Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho biết Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có mục tiêu là giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) xuống bằng các nước tiên tiến trong ASEAN 6 (13-14 ngày), đến hết năm 2016 phải đạt nhóm ASEAN 4 (10-12 ngày).
Có điều, chuyện không chỉ ở riêng ngành hải quan. Hàng XNK về đến cảng còn tốn kém thời gian làm thủ tục kéo dài từ các khâu kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, ban, ngành khác nhau.
Đối tác không yêu cầu cũng kiểm tra
Ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), cho biết khảo sát của dự án và các bộ, ngành liên quan gần đây cho thấy chưa có nhiều chuyển biến trong việc giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Kết quả khảo sát tại các chi cục hải quan ở TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương cho thấy tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành chiếm 30%-35% tổng số lô hàng nhập khẩu; riêng tại Chi cục Hải quan cảng Hải Phòng khu vực I, tỉ lệ này lên tới 44%. So với năm ngoái, tỉ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành không giảm (khoảng 34%).
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Hải Phòng và 4 địa phương lân cận), số hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật tại đơn vị này năm ngoái là 34.563 và 7 tháng đầu năm là 21.959, tăng hơn 10% so với cùng kỳ.
Đáng nói là nhiều mặt hàng xuất khẩu lại bị kiểm tra chuyên ngành gắt gao nhất của nhiều cơ quan. Thời gian hoàn thành kiểm tra chất lượng cho một lô hàng nhập khẩu khoảng 13 ngày kể từ khi doanh nghiệp (DN) đăng ký, theo Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Quatest 3).
Thậm chí, từ ngày 1-1-2015, hàng xuất khẩu phải kiểm dịch thực vật theo quy định mới dù phía đối tác nhập khẩu nước ngoài không yêu cầu. Điều này đang gây bức xúc cho DN. Vì sao lại có sự tréo ngoe này, trong khi Chính phủ đang thúc các bộ, ban, ngành phải tăng cường giải pháp để giảm thời gian thông quan hàng hóa?
Nghiên cứu của USAID GIG cho thấy một mặt hàng đang chịu sự điều chỉnh của quá nhiều quy định khác nhau, thuộc thẩm quyền của nhiều đơn vị trong cùng một bộ. Chẳng hạn, chỉ một mặt hàng giấm, DN vừa phải xin phép nhập khẩu tiền chất, khai báo hóa chất, kiểm dịch thực vật rồi lại thêm kiểm tra an toàn thực phẩm.
Ngành sữa cũng vậy. Hầu hết các mặt hàng XNK đều thuộc diện phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành từ 2 cơ quan trở lên, đang trở thành gánh nặng thủ tục hành chính rất lớn cho DN.
Đổi tư duy “bắt lầm hơn bỏ sót”
Trong khi đó, thời gian cấp phép, kiểm tra chuyên ngành lại kéo dài. Các DN được khảo sát cho hay thời gian cấp giấy phép chứng nhận hợp quy hoặc kiểm tra chuyên ngành là 7-15 ngày; kiểm tra chất lượng thì mặt hàng thép và dây thép tới 2-4 tuần, thiết bị điện tử viễn thông nhập khẩu về Việt Nam khoảng 15 ngày…
Một điểm đáng lưu ý: Các đơn vị, tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành như Cơ quan Thú y vùng 6, Cơ quan Kiểm dịch thực vật vùng 3, Quatest 3, những đơn vị hải quan cũng như nhiều DN đều xác nhận khâu kiểm tra chuyên ngành rất nhiều, thời gian rất lâu nhưng tỉ lệ các trường hợp không đạt yêu cầu rất ít, luôn ở mức dưới 1% tổng số lô hàng XNK.
Ông Nguyễn Ngọc Khiêm, phụ trách XNK của Công ty May An Phước, than phiền DN tốn chi phí kiểm nghiệm đã đành (kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong vải nhập khẩu) nhưng quan trọng nhất là ảnh hưởng đến quy trình sản xuất.
Vì vậy, cần giảm bớt thời gian cho khâu này. Đây cũng là kiến nghị chung của rất nhiều DN các ngành dệt may, da giày, thủy sản, nông nghiệp… liên quan đến những thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Với lĩnh vực dệt may, da giày, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến sửa đổi Thông tư 32 về kiểm tra hàm lượng formaldehyde theo hướng đơn giản hơn. Tuy nhiên, theo bà Đặng Phương Dung, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những điểm mới trong dự thảo thông tư vẫn không giải quyết được các vấn đề khó khăn cho DN khi làm thủ tục XNK.
