Giới chức Mỹ thận trọng với thương vụ giữa AT&T và Time Warner

Thương vụ lịch sử trị giá 85,4 tỷ USD mua lại tập đoàn truyền thông giải trí Time Warner của nhà mạng AT&T sẽ cần nhận được sự chấp thuận từ Bộ Tư Pháp Mỹ và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) trước khi có thể trở thành hiện thực.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Dự kiến, AT&T sẽ phải đối mặt một quá trình xem xét kéo dài và không mấy dễ dàng.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch điều hành AT&T, ông David McAtee, bày tỏ tin tưởng rằng Chính phủ Mỹ luôn chấp thuận những thỏa thuận đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, củng cố tính cạnh tranh, khuyến khích đầu tư và đổi mới.

Nếu được thông qua, đây sẽ là thương vụ thâu tóm lớn nhất thế giới trong năm 2016. Mua lại Time Warner, AT&T sẽ sở hữu các kênh truyền hình hàng đầu thế giới như HBO, CNN cũng như hãng phim nổi tiếng Warner Bros.

Nhà mạng này cũng giành quyền sở hữu thương hiệu DC Comics và Batman của Warner Bros.

Vụ sáp nhập sẽ đưa AT&T trở thành đối thủ lớn của Comcast, chủ sở hữu NBC Universal, cũng như nhà cung cấp viễn thông lớn nhất nước Mỹ Verizon.

AT&T cũng sẽ có cơ hội lấn sân cạnh tranh với các tên tuổi đình đám trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ truyền hình số đang phát triển như Netflix hay Amazon.

Tuy nhiên, bước đi này của AT&T nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với các nhóm bảo vệ quyền của người tiêu dùng và chống độc quyền.

Ủy ban Chống độc quyền Thượng viện Mỹ đã lên kế hoạch tiến hành một buổi điều trần về thỏa thuận sáp nhập vào tháng 11 tới.

Mới đây, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump cũng tuyên bố sẽ ngăn chặn thương vụ này nếu ông trúng cử.

Trong năm ngoái, doanh thu của AT&T đạt 147 tỷ USD và Time Warner thu về 28 tỷ USD. Trước khi đến với AT&T, Time Warner từng từ chối lời đề nghị từ hãng 21st Century Fox vào năm 2014.

Theo TTXVN