không đảm bảo rằng sẽ không nổ súng trước.

Trong bài báo nhan đề “Chuyên gia kiến nghị: Trung Quốc không bảo đảm không nổ phát súng đầu tiên”, tác giả Thẩm Đinh Lập, người được giới thiệu là Giáo sư Đại học Phục Đán, viết:

“Từ lâu nay, Trung Quốc luôn nói “không nổ phát súng đầu tiên”. Xem ra Trung Quốc rất coi trọng “nổ súng”, lại càng coi trọng “nổ súng trước”. Ngay từ những năm 1960, Trung Quốc đã đề xuất “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” nhằm vào các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác. Đối với các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới, Trung Quốc khẳng định cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân “bất cứ lúc nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào”.

Nổ súng đầu tiên có thể là trái đạo đức (hoặc có thể có tội). Vì vậy, để phù hợp với đạo đức/pháp lý, trước tiên Trung Quốc bảo đảm không sử dụng vũ khí hạt nhân. Gần đây, hình thức tự trói buộc này dường như đã leo thang, một số học giả còn hô hào “không nổ súng trước” trong lĩnh vực phi vũ khí hạt nhân. Ví dụ, trong bối cảnh đối đầu giữa hai bên hiện nay ở khu vực biên giới Trung-Ấn, một số người đã hô hào “không nổ súng đầu tiên”. Đây rõ ràng là hành động tự trói buộc mình trong bối cảnh xung đột vũ trang thông thường. Trong bối cảnh các tranh chấp chủ quyền và quyền lợi liên quan đến các khu vực xung quanh của chúng ta, chẳng hạn như tranh chấp biển Hoa Đông và Biển Đông, cũng có những tiếng nói tương tự”.

Quân đội Trung Quốc ở biên giới Trung - Ấn hiện đã được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu cấp 2 (Ảnh: Đa Chiều).
Quân đội Trung Quốc ở biên giới Trung - Ấn hiện đã được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu cấp 2 (Ảnh: Đa Chiều).

Bài báo nêu vấn đề: “Mọi người phải hỏi, mục đích của việc có súng là gì? Rõ ràng là để bảo vệ lợi ích. Vì lợi ích gì? Đó phải là lợi ích chính đáng hợp tình hợp pháp. Vậy giữa muôn vàn lợi ích, đâu là lợi ích cốt lõi? Theo sách trắng “Sự phát triển hòa bình của Trung Quốc” do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện phát hành năm 2011, các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm 6 điều bảo đảm cơ bản: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, ổn định đại cục hệ thống chính trị quốc gia và ổn định xã hội do Hiến pháp Trung Quốc thiết lập cũng như sự phát triển bền vững kinh tế và xã hội.  

Điều có thể hiểu được là người dân hy vọng bảo vệ lợi ích cốt lõi của đất nước một cách hòa bình. Tuy nhiên, nếu nói về việc bảo vệ lợi ích cốt lõi bằng cách không nổ phát súng đầu tiên, điều này đã ngụ ý rằng nếu trong tình huống phải nổ phát súng đầu tiên, đương nhiên là bắn trả. Có nghĩa là mục đích của việc có súng là để bắn trong điều kiện nhất định. Vì vậy, dưới tiền đề bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc, không nổ phát súng đầu tiên phải có điều kiện”.

Tác giả phân tích về 6 lợi ích cốt lõi của Trung Quốc như sau:

“Lợi ích quốc gia cốt lõi đầu tiên là “chủ quyền quốc gia”. Hãy thử tưởng tượng, khi các máy bay quân sự nước ngoài tiến hành các hoạt động trinh sát quân sự trong không phận của Trung Quốc và liên tiếp nhiều lần, tạo thành các sự kiện vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc, liệu Trung Quốc có cần phải kiên trì không nổ súng trước để đảm bảo an toàn tính mạng cho các phi công quân sự nước ngoài không?

Trung Quốc công bố đoạn phim mô phỏng máy bay H-6K tấn công căn cứ Anderson ở Guam (Ảnh: Đa Chiều).
Trung Quốc công bố đoạn phim mô phỏng máy bay H-6K tấn công căn cứ Anderson ở Guam (Ảnh: Đa Chiều).

Lợi ích quốc gia cốt lõi thứ hai là “an ninh quốc gia”. Hãy tưởng tượng khi một (hay các) quốc gia nhất định hoặc các thế lực lượng bên trong và bên ngoài thúc đẩy chính sách khủng bố/buôn bán ma túy chống Trung Quốc, Trung Quốc đã có đủ bằng chứng chứng minh an ninh quốc gia của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng, thì liệu có cần phải kiên trì không nổ súng trước? Bởi vì điều này có thể khuyến khích các tổ chức và cá nhân phạm tội mà không bị trừng phạt. Còn có một tình huống khác: khi vũ khí hạt nhân của Trung Quốc phải đối mặt với cuộc tấn công chính xác bằng vũ khí phi hạt nhân của kẻ thù, chúng ta có phải kiên quyết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước không? Khi vũ khí hạt nhân của nước ta bị hư hại nghiêm trọng, chỉ vì phía bên kia chỉ phát động các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường, thì Trung Quốc có cần phải hạn chế trả đũa đối phương bằng vũ khí thông thường tương đương không?

