“Gió” thổi bùng đam mê của 10 họa sĩ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khai mạc tại Hội Mỹ thuật TP.HCM lúc 17h30 chiều ngày 3/4/2022, triển lãm “Gió” là sự góp mặt của 10 họa sĩ với tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau.
Triển lãm "Gió" với sự góp mặt của 10 họa sĩ
Triển lãm "Gió" với sự góp mặt của 10 họa sĩ

Khởi nguồn của “Gió” là một triển lãm nhóm được họa sĩ Hà Hùng Dũng sáng lập, duy trì hoạt động qua nhiều năm, mỗi năm một chủ đề khác nhau. Triển lãm “Gió” lẽ ra đã trưng bày hồi năm 2021 nhưng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên đã phải lùi lại đến giờ mới có thể thực hiện. Đến triển lãm lần này, Hà Hùng Dũng mang tới 10 bức tranh lụa khổ lớn, hầu hết đều là những sáng tác trong thời gian đại dịch.

“Gió” với sự góp mặt của 10 họa sĩ ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhiều phong cách sáng tác khác nhau, nhiều chất liệu mỹ thuật khác nhau & nhiều cá tính khác nhau…) có chung niềm đam mê.

Họa sĩ Hà Hùng Dũng bên tranh lụa "Sắc xuân" (80x180)

Họa sĩ Hà Hùng Dũng bên tranh lụa "Sắc xuân" (80x180)

Nữ họa sĩ Bích Vân lựa chọn chỉ vẽ thể loại tranh thủy mặc. “Khi vẽ mình cảm nhận đây mới chính là thế giới của riêng mình, ở đó mình được tự do khám phá, tự do thể hiện và biến chúng thành những đứa con tinh thần, là nguồn động lực để thêm yêu mình, yêu người... Cứ thế mình vẽ, vẽ một cách hồn nhiên, dường như vẽ là hơi thở vậy. Tuy nhiên có thể nói cho tới giờ phút này chưa có một bức vẽ nào mình ưng ý hoàn toàn, do tuổi nghề còn thấp, trình độ chưa đạt đỉnh có những lúc cảm giác lực bất tòng tâm, muốn thế này nhưng nét cọ lại ra thế kia... mình tự nhủ phải cố gắng và cố gắng thật nhiều để ngày càng có nhiều tác phẩm như ý, trước hết thỏa mãn bản thân sau nữa là góp một chút vào sân chơi cuộc đời” – Nữ họa sĩ Bích Vân cho hay.

Tranh thủy mặc của họa sĩ Bích Vân

Tranh thủy mặc của họa sĩ Bích Vân

Trần Bình Phương Uyên – tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật, Chuyên ngành thiết kế thời trang. Đam mê thiết kế được chắp cánh trên suốt quãng đường nghiên cứu và ứng dụng vào những sản phẩm da tinh xảo. Mặc dù đại dịch xảy tới khiến cho công việc gặp không ít khó khăn do chất liệu da mà Phương Uyên lựa chọn phải nhập khẩu toàn bộ từ nước ngoài nhưng Phương Uyên vẫn vững chãi trên con đường riêng với sản phẩm handmade.

Trần Bình Phương Uyên "Hoa vô sắc" - Màu nhuộm trên da bò

Trần Bình Phương Uyên "Hoa vô sắc" - Màu nhuộm trên da bò

Trần Bình Phương Uyên "Hoa mưa" - Acrylic trên da bò

Trần Bình Phương Uyên "Hoa mưa" - Acrylic trên da bò

Họa sĩ Mỹ Vân tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM, chuyên khoa hội họa, hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM, từng tham gia nhiều triển lãm nhóm. Mỹ Vân tự sự: “Nếu nhắc tới một người bạn trung thành của con người, thì ai cũng biết đó là các chú chó đáng yêu ở khắp nơi trên thế giới. Ở ga Shibuya Tokyo hiện còn tượng của chú chó Hachiko. Ở Úc có chú chó RedDog nổi tiếng. Ở Việt Nam không ai là không biết tới cậu Vàng của lão Hạc. Và Mỹ Vân là một người dành cho các chú chó một tình cảm đặc biệt khi mà gần như Vân chỉ vẽ về các người bạn đáng yêu này".

"Hàng trăm bức tranh lớn nhỏ, là hàng trăm luồng cảm xúc khác nhau khi mà Vân phác hoạ thế giới này thông qua đôi mắt của các người bạn lâu đời nhất của loài người. Và đôi mắt ấy, có khi rất vui cũng có thể rất buồn, những ánh mắt không thể nói nên lời về cuộc đời này...” – Họa sĩ Mỹ Vân tự sự.

