Giải pháp nào cung ứng thực phẩm cho người dân trong tâm dịch TP.HCM?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số ca bệnh càng lúc càng tăng cao, vì nhiều lý do, thực phẩm trở nên khan hiếm và đang dần trở thành vấn đề cấp bách. Giải pháp nào cung ứng thực phẩm cho người dân trong tâm dịch TP.HCM?
Chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh đã vướng phải cơn phẫn nộ của cộng đồng người dân vì tăng giá thực phẩm mùa dịch - Ảnh Hoà Bình ghép
Chuỗi cửa hàng Bách Hoá Xanh đã vướng phải cơn phẫn nộ của cộng đồng người dân vì tăng giá thực phẩm mùa dịch - Ảnh Hoà Bình ghép

Cảnh báo đỏ đối với Bách Hoá Xanh

Hiện tại số ca bệnh ở TP.HCM đã lên tới hơn 25.600 bệnh nhân. Nguồn cung thực phẩm tươi sống, thịt cá, rau xanh, tại các siêu thị đang còn được hoạt động trở nên quá tải với nhu cầu sử dụng của người dân. Mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM thừa nhận có thời điểm chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về thành phố tăng; đồng thời việc ngưng hoạt động 3 chợ đầu mối dẫn đến kênh tiếp cận hàng của các tiểu thương khó khăn nên giá cả ngoài chợ truyền thống biến động mạnh.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM thì việc hiểu và thực hiện Công văn số 2279/UBND-VX tại một số quận, huyện và TP Thủ Đức trong việc tạm ngưng các chợ truyền thống không thống nhất nhau, trừ trường hợp những chợ phải đóng vì có ca F0 hoặc không đảm bảo an toàn; bên cạnh đó một số chợ có thể hoạt động trong điều kiện an toàn nhưng vì thiếu nhân lực nên một số địa phương đã đóng toàn bộ số chợ truyền thống dẫn đến thiếu hụt kênh phân phối cho người thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là công tác phối hợp để bố trí điểm bán hàng di động bổ trợ của các quận, huyện, TP Thủ Đức chưa được thực hiện kịp thời mặc dù Sở Công Thương đã bố trí phương tiện lưu động để đáp ứng một phần nhu cầu; việc định hướng thông tin chưa tốt dẫn đến một bộ phận người dân còn bị lo lắng và tác động trước tình trạng thiếu hụt cục bộ hàng hóa và giá cả gia tăng.

Đặc biệt, dẫn đến nhức nhối là tình trạng hệ thống cửa hàng Bách Hoá Xanh (một trong những chuỗi cửa hàng nằm trong danh mục bán đồ thiết yếu và chính thức cung cấp thực phẩm tới người dân TP.HCM) thì lại bị tố tăng giá mùa dịch.

Trước sự ồn ào trên cộng đồng mạng, Đoàn công tác liên ngành do Cục quản lý thị trường TP.HCM cùng lực lượng chức năng đã vừa tới thanh tra các cửa hàng Bách Hoá Xanh.

Đoàn thanh tra, kiểm tra đã đến Bách Hoá Xanh chiều 16/7 - Ảnh: CTV

Đoàn thanh tra, kiểm tra đã đến Bách Hoá Xanh chiều 16/7 - Ảnh: CTV

Qua làm việc, ông Trần Kinh Doanh, TGĐ Bách Hóa Xanh cho biết mặc dù chi phí vận chuyển mặt hàng từ các tỉnh về TP.HCM tăng cao nhưng đơn vị cam kết luôn bán đúng giá niêm yết.

Theo Cục quản lý thị trường TP.HCM, để bà con yên tâm mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện ích... không bị chèn ép mức giá cao, Cục Quản lý thị trường đã thành lập nhiều tổ công tác đi kiểm tra, xử lý nghiêm các trường vi phạm. Đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan để làm việc ngay với Ban quản lý các trung tâm thương mại, siêu thị, người quản lý cửa hàng tiện lợi... đang hoạt động để kịp thời ngăn chặn và xử lý nếu có dấu hiệu tăng giá để trục lợi.

Ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết, đối với những mặt hàng liên quan chống dịch như vật tư ý tế, thuốc tân dược và các mặt hàng bà con tiêu dùng hàng ngày như rau củ quả, thịt, cá trứng... lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên nắm bắt, tiếp nhận thông tin, có mặt ở địa bàn để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm.