DN vẫn phải chờ đợi giám định, phát sinh chi phí kiểm dịch, lưu kho bãi rất lớn để có thể thông quan hàng hóa. Mỗi năm, các DN dệt may phải tốn từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng riêng cho khâu kiểm tra chuyên ngành theo thông tư này.
“Nhiều DN thậm chí đã chấp nhận trả thêm tiền cho bên kiểm nghiệm để lấy hàng nhanh hơn. Điều đó cho thấy thực tế thời gian kiểm nghiệm không thể rút ngắn hơn nữa. Phải chăng cơ quan quản lý nên thay đổi tư duy, giảm tiền kiểm và tăng khâu hậu kiểm? DN nào bị hải quan đưa vào luồng đỏ thì kiểm tra ngay, còn không thì nên kiểm tra sau” - bà Dung đề xuất.
Ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT:
Sẽ bỏ kiểm dịch nếu nhà nhập khẩu không yêu cầu
Theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch động thực vật áp dụng từ đầu năm 2015, DN phải có giấy kiểm dịch mới được hải quan thông quan hàng hóa dù phía đối tác nhập khẩu không yêu cầu. Việc này xuất phát từ thực tế mỗi năm, cục nhận được khoảng 400 thông báo từ các nước nhập khẩu về tình trạng hàng hóa của Việt Nam không đạt chuẩn, có nguy cơ mầm bệnh. Những mặt hàng bị nước ngoài cảnh báo, theo rà soát của cục, DN đều không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Nếu không kiểm dịch trước, nhà nhập khẩu có thể buộc tái xuất hàng hoặc không thanh toán đơn hàng, khi đó sẽ rủi ro cho DN. Ở những thị trường khó tính, nếu vài DN vi phạm sẽ có nguy cơ bị đóng cửa cả thị trường.
Dù vậy, theo phản ánh của DN rằng quy định này gây phiền hà, chúng tôi sẽ rà soát và thống nhất loại bỏ những mặt hàng không còn nguy cơ ở các nước nhập khẩu không yêu cầu kiểm dịch thực vật.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SXTM SADACO:
Đừng tạo thêm rào cản cho doanh nghiệp
Là một DN xuất khẩu trong ngành gỗ nhiều năm qua, điều công ty chúng tôi luôn lo lắng là vấp phải các hàng rào kỹ thuật ở những thị trường, nhất là trong điều kiện cạnh tranh hiện nay. Chúng tôi mong cơ quan quản lý hãy đi theo hướng hỗ trợ DN; còn nếu theo những quy định, quy trình trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành như hiện nay thì vô tình gây khó khăn, tạo rào cản cho DN khi làm thủ tục xuất khẩu, điều mà ngay cả nước ngoài cũng không mong muốn.
Chẳng hạn, đối với gỗ nguyên liệu dùng cho ngành chế biến gỗ, tôi kiến nghị không cần kiểm dịch. Hiện 70% gỗ nguyên liệu cho sản xuất phải nhập khẩu, nếu quá trình thông quan ách tắc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tính cạnh tranh của DN. Bởi lẽ, gỗ nguyên liệu ở dạng thanh thì phần lớn đã cưa xẻ ở nước ngoài (chủ yếu từ Mỹ, EU, Nhật, Pháp, Đức), chuẩn từ khâu chế biến, đốn hạ với quy trình chặt chẽ nhưng về Việt Nam lại phải kiểm dịch một lần nữa.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:
Có một sức ì vô cùng lớn!
Từ Nghị quyết 19 của Chính phủ về giảm thời gian thông quan hàng hóa, chúng ta mới giật mình khi biết rằng chỉ số thông quan muốn giảm không hẳn nằm ở thủ tục hải quan mà ở thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhưng một số bộ, ngành liên quan lại đang có sức ì rất lớn để thay đổi.
Riêng đối với kiểm dịch, tôi thấy cơ quan chức năng có vẻ không nắm hết các vướng mắc của DN nên chưa được giải quyết thỏa đáng. Trong khi đó, tình trạng kiểm tra chồng chéo nhau là một thực tế, đã diễn ra từ nhiều năm nay. Gánh nặng chi phí đã gây hạn chế một phần năng lực phát triển của các DN. Thực tế, cả thế giới đứng ra bảo vệ người tiêu dùng bằng các rào cản thương mại chứ không riêng gì Việt Nam nhưng cách thức bảo vệ phải như thế nào cho đúng, cho phù hợp.
Theo NLĐ