Tác phẩm của Mỹ Vân vẽ người bạn thân thương

Tác phẩm của Mỹ Vân vẽ người bạn thân thương

Dương Thị Hoài Thương (nghệ danh: July Duong) tốt nghiệp khoa Thiết kế thời trang – Đại học Sư phạm Kỹ thuật, có nhãn hiệu thời trang riêng là JulyDuongDesigns và JulyKids ra đời từ năm 2011.Tham gia triển lãm “Gió”, July Dương mang tới bộ sưu tập sắp đặt thời trang "Summer Wind".

July Dương với nhãn hiệu thời trang riêng

July Dương với nhãn hiệu thời trang riêng

“Trong một cơn gió hè thoáng qua giữa mùa dịch bệnh tràn lan, tôi đã có vài cơ hội đi đây đó và luôn bắt gặp hình ảnh những cô/chú bán hàng rong ngoài đường hay trên những phố chợ với những lớp áo quần sặc sỡ đủ màu sắc, đủ hoa văn từ hoa to hoa nhỏ đến kẻ caro, sọc màu bắt mắt… Và ý tưởng cho BST ra đời từ đó, chất liệu được chọn lựa sử dụng là cotton, lanh nên dù nhiều lớp vẫn giúp người mặc mát mẻ tránh được cái nắng hè gay gắt mà giá thành của các món đồ cũng khá hợp lý. Thời trang vẫn luôn hiện hữu quanh ta dù dịch bệnh hay chiến tranh, cuộc sống vẫn tiếp diễn với cơm áo gạo tiền và đủ loại hoá đơn ập đến… Nhưng đâu đó vẫn là những nụ cười rạng rõ đẹp xinh trong những bộ đồ màu sắc tươi vui đó và tôi yêu tất cả những điều đẹp đẽ giản đơn như vậy. Mong bình an đến với tất cả mọi người!” – July Dương trải lòng.

Sắp đặt thời trang của July Dương tại triển lãm "Gió"

Sắp đặt thời trang của July Dương tại triển lãm "Gió"

Họa sĩ Võ Quang Huy – tốt nghiệp chuyên ngành Thời trang – ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhưng không đi theo con đường thiết kế thời trang. Sau một lần gặp tai nạn bất ngờ trên chuyến xe đường dài nhưng may mắn không bị thương, anh lựa chọn chỉ vẽ tranh về Bụt, Bồ Tát.

Tranh Bụt, Bồ Tát của Võ Quang Huy gửi gắm thông điệp về chữa lành, đặc biệt là những vết thương tâm hồn. “Tôi hiểu rằng mình có thể đem năng lượng vào trong tranh, cũng như người xem tranh có thể cảm nhận được năng lượng an lành của các vị”. Họa sĩ đã dành hơn 9 năm liền trong phòng tranh Bụt để luyện tập từ việc lựa chọn bút pháp đến từng nét vẽ để có thể thể hiện được vẻ đẹp của các vị Bụt, Bồ Tát tương xứng với hạnh nguyện của mỗi vị, mong muốn người xem có thể cảm nhận được niềm vui, sự bình yên khi xem tranh.

Họa sĩ Võ Quang Huy bên tác phẩm

Họa sĩ Võ Quang Huy bên tác phẩm

Nguyễn Thảo Vy tốt nghiệp trường cao đẳng Mỹ Thuật Trang Trí Đồng Nai, chuyên nghành Gốm Mỹ Thuật. “Thông qua triển lãm "Gió", tôi muốn thể hiện sự rung cảm với thiên nhiên quanh ta, những hình ảnh hoa lá gần gũi và thân thuộc. Qua những tác phẩm tại triển lãm lần này, tôi mong muốn thể hiện những cảm xúc rất tự nhiên chảy trong tôi được biểu đạt qua những tạo hình giản dị mang tính ứng dụng và những mảng màu men gốm pha trộn ngẫu nhiên bởi lửa lò”.

Tác phẩm gốm của Nguyễn Thảo Vy

Tác phẩm gốm của Nguyễn Thảo Vy

Họa sĩ Khuyên Nguyễn (Nguyễn Thị Khuyên) tốt nghiệp ngành thời trang trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai năm 2005 và sau đó tốt nghiệp ngành Đồ họa trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM năm 2009. Khuyên Nguyễn theo đuổi dòng tranh khắc kim loại và khắc gỗ vô cùng cực khổ.

