Giao quyền phải có “roi” để không thể, không dám, không muốn tham nhũng

VietTimes -- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội như vậy, tại buổi cùng các đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, sáng 29/11.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội sáng 29/11. Ảnh: Dân trí
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội sáng 29/11. Ảnh: Dân trí

Theo đó, tại buổi tiếp xúc, báo cáo kết quả kỳ họp này, nhiều cử tri đề cập những vấn đề thời sự trong phòng chống tham nhũng. Cử tri Phan Văn Nhâm nhận xét kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn có những vụ việc sau kết luận lại càng khiến cử tri bức xúc.

Cụ thể, cử tri Nhâm dẫn trường hợp kết quả thanh tra vấn đề liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý – nguyên Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái là không thuyết phục. “Ông Quý chỉ mất đi một chức, nhưng danh hiệu đảng viên vẫn còn, tài sản cũng vẫn còn nguyên. Nhân dân chúng tôi đặt câu hỏi, không vùng cấm trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhưng liệu còn có vùng tránh không?” - cử tri Nhâm chất vấn.

Cử tri Nhâm cho rằng, vấn đề phòng chống tham nhũng “nóng trên, lạnh dưới” có đặc điểm nhận dạng rất rõ là người đứng đầu có thể có sai phạm, nên không dám làm hoặc trong cơ quan có người nhà. Từ đây, ông Nhâm kiến nghị, Quốc hội sớm thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Theo cử tri Nguyễn Hồng Toán, hiện các tỉnh thành còn coi nhẹ vấn đề phòng chống tham nhũng, thực hiện chưa nghiêm túc chỉ đạo cấp trên. Dẫn lại việc xử lý ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái, cử tri Toán cho rằng việc đưa ông Quý về làm Phó chánh Văn phòng HĐND là “rất vô lý. Tôi thấy nếu cứ làm nhẹ nhàng như ở Yên Bái thì không thể xử lý được cán bộ thiếu nghiêm túc”.

Cử tri Toán cho rằng, xử lý cán bộ ở các tỉnh thành và cả các cấp Trung ương còn chưa thực sự kiên quyết. Do đó, cần xử lý nghiêm những cán bộ dính sai phạm, “cần phải có bản án chính thống chứ không được nghiêng về cảnh cáo về mặt đảng, khiển trách rồi cho nghỉ hưu” – cử tri Toán kiến nghị.

Ghi nhận các ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây đều là các ý kiến đóng góp xác đáng, cụ thể, chi tiết “nói cái được, cái chưa được rất chuẩn” – Tổng bí thư đánh giá.

Theo Tổng Bí thư, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là vấn đề lớn, Trung ương đã có nhiều nghị quyết nhưng chúng ta vẫn chưa bằng lòng với những gì đã làm được.

Nhận xét hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng dù đã rất cố gắng, làm có hiệu quả hơn, bài bản hơn, tâm phục khẩu phục “nhưng rõ ràng so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Tổng bí thư cho rằng là cuộc đấu tranh lâu dài, kiên trì, không nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ được ổn định.

Đáng lưu ý, theo Tổng Bí thư, phòng chống tham nhũng không phải cứ thi hành kỷ luật thật nhiều mới là thành công, mà phải là đánh thức người ta dậy để đừng vi phạm phạm khuyết điểm, đấy mới là thành công. “Mở đường cho người ta tiến mới là thành công” - Tổng Bí thư nói.

Về vấn đề sớm qua Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Tổng Bí thư nhận xét đây là luật khó, nhưng khi đưa ra phải chuẩn để giải quyết được những khâu yếu. “Không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông mà phải bằng luật pháp. Giao cho anh quyền phải có “cái roi” để anh không thể, không dám và cũng không muốn tham nhũng” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.

Theo Tổng bí thư, hiện công cuộc phòng chống tham nhũng giờ đã có tính lan tỏa cao. “Chúng tôi nhiều lần nói không thể không làm được đâu, nhưng muốn thế lòng dân phải thuận, tất cả phải đồng lòng. Nói cái lò nóng lên ý là tất cả phải vào cuộc, đồng lòng nhất trí lại, không ai có thể đứng ngoài cuộc được”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.