Giám đốc FBI Mỹ: cứ 10 giờ lại khởi động điều tra một vụ án mới về Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, dù lãnh đạo cao nhất của các cơ quan tình báo Mỹ đã thay đổi, nhưng phong cách đối phó Trung Quốc của họ được cho là vẫn giống thời chính quyền Donald Trump trước đó.
Các lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ thống nhất về mối đe dọa của Trung Quốc tại phiên điều trần tại Thượng viện hôm 14/4 (Ảnh: VOA).
Các lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ thống nhất về mối đe dọa của Trung Quốc tại phiên điều trần tại Thượng viện hôm 14/4 (Ảnh: VOA).

Vào ngày 14/4, theo giờ địa phương, những người đứng đầu của 5 cơ quan tình báo lớn của Mỹ đã lần lượt báo cáo tại phiên điều trần về "mối đe dọa toàn cầu" được tổ chức sau hơn hai năm. Tất cả họ đều mạnh mẽ đề cập đến "mối đe dọa của Trung Quốc". Để nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đáp trả Trung Quốc, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines đã tuyên bố tại cuộc họp: "mối đe dọa của Trung Quốc" là "ưu tiên hàng đầu" và "thách thức gian nan" của cộng đồng tình báo Mỹ. Ông Christopher Wrey, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI), thì nói “cứ sau 10 giờ lại có một cuộc điều tra mới liên quan đến Trung Quốc được khởi động”, đồng thời khẳng định “không có quốc gia nào gây ra mối đe dọa sánh ngang với Trung Quốc”.

Những người đứng đầu Văn phòng Giám đốc Tình báo (ODNI), Cục Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) hôm 14/4 đều tham dự cuộc điều trần công khai của Ủy ban Tình báo Thượng viện về "các mối đe dọa toàn cầu" được tổ chức sau hơn hai năm. Đây vốn là một truyền thống hàng năm ở Mỹ trong hơn một thập kỷ qua, nhưng năm ngoái, lãnh đạo các cơ quan tình báo đã từ chối điều trần công khai nhằm tránh bị Tổng thống Trump khi đó chỉ trích.

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wrey (Ảnh: Huanqiu).

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wrey (Ảnh: Huanqiu).

Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines hôm đó đã nhấn mạnh ý kiến của bà trong báo cáo đánh giá mối đe dọa hàng năm được công bố vào ngày 13/4 trước đó một ngày, cho rằng "mối đe dọa từ Trung Quốc" hiện là "ưu tiên hàng đầu" của các cơ quan tình báo Mỹ. Bà cũng tuyên bố Trung Quốc đã dần trở thành đối thủ cạnh tranh ngang ngửa với Mỹ, "không chỉ thách thức Mỹ trên nhiều lĩnh vực, mà còn thúc đẩy thay đổi các quy tắc quốc tế phát triển theo hướng có lợi cho hệ thống của Trung Quốc".

Nói về vấn đề an ninh mạng, bà Avril Haines tuyên bố Trung Quốc có khả năng mạng mạnh mẽ, "nếu được triển khai, nó ít nhất có thể làm tê liệt tạm thời một số cơ sở hạ tầng nội địa lớn của Mỹ". Ngoài ra, bà tuyên bố rằng "Trung Quốc đang sử dụng một cách tiếp cận toàn diện để thể hiện sức mạnh ngày càng tăng", cáo buộc Trung Quốc buộc các nước láng giềng phải chấp nhận các đề xuất của Bắc Kinh về các vấn đề Biển Đông và Đài Loan.

Sau khi miêu tả Trung Quốc như một "mối đe dọa mạnh mẽ", bà Haines không quên chỉ ra "điểm yếu" của Trung Quốc. Bà tuyên bố rằng "những lỗ hổng về kinh tế, môi trường và nhân khẩu học của chính Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến khả năng theo đuổi sự thống trị thế giới của Trung Quốc trong mấy thập kỷ tới".

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, bà Avril Haines (Ảnh: CNN).

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, bà Avril Haines (Ảnh: CNN).