Đem tới triển lãm “Gió” chùm 15 tác phẩm tranh khắc với chủ đề chính “Cây là nguồn sống”. Họa sĩ gốc Tây Nguyên tự sự: “Trên cây là một hệ sinh thái của rất nhiều nguồn sống. Có cây là có nguồn nước, có sự sống. Cây có sức sống mãnh liệt. Sức sống của những cây xanh vươn lên, len lỏi qua từng ngôi nhà, hàng phố khô cằn từng lớp bê tông. Những gốc rễ trở thành bệ đỡ vững chãi cho những con người sinh sống nơi thành thị bộn bề. Những hàng cây ươm mầm cho những trái tim xanh yêu thương thiên nhiên, gia đình và con người… Cây vĩ đại như hình ảnh người mẹ thiên nhiên đối với con người, che chở, bảo vệ và sinh trưởng. Đối với tôi hình ảnh mẹ con là hình ảnh thiêng liêng, là niềm hạnh phúc khi có các con ở bên mình”.

Tranh khắc của họa sĩ Nguyễn Khuyên

Tranh khắc của họa sĩ Nguyễn Khuyên

Trần Thị Phương An tốt nghiệp trường Đại học Mỹ Thuật TP.HCM, chuyên ngành Mỹ Thuật ứng dụng. “Họa sỹ Hà Hùng Dũng đã tạo một cơ duyên, đánh thức ngọn lửa, niềm đam mê đã ngủ yên bấy lâu nay trong tôi. Giúp tôi cảm thấy mình như được kết nối với hơi thở trong lành, những điều làm tôi hạnh phúc, xua tan mọi áp lực trong cuộc sống mỗi khi tôi được tiếp xúc với giấy vẽ - màu và cọ” – Phương An chia sẻ.

Họa sĩ Huỳnh Hiền đã tham gia rất nhiều triển lãm ở trong nước và nước ngoài: ViZart International Biennale tại Albania 12/2019; Triển lãm International Watercolor Exhibition Fremantle tại Tây Úc 03/2020; Triển lãm Fabriano In Acquarella tại Italia 05/2020; Triển lãm Art et Sante tại Pháp tháng 10/2020…

Huỳnh Hiền đem đến những tác phẩm về Tuồng cổ

Huỳnh Hiền đem đến những tác phẩm về Tuồng cổ

Góp mặt với “Gió” lần này, Huỳnh Hiền muốn gửi gắm tâm sự: “Một đoá hoa có chu kỳ nở và tàn. Vì thế mà sự mưu cầu bẩm sinh đã thôi thúc con người tìm đến duy mỹ trường tồn: ‘mỹ miều’ như hoa, ‘thanh ngần’ như sen, mang ‘sự sống’ để có thể biến thiên, nhưng vẫn phải hiển nhiên ‘vô nhiễm với thời gian. Chính vẻ đẹp và biểu hiện sức sống mạnh mẽ của sen đá đã thuyết phục tôi. Từ nơi khô khan nhất, lại hun dưỡng nên một loài thực vật chan chứa sự sống nhất. Tôi muốn gửi gắm vẻ đẹp đa dạng thể của sen đá mà ít ai biết đến vào những tác phẩm nghệ thuật của mình. Đồng thời sự bất tử của loài thực vật mọng nước này là một hình ảnh hoán dụ mềm mại và đẹp đẽ hòng biểu trưng cho cố gắng của con người vào những thời điểm khó khăn nhất, ơn phước tưởng như khô cằn nhưng phần thưởng cho sự kiên cường luôn là sỏi đá nở hoa…”

Trong triển lãm lần này Huỳnh Hiền đem đến những tác phẩm về Tuồng cổ, hay còn gọi là hát bội, là một trong hai đề tài mà nữ họa sĩ theo đuổi. “Sinh ra và lớn lên từ Bình Định – quê hương của nghệ thuật hát Tuồng. Càng tìm hiểu sâu, tôi càng yêu những gì thuộc về giá trị truyền thống, thuộc về tinh hoa vốn cổ của cha ông. Bảo tồn, lưu giữ, và tôn vinh bằng hội hoạ chính là cách tôi chọn để giữ gìn nét đẹp của loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển mang tính bác học bậc nhất Việt Nam ta” – Họa sĩ cho hay.

Triển lãm mỹ thuật “Gió” còn kéo dài tới hết ngày 9/4/2022.