Giải mã VAR, công nghệ cứu tuyển Việt Nam khỏi bàn thua trông thấy

VietTimes -- Trong trận Tứ kết AFC Asian Cup 2018, VAR đã lần đầu tiên được sử dụng và ngay lập tức phát huy hiệu quả, khi cứu tuyển Việt Nam khỏi bàn thua trước Nhật Bản. Vậy VAR là gì?

Từ bàn thắng không được công nhận của Nhật Bản vào lưới Việt Nam

Bàn thắng không được công nhận của Maya Yoshida vào lưới tuyển Việt Nam tại Tứ kết AFC Asian Cup 2019. Nguồn: Fox Sport Asia

Nhập cuộc vô cùng tự tin, tuyển Việt Nam đã có thế trận sòng phẳng với ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch, Nhật Bản. Tuy nhiên, từ một tình huống phạt góc ở phút 28 của hiệp 1, thủ quân tuyển Nhật Bản Maya Yoshida đã có pha đánh đầu đưa bóng vào góc trái khung thành, khiến thủ môn Đặng Văn Lâm phải bó tay.

VAR lần đầu được sử dụng tại AFC Asian Cup 2018. Nguồn: AFC Asian Cup

Ngay sau đó, các cầu thủ Nhật Bản tiến ra đường pitch để ăn mừng bàn mở tỷ số. Tuy nhiên, sự xuất hiện kịp thời của công nghệ VAR, lần đầu được sử dụng tại AFC Asian Cup đã cứu nguy cho tuyển Việt Nam. Chỉ vài giây quan sát băng ghi hình bên ngoài đường pitch, trọng tài Mohammed Abdulla Hassan đưa ra quyết định không công nhận pha lập công bởi bóng đã chạm tay một cầu thủ Nhật Bản trước khi bóng đi vào lưới.

Vậy VAR là gì?

VAR là tên viết tắt của công nghệ video hỗ trợ trọng tài (Video Assistant Referee). Đội ngũ sử dụng công nghệ VAR có 3 thành viên cùng nhau đánh giá các quyết định quan trọng của trọng tài chính thông qua việc xem lại băng ghi hình sự cố.

Bộ ba thành viên của đội ngũ sử dụng công nghệ VAR bao gồm 1 trọng tài video, một trợ lý trọng tài video và một kỹ thuật viên phát lại. Họ tác nghiệp trong một phòng điều hành bố trí với nhiều màn hình từ các góc quay khác nhau.

Bộ 3 thành viên trong đội ngũ sử dụng VAR. Ảnh: AFC Asian Cup
Bộ 3 thành viên trong đội ngũ sử dụng VAR. Ảnh: AFC Asian Cup

Bốn quyết định sẽ được thẩm định bằng công nghệ VAR là: Bàn thắng, penalty, thẻ đỏ và các tình huống nhạy cảm.

Công nghệ VAR hoạt động theo 2 quy trình: Trọng tài yêu cầu xem xét sau khi đưa ra quyết định hoặc đội ngũ VAR tự đề xuất. Ở quy trình thứ 2, nếu đội ngũ VAR cho rằng trọng tài chính đã sai lầm thì họ sẽ thông báo qua hệ thống bộ đàm.

Sau khi sử dụng VAR, trọng tài có 3 lựa chọn: Lập tức đảo ngược quyết định dựa trên đề xuất, xem lại video qua màn hình bố trí trên đường pitch hoặc tuân theo quyết định ban đầu.

Lịch sử VAR

VAR được thử nghiệm lần đầu tại United Soccer League tại Mỹ, trong trận đấu giữ đội dư bị của 2 CLB thuộc giải MLS: New York Red Bulls II và Orlando City B vào tháng 8.2016. Sau đó, VAR đã xuất hiện tại giải bóng đá chuyên nghiệp Australia, A-League và MLS.

Thể hiện tính hiệu quả, VAR tiếp tục được liên đoàn bóng đá FIFA thử nghiệm tại World Cup U20 và Confederations Cup năm 2017. Đức, Italy và Bồ Đào Nha sau đó cũng lần lượt đưa vào giải vô địch cấp CLB ở mùa giải 2017-2018. Ở Nam Mỹ, VAR cũng được sử dụng ở giải Copa Libertadores từ Bán kết năm 2017.

Trọng tài chính nhờ đến sự trợ giúp của VAR tại World Cup 2018. Ảnh: OG
Trọng tài chính nhờ đến sự trợ giúp của VAR tại World Cup 2018. Ảnh: OG

World Cup 2018 là giải đấu lớn nhất mà công nghệ VAR góp mặt. Theo thống kê, công nghệ VAR đã được sử dụng ở tổng cộng 335 pha bóng nhạy cảm ở vòng bảng vòng Chung kết World Cup năm ngoái. Trung bình, mỗi trận có khoảng 7 lần VAR được xem xét.

Đồng thời, mỗi trọng tài đã 14 lần yêu cầu đội ngũ VAR hỗ trợ và xem lại băng ghi hình ngay trên sân tại World Cup 2018. Trong khi đó, chỉ 3 lần đội ngũ VAR chủ động đề xuất tới trọng tài. Với sự trợ giúp đắc lực của VAR, tỷ lệ chính xác trong các quyết định của trọng tài đã tăng từ 95% lên 99,3%.

Trọng tài nổi tiếng người Anh, Howard Webb nhận định về VAR như sau: “Chúng tôi hài lòng với con đường mình lựa chọn”. Ông Web phát biểu trên kênh ESPN: “Chúng tôi luôn hiểu rằng đó là quyết định lớn đối với bất kỳ trận đấu nào khi quyết định dùng VAR”.

Cựu trọng tài người Italia, Pierluigi Colina nhận xét về hiệu quả của VAR tại World Cup 2018: "Tất cả chúng ta đều biết VAR có thể vẫn có những lúc sai và không thể đạt được mức độ chính xác tuyệt đối. Tuy vậy, tôi nghĩ bạn cũng phải đồng ý với quan điểm tỷ lệ chính xác 99,3% đã rất cao rồi. Đây là con số rất sát so với sự hoàn hảo".