Sau đó, Giám đốc FBI Christopher Wrey lặp lại nhận xét của bà Haines trong bài phát biểu của mình và nói “không quốc gia nào có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến sự đổi mới, an ninh kinh tế và dân chủ của Mỹ hơn Trung Quốc”. Ông cũng tuyên bố, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ, các tổ chức học thuật và chính quyền các cấp là "sâu sắc, rộng khắp và lâu dài".

Sau đó, ông nói FBI hiện có hơn 2.000 cuộc điều tra công khai liên quan đến Trung Quốc, “cứ sau 10 giờ lại có một cuộc điều tra mới liên quan đến Trung Quốc được khởi động”. Ông cũng nói thêm: "Tôi có thể đảm bảo với Ủy ban (Tình báo Thượng viện) rằng điều này không phải vì nhân viên của chúng tôi không có việc gì để làm. Trong mấy năm vừa qua, số vụ án gián điệp kinh tế của FBI liên quan đến Trung Quốc đã tăng thêm 1.300%”.

Tuyên bố này không phải là mới, ông Wrey đã nói như thế vào tháng 7 năm ngoái, nhưng vào thời điểm đó, ông cũng tuyên bố Mỹ nên tiếp tục làm ăn với Trung Quốc và tiếp nhận các khách du lịch và lưu học sinh Trung Quốc, vì Mỹ có thể nhận được những lợi ích to lớn từ việc này.

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns (Ảnh: CNN).

Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns (Ảnh: CNN).

Vào lúc diễn ra buổi điều trần, Thượng viện Mỹ đang xem xét một "Đạo luật toàn diện với Trung Quốc" sẽ yêu cầu ông Biden sử dụng tất cả các công cụ chiến lược kinh tế và ngoại giao để chống lại Trung Quốc. Tại cuộc điều trần, các quan chức tình báo cũng đề cập đến "mối đe dọa" mà Trung Quốc đặt ra trong các lĩnh vực cụ thể như mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.

Ví dụ, Giám đốc CIA William Burns và Giám đốc DIA Scott Berrier khi trả lời câu hỏi của các nghị sĩ đều đề cập đến vào mạng 5G. Ông Burns tuyên bố rằng " trong vài năm tới, cạnh tranh và công nghệ sẽ là cốt lõi của cuộc đọ sức ngày càng mang tính đối đầu nhau giữa Mỹ và Trung Quốc". Hiện 1/3 số nhân viên CIA chủ yếu tập trung vào các vấn đề công nghệ và an ninh mạng, điều này phản ánh tầm quan trọng của vấn đề này. Ông cũng tuyên bố rằng trong mấy năm qua, Mỹ đã “đạt được một số kết quả tích cực” trong việc nhắc nhở một số đồng minh của Mỹ “không nên quá dựa vào Huawei” trong xây dựng mạng 5G. "Đồng thời, chúng ta cũng phải hợp tác với các đồng minh. Mỹ cần thể hiện tính dẻo dai hơn trong ngành công nghiệp bán dẫn".

Giám đốc An ninh Quốc gia (NSA) Paul Nakasone (Ảnh: CNN).

Giám đốc An ninh Quốc gia (NSA) Paul Nakasone (Ảnh: CNN).

Scott Berrier tuyên bố DIA nhận thức rất rõ về "rủi ro bảo mật" mà Huawei gây ra trên mạng 5G. "Trong giới tình báo quân sự, chúng tôi có sự phối hợp, liên lạc và hợp tác rất chặt chẽ với các đối tác liên quan trong Five Eyes Alliance (Liên minh tình báo Ngũ Nhãn) hàng tuần".

Tờ SCMP (Bưu điện Hoa nam Buổi sáng) của Hồng Kông đưa tin, một số nhà phân tích cho rằng nhiều quan điểm của Mỹ về “mối đe dọa từ Trung Quốc” có thể được tìm thấy trong các báo cáo và phát biểu tại các phiên điều trần trước đây. Điều đáng chú ý là bối cảnh diễn ra phiên điều trần lần này.