Lợi ích quốc gia cốt lõi thứ ba là “toàn vẹn lãnh thổ”. Hãy tưởng tượng khi trước quân đội Nhật cố thủ ở Đông Bắc thúc đẩy “nền độc lập” của vùng Đông Bắc và thành lập cái gọi là “Mãn Châu quốc”, quân đội ở Đông Bắc Trung Quốc nhất quyết không nổ súng trước và phải chứng kiến sự đánh mất lãnh thổ. Liệu Trung Quốc ngày nay có thể dung thứ lặp lại nỗi nhục dân tộc? Dĩ nhiên là không thể. Lý do điều này hoàn toàn không thể xảy ra ở Trung Quốc ngày nay vì chúng ta phải kiên quyết nổ súng trước chống lại bất kỳ đội quân xâm lược nước ngoài nào.

Lợi ích quốc gia cốt lõi thứ tư là “đoàn kết dân tộc”. Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc vẫn chưa được thống nhất với đại lục. Trung Quốc đại lục nỗ lực thúc đẩy tái thống nhất hòa bình, nhưng quyết không từ bỏ tái thống nhất phi hòa bình. Trước sự ngày càng hung hăng của thế lực “Đài Loan độc lập”, trong tình hình yếu tố can thiệp từ bên ngoài ngày càng lộ rõ, khả năng phải thống nhất bằng các biện pháp phi hòa bình tất nhiên sẽ tăng lên. Theo “Luật chống ly khai” do Trung Quốc ban hành năm 2005, “các thế lực ly khai 'Đài Loan độc lập' đã khiến Đài Loan tách khỏi Trung Quốc dưới bất kỳ danh nghĩa nào, với hình thức nào; hoặc một sự kiện lớn xảy ra khiến Đài Loan tách khỏi Trung Quốc, hoặc khả năng thống nhất hòa bình hoàn toàn mất đi, Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp phi hòa bình và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Mặc dù các biện pháp phi hòa bình không nhất thiết là chiến tranh nhưng rất có thể là chiến tranh. Trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước chống ly khai, Trung Quốc đại lục không loại trừ khả năng nổ súng trước.

Ngày 24/9, sau khi Đài Loan tiến hành diễn tập phòng không, truyền thông quân đội Trung Quốc đã công bố video phóng hàng chục tên lửa DF-11 (Ảnh: Jiefangjunbao).
Ngày 24/9, sau khi Đài Loan tiến hành diễn tập phòng không, truyền thông quân đội Trung Quốc đã công bố video phóng hàng chục tên lửa DF-11 (Ảnh: Jiefangjunbao).

Lợi ích quốc gia cốt lõi thứ năm là “đại cục ổn định hệ thống chính trị quốc gia và xã hội tổng thể được Hiến pháp Trung Quốc xác lập”. Khi đối mặt với sự thách thức của các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra tay nhằm lật đổ chế độ của Trung Quốc và gây bất ổn xã hội nghiêm trọng, Hiến pháp Trung Quốc không loại trừ lựa chọn nổ súng trước, với cả bên ngoài và bên trong. Tất nhiên, tích cực hóa giải mọi loại mâu thuẫn và nỗ lực giảm bớt các yếu tố gây xung đột sẽ kiểm nghiệm khả năng quản trị của chúng ta. Tuy nhiên, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tốt nhất là không nên kiểm tra giới hạn cuối của Trung Quốc.

Lợi ích quốc gia cốt lõi thứ sáu là “bảo đảm cơ bản cho sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững”. Kinh tế và thương mại quốc tế bình thường, hợp tác quốc tế về lương thực và năng lượng, v.v., là bảo đảm cơ bản cho sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội Trung Quốc. Nếu ai đó cố ý không muốn người Trung Quốc sống tốt ắt sẽ chuốc lấy hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, trước sự quấy rối của hải tặc ở Vịnh Aden, Hải quân Trung Quốc từ lâu đã điều động biên đội hộ tống để đảm bảo an toàn cho các tàu buôn các nước trên tuyến hàng hải. Đối với những tên cướp biển kiếm tiền và giết người, những lính Trung Quốc từ lâu đã nổ súng trước, dù họng súng vẫn còn lệch lên trên một chút”.

Bài báo kết luận: “Không nổ phát súng đầu tiên không phải là tuyệt đối, cần tránh rơi vào chủ nghĩa giáo điều. Liên Hợp Quốc cũng chưa bao giờ cấm nổ súng trước trong bất kỳ trường hợp nào; thay vào đó, tổ chức này quy định rằng khi có bằng chứng cho thấy một quốc gia đối mặt với mối đe dọa sắp xảy ra, quốc gia đó có thể tấn công phủ đầu hợp pháp. Tất nhiên, các hoạt động quân sự do Mỹ phát động chống lại Iraq năm 2003 không phù hợp với tình hình này, vì khi đó Mỹ không phải đối mặt với một mối đe dọa sắp xảy ra từ Iraq”.

Người viết (Thẩm Đinh Lập) kiến nghị: “Trong tương lai, có thể dựa trên quy phạm của Liên Hợp quốc về tính hợp pháp của việc nổ súng và dựa trên việc Trung Quốc cân nhắc bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi, sự ổn định khu vực và hòa bình thế giới, có thể tuyên bố với bên ngoài rằng: Trung Quốc sẽ thực hiện kiềm chế tối đa để không nổ súng đầu tiên, nhưng không đảm bảo rằng không nổ súng đầu tiên. Như thế mới là hành vi có đạo đức và tuân thủ pháp luật nhất”.