Giáo viên lo ngại ChatGPT khiến học sinh lệ thuộc, tạo ra gian lận trong thi cử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong năm 2022, một thế hệ chatbot mới đã làm chao đảo cộng đồng người dùng internet. ChatGPT là một trong số các chatbot khiến các nhà làm giáo dục lo ngại.
Giáo viên lo ngại ChatGPT khiến học sinh lệ thuộc, tạo ra gian lận trong thi cử (Ảnh: Japan Today)
Giáo viên lo ngại ChatGPT khiến học sinh lệ thuộc, tạo ra gian lận trong thi cử (Ảnh: Japan Today)

Trong năm 2022, một thế hệ chatbot mới đã làm chao đảo cộng đồng người dùng internet, khiến không ít người tin rằng các các cỗ máy đang ngày một thông minh "tiệm cận con người". Điều này làm dấy lên những lo ngại về công nghệ AI sẽ cướp đi việc làm của con người. Nhưng hãy tạm gác câu chuyện xa vời đó sang một bên, bởi vấn đề đáng quan ngại nhất ở thời điểm hiện tại không gì khác, ngoài việc có thể một số học sinh sẽ lợi dụng AI để gian lận trong trường học.

Và sự quan ngại đó đã đạt đến đỉnh điểm trong vài tuần trở lại đây, liên quan đến ChatGPT, một công cụ AI dễ dùng, được huấn luyện dựa trên hàng tỉ từ ngữ và vô vàn dữ liệu từ web.

Nó có thể viết một bài luận tương đối ổn, và trả lời nhiều câu hỏi phổ biến thường gặp trong các lớp học, từ đó bùng lên cuộc tranh cãi về tương lai của giáo dục truyền thống.

Sở giáo dục thành phố New York (Mỹ) đã chính thức cấm ChatGPT trong mạng lưới trường học tại đây bởi “những quan ngại về tác động tiêu cực lên quá trình học tập của sinh viên".

“Dù công cụ này có thể mang lại những câu trả lời nhanh và dễ dàng cho nhiều câu hỏi, nó không giúp xây dựng kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề" - theo Jenna Lyle, chuyên viên sở của bộ cho biết.

Một nhóm các trường đại học ở Úc cũng cho biết, sẽ thay đổi định dạng đề thi nhằm ngăn chặn các công cụ AI, đồng thời xem việc sử dụng chúng là gian lận.

Tuy nhiên, một số người trong ngành giáo dục lại cởi mở hơn về các công cụ AI trong trường học, thậm chí cảm thấy chúng mang lại cơ hội hơn là một mối đe doạ. Cũng một phần bởi ChatGPT vẫn chưa thể trả lời được chính xác 100% các câu hỏi.

Ví dụ, AI này cho rằng Guatemala có diện tích lớn hơn Honduras, nhưng thực tế không phải.

Ngoài ra, những câu hỏi mơ hồ có thể khiến nó rối trí. Khi yêu cầu công cụ này miêu tả cuộc chiến Amiens, nó sẽ trả về một hoặc hai chi tiết đáng quan tâm liên quan cuộc chạm trán vào năm 1918 từ Thế chiến I.

Nhưng nó lại không biết có một cuộc tập kích cùng tên diễn ra vào năm 1870. Và phải mất vài lần nhắc nhở, ChatGPT mới nhận ra đã sai.

“ChatGPT là một cải tiến quan trọng, nhưng không hơn gì những chiếc máy tính bỏ túi hay những trình biên tập văn bản" - tác giả kiêm nhà giáo dục người Pháp, Antonio Casilli, cho biết. “ChatGPT có thể giúp những người đang căng thẳng vì chưa biết viết gì có được đoạn phác thảo đầu tiên, nhưng sau đó họ vẫn phải tự viết tiếp và dùng phong cách của riêng mình".

Nhà nghiên cứu Olivier Ertzscheid từ Đại học Nantes đồng ý rằng, giáo viên nên tập trung vào những điều tích cực. Dù thế nào đi nữa, học sinh sinh viên cũng đã dùng ChatGPT rồi, và mọi nỗ lực cấm đoán nó chỉ khiến học sinh ngày càng tò mò về nó mà thôi.

Thay vào đó, giáo viên nên "thử nghiệm các giới hạn" của các công cụ AI, bằng cách tự tạo văn bản và phân tích kết quả với học sinh của họ.

Nhưng còn có một lý do lớn khác giải thích tại sao các nhà giáo dục chưa cần phải hoảng sợ trước AI.

Các công cụ viết văn bằng AI từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của các chương trình chuyên dụng để phát hiện ra chúng, và ChatGPT không phải ngoại lệ.

Vài tuần trước, một lập trình viên nghiệp dư thông báo rằng anh ấy đã dành kỳ nghỉ năm mới của mình để tạo một ứng dụng có thể phân tích văn bản và phát hiện xem chúng có phải do ChatGPT viết hay không.

Ứng dụng của anh, GPTZero, không phải là sản phẩm đầu tiên có chức năng này và chắc chắn không phải cuối cùng.

Các trường đại học hiện đã sử dụng phần mềm nhằm phát hiện hành vi ăn cắp ý tưởng, do đó không khó để hình dung một tương lai nơi mọi bài luận đều được soi kỹ càng qua các công cụ phát hiện AI.

Nhiều nhà giáo dục cũng đưa ra ý tưởng về các loại watermark số, hoặc những dạng dấu hiệu cho phép người đọc xác định được các sản phẩm do AI tạo ra.

Và OpenAI, công ty sở hữu ChatGPT, cho biết đang nghiên cứu một nguyên mẫu “watermark thống kê" - cho thấy các nhà giáo dục không phải quá lo lắng trong tương lai trước mắt.

Nhưng ông Antonio Casilli vẫn tin rằng, tác động của các công cụ AI là không thể bỏ qua. Chúng đang dần dần thay đổi “luật chơi". Trước đây, giáo viên là người hỏi học sinh các câu hỏi. Nay, học sinh hỏi lại máy móc trước khi kiểm tra kết quả đầu ra rồi mới đem những câu trả lời đó trình bày cho giáo viên.

Ông Casilli cho biết: "Mỗi khi có các công cụ mới xuất hiện, chúng tôi lại lo lắng về nguy cơ lạm dụng chúng, nhưng chúng tôi cũng đã tìm ra nhiều cách để sử dụng chúng trong quá trình dạy học".

Theo Japan Today