Cùng ngày 14/4, ông Biden đã tuyên bố sẽ rút hết quân Mỹ ra khỏi Afghanistan trước ngày 11/9. Điều này sẽ cho phép Mỹ chuyển nhiều nguồn lực, nhân lực và sự chú ý đến chính sách đối với Trung Quốc. Trong bài phát biểu ngày hôm đó, ông nói: "Chúng ta phải tập trung vào những thách thức trước mắt, chứ không mở lại cuộc chiến với Taliban. Chúng ta cần phải theo dõi và triệt phá các mạng lưới và hoạt động khủng bố đã vượt xa Afghanistan kể từ ngày 11/9. Chúng ta phải tập trung vào những thách thức trước mắt. Năng lực cạnh tranh của Mỹ phải được hỗ trợ để đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng và gay gắt từ Trung Quốc".

SCMP cho rằng từ phiên điều trần ngày 14/4 và báo cáo đánh giá mối đe dọa hàng năm vào ngày 13/4, có thể nhận thấy một cách tiếp cận thống nhất hơn của chính phủ Mỹ, trái ngược hẳn với chính quyền Donald Trump trước đây. Chính quyền Trump năm ngoái đã không công bố báo cáo đánh giá mối đe dọa hàng năm và không muốn thấy Giám đốc Tình báo quốc gia điều trần tại Quốc hội.

Ông Jeff Moon, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói rằng điều thực sự thú vị trong báo cáo ngày 13/4 là: “Lần này chính phủ Mỹ đã nói bằng một tiếng nói chung. Trong bốn năm qua, mọi người đều biết rằng ông Trump đã không đứng về phía các cơ quan tình báo; ông ta chỉ muốn thực hiện chương trình nghị sự của mình”.

Bản báo cáo cũng đề cập “Trung Quốc ít nhất sẽ tăng gấp đôi quy mô kho vũ khí hạt nhân của họ trong mười năm tới”. Đáp lại nội dung này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên sau đó đã nói: “Một số người và tổ chức ở Mỹ không ngừng tuyên truyền về các phiên bản của ‘thuyết về mối đe dọa quân sự của Trung Quốc’. Đó là điều rất nhàm chán và hoàn toàn có dụng ý xấu, Trung Quốc kiên quyết phản đối. Nếu cơ quan tình báo Mỹ thực sự quan tâm đến các mối đe dọa hạt nhân, tôi khuyên các cơ quan này hãy nghiên cứu các mối đe dọa đối với thế giới do kho vũ khí hạt nhân và chính sách hạt nhân của Mỹ mang lại để đưa ra các báo cáo kịp thời”.

Giám đốc Cục Tình báo Quốc phòng (DIA) Scott Berrier (Ảnh: CNN).

Giám đốc Cục Tình báo Quốc phòng (DIA) Scott Berrier (Ảnh: CNN).

Ngoài ra, tại cuộc điều trần, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện cũng đặt câu hỏi về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 hiện vẫn đang ảnh hưởng đến toàn thế giới. Bà Haines nói rằng cộng đồng tình báo Mỹ vẫn chưa thể xác định loại virus Corora chủng mới (SARS-CoV-2) bắt đầu lây lan lần đầu tiên khi nào, ở đâu hoặc bằng cách nào.

"Về cơ bản, các thành phần hiện tại xoay quanh hai lý thuyết khác nhau. Các kịch bản có thể xảy ra này bao gồm việc con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh một cách tự nhiên, hoặc như ông đưa ra, đây là một sự cố trong phòng thí nghiệm. Đây là tình trạng hiện tại của chúng tôi", bà Haines nói.

Giám đốc CIA William Burns trực tiếp chỉ ra rằng Trung Quốc có vấn đề về không minh bạch thông tin. “Đối với chúng tôi và các nhà phân tích của chúng tôi, một điều rõ ràng là ban lãnh đạo Trung Quốc đã không hoàn toàn thành thật hoặc hoàn toàn minh bạch, cho dù đó là việc hợp tác với WHO hay cung các dữ liệu gốc và đầy đủ để trả lời những vấn đề này”, ông Burns nói.