Giới lãnh đạo Mỹ bất đồng sau vụ không kích giết chết tướng Suleimani, Iran đe dọa báo thù mang tính hủy diệt

VietTimes -- Bước vào đầu năm mới 2020, Hoa Kỳ đã “ném một ngọn đuốc vào thùng thuốc nổ Trung Đông”, khi tiến hành hành động “chặt đầu” giết chết tướng Qasem Suleimani, người chỉ huy Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC). Động thái này càng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran. Iran đã tuyên bố sẽ “tiến hành sự trả thù có tính hủy diệt” đối với Mỹ.
Sau khi tướng Suleimani bị giết trong vụ không kích của quân đội Mỹ, phía Iran đã dọa sẽ tiến hành "sự trả thù có tính hủy diệt" đối với Mỹ. (Ảnh: Đa Chiều)
Sau khi tướng Suleimani bị giết trong vụ không kích của quân đội Mỹ, phía Iran đã dọa sẽ tiến hành "sự trả thù có tính hủy diệt" đối với Mỹ. (Ảnh: Đa Chiều)

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, vào vào đầu giờ ngày thứ Sáu 3/1 theo giờ địa phương, có ít nhất ba quả tên lửa đã được bắn tới khu vực sân bay quốc tế Baghdad. Hai xe hơi đã bị phá hủy, ít nhất 8 người bị giết chết.

Sau đó, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã ra tuyên bố xác nhận rằng Thiếu tướng Qassem Soleimani, chỉ huy Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Iran đã bị giết trong cuộc tấn công này của quân đội Mỹ.

Chiếc xe chở tướng Qasem Suleimani bị phá hủy bởi tên lửa Mỹ. (Ảnh: AP)
Chiếc xe chở tướng Qasem Suleimani bị phá hủy bởi tên lửa Mỹ. (Ảnh: AP)

Lầu Năm Góc cũng xác nhận, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn chiến dịch này vào sáng ngày 2/1, ra lệnh tấn công bằng máy bay không người lái ở Baghdad, giết chết hai quan chức chỉ huy cấp cao lực lượng dân quân của Iraq và ông Suleimani. AP cho biết, chiếc máy bay không người lái MQ-9 của Mỹ đã phóng các tên lửa Hellfire AGM-114A “Lửa địa ngục” phá hủy chiếc xe chở tướng Qasem Suleimani.

Giới lãnh đạo Mỹ bất đồng về vụ tấn công

Sau khi Lầu Năm Góc công bố tin tức về vụ không kích, ông Trump đã cho đăng một bức ảnh lá cờ Mỹ trên tài khoản Twitter cá nhân.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pempeo cũng đã viết bản tweet “Cảm ơn vì  Suleimani không tồn tại nữa”.

Trước khi tiến hành vụ tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper nói Iran đang chống lại cả thế giới, Iran cần phải trở thành một quốc gia bình thường, hành vi xấu xa của Iran đã diễn ra trong gần 40 năm.

Hạ nghị sĩ Eliot Enge: việc tiến hành vụ không kích của ông Trump là bất hợp pháp và bị nghi ngờ mạo phạm quyền lực của Quốc hội với tư cách là một cơ quan quyền lực bình đẳng với chính phủ. (Ảnh: Getty).
Hạ nghị sĩ Eliot Enge: việc tiến hành vụ không kích của ông Trump là bất hợp pháp và bị nghi ngờ mạo phạm quyền lực của Quốc hội với tư cách là một cơ quan quyền lực bình đẳng với chính phủ. (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Eliot Enge, một thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ, nói trong một tuyên bố rằng, cuộc không kích chống lại tướng Suleimani đã không được thông báo trước cho Quốc hội.

