Giờ G sắp điểm, hai tàu sân bay Mỹ “ra đòn phủ đầu” Trung Quốc tại Biển Đông

VietTimes--Sự kiện Mỹ đưa 2 tàu sân bay vào biển Philippines ngày 18/6 vừa qua được các hãng truyền thông đánh giá là ra đòn phủ đầu đối với Bắc Kinh trước thềm tòa án đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. 
Mỹ và Philippines sẽ tăng cường ráo riết các hoạt động quân sự trên biển Đông để gây sức ép cho Trung Quốc
Mỹ và Philippines sẽ tăng cường ráo riết các hoạt động quân sự trên biển Đông để gây sức ép cho Trung Quốc

Cục diện Biển Đông vốn đã dịch chuyển sang mặt trận ngoại giao lại một lần nữa nóng lên. Ngày 19/6, Bộ chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ công bố, mẫu hạm chiến đấu USS John C.Stennis và mẫu hạm Ronald Reagan của Mỹ đã triển khai tập trận phòng không, trinh sát trên biển và tấn công tầm xa tại biển Philippines trong 1 ngày trước đó.

Mỹ thẳng thắn tuyên bố “bảo vệ an ninh và sự phồn thịnh của khu vực Ấn Độ - châu Á- Thái Bình Dương... là lợi ích quốc gia của Mỹ”. Các hãng truyền thông phương Tây khi đưa tin về sự kiện này đã chỉ ra rằng, trước thềm Tòa án quốc tế đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào đầu tháng 7, hai tàu sân bay của Mỹ tập trận tại biển Philippines có thể là hành động bố trí trước để đối phó với nguy cơ Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực.

Tàu sân bay USS John C Stennis của Mỹ tiến vào Thái Bình Dương 

Đây là động thái mới nhất của Mỹ tại Biển Đông sau khi 6 chiến đấu cơ Mỹ trực chiến tại căn cứ không quân Clark tiến vào không phận bãi cạn Scarborough vào ngày 23/4/2016  để triển khai “hoạt động nhận biết tình hình trên biển”. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter cũng nhân cơ hội này cảnh cáo Trung Quốc: Không nên khởi động công trình lấp biển xây đảo trái phép ở bãi cạn  Scarborough, nếu khởi công “chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”, Mỹ và các quốc gia khác sẽ bắt tay vào hành động.

Sáu tháng trở lại đây, trong các hành động của Mỹ tại biển Đông, vị thế của bãi cạn  Scarborough ngày càng được thể hiện rõ nét và trở thành tâm điểm giao tranh, đối đầu của hai bên. Ngày 22/3, tại buổi điều trần của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter đã tuyên bố, sẽ có những đáp trả về quân sự và bố trí lực lượng đối với công trình lấp biển xây đảo trái phép của Trung Quốc tại bãi cạn  Scarborough chứ không thể ngồi nhìn Trung Quốc quân sự hóa vùng biển này.

Và từ đầu năm 2016, nhiều tướng lĩnh quân sự của Mỹ đã liên tiếp đưa ra lời cảnh cáo đối với công trình lấp biển xây đảo trái phép của Trung Quốc tại bãi cạn  Scarborough. Một số chuyên gia quân sự còn khẳng định rằng Trung Quốc sẽ lấy bãi cạn  Scarborough làm nền tảng để xây dựng khu nhận diện phòng không trên Biển Đông. Và hành động hai tàu sân bay tiến vào Biển Đông lần này chắc chắn là kết quả trực tiếp của những lời cảnh báo này.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan

Một điều có thể khẳng định là bãi cạn  Scarborough có một vị trí đặc biệt trong số những hòn đảo mà Trung Quốc đang kiểm soát trên Biển Đông, bãi cạn này cách quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khá xa nhưng đã trở thành một cực trong “tam giác vàng” của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời cũng là bãi nổi duy nhất giữa vùng biển rộng. Nếu có thể xây sân bay trái phép ở bãi cạn  Scarborough thì Trung Quốc sẽ kết hợp được với hệ thống cơ sở hạ tầng đã xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam để hình thành nên hệ thống phòng thủ chiến lược mạnh mẽ, đảm bảo cho Trung Quốc có sự kiểm soát hữu hiệu về mặt quân sự trên Biển Đông, và chắc chắn đây là điều mà Mỹ không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, những tranh chấp trên Biển Đông kéo dài đã lâu, tại sao hai bên Trung Quốc – Mỹ lại cùng chĩa mũi nhọn vào bãi cạn  Scarborough? Câu trả lời có lẽ vẫn ẩn sâu trong vụ kiện biển Đông của Philippines lên tòa án quốc tế.

