Ông Vũ Kiêm Văn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam:

“Giải thưởng nhằm cổ vũ, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tựu xuất sắc trong công cuộc chuyển đổi số“

VietTimes – Việc phát hiện, tôn vinh và trao giải cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất là sự cổ vũ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp truyền thống tăng cường ứng dụng công nghệ không chỉ trong quản lý mà cả trong sản xuất, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (VDA) 2019 về Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam vừa được phát động chiều qua (14/3).

Nhiều đổi mới

Giải thưởng thường niên của VDCA vừa được đổi tên, chắc hẳn Giải thưởng có nhiều đổi mới, thưa ông?

- Giải thưởng VDA có những điểm đổi mới để phù hợp với thực tế vận động, phát triển của đất nước. Trong đó phải kể đến 3 điểm nhấn chính.

Thứ nhất, từ năm 2019, tên tiếng Việt của giải thưởng được đổi từ "Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam" thành "Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam".

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (VDA) 2019
Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Tổng thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (VDA) 2019

Thứ hai, VDCA đã có sự điều chỉnh, bổ sung các hạng mục giải thưởng. Năm 2018, giải thưởng chỉ có 2 hạng mục, trao cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp công nghệ số để phục vụ cho chuyển đổi số và hạng mục thứ hai trao cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã có quá trình ứng dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Ngoài 2 hạng mục như Giải thưởng năm 2018, Giải thưởng năm 2019 bổ sung thêm 2 hạng mục mới. Đó là giải thưởng cho các mô hình, thành tựu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước ở tất cả các cấp và hạng mục Giải thưởng về thu hẹp khoảng cách số dành cho các mô hình Chuyển đổi số thành công tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Và điểm cuối cùng, quy trình tổ chức, bình chọn cũng có điều chỉnh để phù hơn hợp với thực tế. Nếu năm 2018, Ban Tổ chức nhận hồ sơ tham dự giải thưởng do các tổ chức và cá nhân tự đề cử thì từ năm 2019, Ban Tổ chức sẽ mở rộng hơn các đối tượng đề cử, như các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các nhà báo, ưu tiên các đề cử từ Hội viên của VDCA. Ngoài ra các tổ chức, cá nhân vẫn có quyền tự ứng cử.

Thông qua danh sách đề cử, ứng cử Ban Tổ chức sẽ yêu cầu các ứng viên cung cấp các thông tin cần thiết, Hội đồng sơ tuyển và Hội đồng chung khảo sẽ tổ chức thẩm định qua 2 vòng nhằm lựa chọn những công trình tiêu biểu nhất.

Vậy điều gì làm Ban Tổ chức tâm đắc nhất với Giải thưởng lần đầu tiên diễn ra năm 2018?

- Chúng tôi cho rằng Giải thưởng năm 2018 đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa tốt, góp phần cổ vũ các doanh nghiệp mạnh dạn, tự tin đổi mới hơn nữa, phát triển và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn nữa.

Khách quan mà nói, Giải thưởng đã đạt được mục tiêu lớn nhất là phát hiện và tôn vinh các đơn vị, cá nhân có những thành tựu xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Ngay sau lần tổ chức đầu tiên Giải thưởng đã tạo được dấu ấn nhất định, nhưng vì sao VDCA lại quyết định đổi tên tiếng Việt của Giải thưởng?

- Năm 2018 là năm đầu tiên tổ chức Giải thưởng và lấy tên gọi là "Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam". Sang năm nay là năm thứ hai tổ chức, Hội quyết định đổi tên là "Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam" vì nhiều lý do. Tuy nhiên, tôi chỉ xin nêu một số lý do chính như sau:

Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu và Việt Nam cũng đang góp phần tạo ra xu hướng đó. Chuyển đổi số bản chất dựa trên nền tảng của công nghệ số nhưng phạm vi rộng hơn vì chuyển đổi số còn liên quan đến cả thay đổi về mô hình quản lý, còn công nghệ số chỉ là phương tiện để thay đổi mô hình quản lý mà thôi.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Giáo sư Viện sĩ Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam trao giải thưởng cho các đơn vị có ứng dụng công nghệ số xuất sắc tại Lễ trao Giải thưởng Công nghệ số Việt Nam 2018.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Giáo sư Viện sĩ Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam trao giải thưởng cho các đơn vị có ứng dụng công nghệ số xuất sắc tại Lễ trao Giải thưởng VDA 2018.

Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng "Đề án Chuyển đổi số quốc gia" và trong bối cảnh đó, Hội quyết định đổi tên giải thành "Chuyển đổi số" để giải thưởng bao trùm được nhiều lĩnh vực và đa dạng hơn; đồng thời cũng phù hợp với công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Tôi tin rằng hai cái tên “Công nghệ số Việt Nam” và “Chuyển đổi số Việt Nam” cũng đều có cái hay riêng, VDCA chỉ đổi tên tiếng Việt, còn tên tiếng Anh “Vietnam Digital Awards” thì vẫn giữ nguyên.

Thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam

Giải thưởng của VDCA hướng tới trao giải cho các cá nhân, tổ chức ứng dụng Công nghệ số. Tuy nhiên, quan sát Giải thưởng tổ chức năm 2018, có thể thấy nhiều đơn vị ngoài ngành ICT đoạt giải về ứng dụng CNTT. Ông có chia sẻ gì về điều này?

- Chuyển đổi số là một xu thế bao trùm lên tất cả các lĩnh vực, vì thế Giải thưởng cũng bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có một số lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng công nghệ số tiêu biểu như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; giáo dục, đào tạo; y tế, an sinh xã hội; thương mại; nông nghiệp; giao thông, bưu chính, logistics; xây dựng, bất động sản, du lịch...

Các tổ chức đoạt giải năm 2018 đều có điểm chung là việc ứng dụng công nghệ vào quy trình sản xuất làm cho hàm lượng ICT, hàm lượng công nghệ trong quy trình của sản xuất, kinh doanh của họ rất lớn. Và chính những ứng dụng đó đã thúc đẩy tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, giá thành phù hợp.

Việc phát hiện, tôn vinh và trao giải cho các doanh nghiệp như trên là sự cổ vũ cho những doanh nghiệp truyền thống tăng cường ứng dụng công nghệ không chỉ trong quản lý mà cả trong sản xuất, tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ cho doanh nghiệp.

Thưa ông, nếu căn cứ vào các tiêu chí của giải thưởng thì thấy có sự chồng lấn và có một nghịch lý là, một tổ chức, hoặc cá nhân đồng thời có nhiều dịch vụ, sản phẩm, mô hình chuyển đổi số xuất sắc, xứng đáng đứng đầu để trao giải, nhưng chắc chắn không thể trao tất cả các giải này cho một tổ chức, cá nhân đó được. Trong khi đó một tổ chức, cá nhân được trao giải, nhưng dịch vụ, sản phẩm của họ lại kém hơn các tổ chức, cá nhân nêu trên. Ông lý giải thế nào về sự bất cập này?

- Hiện nay, hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng công nghệ số đều cung cấp đa dịch vụ, điều này tạo ra sự hấp dẫn, thu hút được khách hàng. Vì vậy, khi tính toán xây dựng Quy chế Giải thưởng, Ban tổ chức chúng tôi cũng nhìn thấy có sự chồng lấn nhất định.

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, chúng tôi sẽ căn cứ đâu là hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ để làm căn cứ xác định. Ví dụ, một sản phẩm về thương mại điện tử sẽ có cả thanh toán, truyền thông, marketing,… Vì thế, chúng tôi cần xác định hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ làm căn cứ xác định.

Mục tiêu quan trọng nhất của Giải thưởng là tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh những đơn vị tiêu biểu nhất đã chuyển đổi mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam, phát triển nền kinh tế số quốc gia. Giải thưởng cũng còn là cầu nối giữa các đơn vị phát triển các giải pháp công nghệ số với các đơn vị có nhu cầu ứng dụng công nghệ số để chuyển đổi mô hình hoạt động.

- Xin cảm ơn ông!