Cục Quản lý thị trường TP.HCM công khai và niêm yếu số điện thoại đường dây nóng 028.39322491 để người dân phản ánh các hành vi sai phạm hoặc các siêu thị phản ánh tình trạng gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán thu lời.

Hiến kế bán lẻ thực phẩm giảm tải siêu thị

Thực tế, người viết bài này trong 9 ngày giãn cách xã hội toàn TP.HCM đã miệt mài đặt hàng trực tuyến và chưa thành công với bất cứ đơn hàng nào. Dù đã chuyển đổi nhiều siêu thị khác nhau nhưng các đơn hàng đều lần lượt bị huỷ, lúc thì vì lý do đóng cửa khử khuẩn, lúc thì nhận được tin nhắn: “Vì tình hình dịch bệnh phức tạp và nhu cầu hàng hoá tăng đột biến, chúng tôi lấy làm tiếc không phục vụ được đơn hàng của quý khách hàng tại website…”. Cũng có lúc thì đơn hàng bị huỷ mà khách không một lời nhắn nhủ nào.

Đơn hàng mua trực tuyến liên tiếp bị huỷ mà không đưa rõ lý do - Ảnh: Hoà Bình
Đơn hàng mua trực tuyến liên tiếp bị huỷ mà không đưa rõ lý do - Ảnh: Hoà Bình

Liên hệ với ông Vũ Tuấn Anh - chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số trao đổi về vấn đề người dân ở tâm dịch TP.HCM hiện nay hầu như không thể mua được hàng hoá trên các hệ thống bán hàng trực tuyến. Ông Vũ Tuấn Anh đưa ý kiến:

“Lẽ ra, nền tảng cho vấn đề chuyển đổi số trong bán hàng đã phải được chuẩn bị từ trước. Đợt dịch lần này tăng nhanh, lây lan mạnh nhưng trước đó, cả thế giới đã có 3 đợt lây nhiễm để “thử lửa” rồi. Công tác chuyển đổi số trong ngành bán lẻ lẽ ra phải thực hiện từ cả năm nay, chuẩn bị sẵn cho những tình huống xấu nhất có thể xảy đến. Không thể nào đợi nước đến chân mới nhảy, đến giờ hệ thống bán hàng online quá tải, không thể hoạt động được, gây thêm khó khăn và tăng nguy cơ cho đời sống của bà con vùng dịch khi phải cố gắng xếp hàng mua thực phẩm” - Chuyên gia bày tỏ.

“Thêm nữa, muộn còn hơn không. Nếu hiện tại đã quá tải phục vụ trực tuyến thì doanh nghiệp vẫn nên đóng cửa siêu thị một vài ngày để hệ thống kỹ sư phần mềm hoàn thiện hệ thống bán hàng trực tuyến, khắc phục những lỗi trước đó có thể đã xảy ra, cắt cử nhân viên đang đứng bán trực tiếp sang chuẩn bị đơn hàng cho các khách hàng đã đặt online thay vì lần lượt huỷ đơn hàng, vừa làm mất khách hàng, đồng thời mất luôn niềm tin của người dân” – Ông Vũ Tuấn Anh phân tích.

Ngoài chuyện cần thực hiện gấp chuyển đổi số trong bán lẻ thực phẩm, ông Vũ Tuấn Anh hiến kế, không nên chỉ bán tại các siêu thị như hiện tại vì nguy cơ lây nhiễm là cực kỳ cao. Theo ông Vũ Tuấn Anh, Bưu điện VN cũng tham gia bán hàng thiết yếu nhưng rất khó để người dân có thể di chuyển tới bưu cục cách quá xa nhà. Thay vì thê,s các lực lượng chức năng nên đưa các xe container đến tận từng khu phố, khu chung cư để bán hàng, để người dân từng khu đều mua được thực phẩm mà không phải di chuyển khỏi nơi cư trú. Theo ông Vũ Tuấn Anh, nên tổ chức theo cách thức giãn cách, người mua và người bán hoàn toàn không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Chẳng hạn, cửa số 1 là nơi khách đưa yêu cầu đặt hàng để nhân viên tiếp nhận. Đơn hàng được bên trong chuẩn bị và chuyển sang để khách nhận tại cửa số 2 và trả tiền.

Ông Vũ Tuấn Anh cho biết, cách bán hàng theo kiểu xe Container như thế này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện để vượt qua các đợt cao điểm lây nhiễm dịch bệnh.

Video ông Vũ Tuấn Anh chia sẻ với độc giả VietTimes về nội dung trao đổi.