Vị trí hết sức đặc biệt của bãi cạn  Scarborough trong vụ kiện Biển Đông trước hết được thể hiện ở việc bãi cạn này có thể gây ra ảnh hưởng tiêu cực nhất khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện “đường 9 đoạn”. Vụ kiện mà Philippines đệ trình lên PCA tập trung chủ yếu vào tính hợp pháp của "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc ngang ngược "vẽ" ra trên Biển Đông, do những khu vực mà phía Trung Quốc kiểm soát không có hòn đảo nào phù hợp với định nghĩa về “đảo”, mà chỉ là bãi đá hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi.

Theo quy định của Công ước luật biển Liên hợp quốc, những bãi đá hoặc bãi cạn này không thể tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, do đó những bãi đá hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi này chỉ có thể đưa vào phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Giờ G sắp điểm, hai tàu sân bay Mỹ “ra đòn phủ đầu” Trung Quốc tại Biển Đông ảnh 3Bãi cạn Scarborough có vị trí đặc biệt quan trọng trong vụ kiện biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc

“Bãi cạn lúc chìm lúc nổi” là những vùng đất nhô cao tự nhiên có biển bao quanh, khi thủy triều xuống thấp thì lộ ra, khi thủy triều lên cao thì bị ngập nước. Khi toàn bộ hay một phần bãi cạn đó ở cách lục địa hoặc một đảo một khoảng cách không vượt quá chiều rộng của lãnh hải, thì ngấn nước triều thấp nhất ở trên các bãi cạn này có thể được dùng làm đường cơ sở để tính chiều rộng của lãnh hải.

Trong yêu sách “đường 9 đoạn” phi pháp của Trung Quốc, do có vị vị trí địa lý cách quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa – mà Trung Quốc tự coi là của mình rất xa, bãi cạn  Scarborough đã trở thành một hòn đảo không được bao trùm bởi vùng đặc quyền kinh tế được tạo ra bởi chủ trương lãnh hải của Trung Quốc. Theo tuyên bố trước đó của Trung Quốc về việc phủ quyết phán quyết của tòa án quốc tề về vấn đề chủ quyền, chỉ cần vùng đặc quyền kinh tế được hình thành từ hòn đảo thuộc chủ trương của Trung Quốc trùng khớp với chủ trương của các quốc gia khác thì tòa án không thể đưa ra phán quyết, tuy nhiên bãi cạn Scarborough lại thiếu biện pháp bảo hộ khách quan này, do đó, vị thế của bãi cạn này đang phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp từ phía phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế.

Điều này cũng có nghĩa rằng, đối với Trung Quốc, bãi cạn  Scarborough vừa là khu vực đối mặt với tình thế nghiêm trọng nhất hiện nay trong số các hòn đảo trên Biển Đông, là khu vực cần “hành động” nhất. Do đó, Mỹ và một số  quốc gia cho rằng, khi kết quả phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế bất lợi cho Trung Quốc, chắc chắn đầu tiên Bắc Kinh sẽ lựa chọn bãi cạn Scarborough để “ra tay”.

Theo suy luận này, triển khai bố trí lực lượng sớm ở bãi cạn Scarborough là đánh đòn phủ đầu đối với Trung Quốc, đây đã trở thành phương châm then chốt trong các hành động quân sự của Mỹ, Philippines thời gian qua.

Từ tháng 1/2013 – thời điểm Philippines đưa vụ kiện lên tòa án quốc tế, thời gian công bố kết quả của vụ kiện thu hút sự chú ý của cả thế giới này bị kéo dài nhiều lần, không những trở thành quả bom không hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào trong cục diện Biển Đông, và thời gian chờ đợi trường kỳ cũng khiến các nước chạy đua quân sự gay gắt hơn trên Biển Đông.

Hai mẫu hạm Mỹ tham gia tập trận lần này đã tuyên bố sẽ đồn trú tại Biển Đông đến đầu tháng 7, chính là thời điểm tòa án công bố kết quả phán quyết. Một điều có thể khẳng định là, trong thời điểm nhạy cảm này, các hoạt động "đánh đòn phủ đầu" của Mỹ và Philippines đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ diễn ra dồn dập.

Đ.Q