Ông Engel nói: “Không thông báo trước cho Quốc hội, việc tiến hành hành động như vậy của ông Trump là bất hợp pháp và bị nghi ngờ mạo phạm quyền lực của Quốc hội với tư cách là một cơ quan quyền lực bình đẳng với chính phủ”.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi cũng nói, việc giết chết ông Suleimani có nguy cơ  gây nên “sự leo thang nguy hiểm”.

Tướng Qasem Suleimani, nạn nhân trong vụ không kích của Mỹ sáng 3/1 tại sân bay Baghdad. (Ảnh: AP)
Tướng Qasem Suleimani, nạn nhân trong vụ không kích của Mỹ sáng 3/1 tại sân bay Baghdad. (Ảnh: AP)

Các quan chức cao cấp Iran đe dọa sẽ “báo thù mang tính hủy diệt”

Ông Amir Khatami, Bộ trưởng Quốc phòng Iran đã tuyên bố: “Iran sẽ trả đũa vụ ám sát phi nghĩa tướng Suleimani, chúng tôi sẽ tiến hành sự báo thù mang tính hủy diệt. Chúng tôi sẽ trả thù tất cả những kẻ đã tham dự vào vụ ám sát ông ấy”.

Nhà lãnh đạo tối cao của Iran, Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei nói, cần phải “báo thù nghiêm khắc” cho sự hy sinh của Suleimani trong cuộc không kích của Mỹ.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng đã viết một đoạn tweet phê phán vụ sát hại Thiếu tướng Suleimani của Hoa Kỳ là một “hành động khủng bố quốc tế” và tuyên bố, Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về tất cả các hậu quả do “chủ nghĩa côn đồ mạo hiểm” của họ gây ra.

Tầm bắn và độ chính xác của tên lửa Iran khiến Mỹ phải dè chừng. (Ảnh: VCG).
Tầm bắn và độ chính xác của tên lửa Iran khiến Mỹ phải dè chừng. (Ảnh: VCG).

Dây dẫn gây nên cuộc xung đột Mỹ - Iran lần này

Ngày 27/12/2019, một nhà thầu Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Mỹ lập tức quy kết thủ phạm vụ tấn công này là nhóm dân quân Iraq Kataeb Hezbollah được Iran hậu thuẫn.

Ngày 29/12/2019, quân đội Mỹ đã tiến hành một cuộc không kích ở Iraq, giết chết 25 chiến binh Kataeb Hezbollah và làm bị thương 51 người.

Vào ngày 31/12/2019, những người biểu tình được coi là thân Iran đã bao vây Đại sứ quán Mỹ ở Iraq, xông vào cửa chính, đập vỡ cửa sổ và đốt lửa khiến tình hình leo thang.

Ông Trump đã đổ lỗi cho Iran về toàn bộ những diễn biến trên, viết tweet cho rằng Iran phải “chịu hoàn toàn trách nhiệm” và nói “đây không phải là sự cảnh báo, mà là lời đe dọa”.

Mỹ đã đưa quân tăng viện tới Trung Đông để đề phòng tình hình leo thang. (Ảnh: Reuters)
Mỹ đã đưa quân tăng viện tới Trung Đông để đề phòng tình hình leo thang. (Ảnh: Reuters)

Về việc này, tờ Washington Post cho rằng, cái chết của nhà lãnh đạo quân sự được kính trọng nhất của Iran, có thể làm gia tăng thêm tình thế căng thẳng giữa Mỹ và Iran.

Đài truyền hình Fox News dẫn lời các nguồn thạo tin nói, các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ đã cảnh giác cao độ sau khi giết chết tướng Suleimani của Iran. Vào cuối năm 2019, tàu sân bay “Harry S. Truman” của Mỹ đã thay thế tàu sân bay “Abraham Lincoln” để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở Trung Đông.

Với những lời đe dọa mạnh mẽ của Iran, giới quan sát cho rằng khó có thể tránh khỏi những hành động quân sự đối kháng mới giữa hai bên, có điều chúng sẽ diễn ra trong phạm vi nào mà thôi.