Giải mã sức hút của “kẻ nổi loạn quyến rũ” Donald Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hôm nay (14/12), đại cử tri đoàn sẽ nhóm họp, chính thức bỏ phiếu bầu ra Tổng thống thứ 46 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Cơ hội lật ngược thế cờ để tiếp tục ở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump gần như đã khép lại khi đơn kiện của Texas - nỗ lực mới nhất trong cuộc chiến pháp lý dai dẳng hậu bầu cử đã bị Toà án Tối cao Mỹ bác bỏ.

Trước khi chạy đua vào ghế tổng thống, Trump đã biết rõ sức mạnh của truyền hình (Ảnh: The Verge)
Trước khi chạy đua vào ghế tổng thống, Trump đã biết rõ sức mạnh của truyền hình (Ảnh: The Verge)

Nhưng cho dù có trở thành cựu tổng thống sau ngày 20/1 thì bây giờ và rất lâu về sau, thế giới vẫn còn nhắc đến ông Trump như một chính trị gia có sức hút chính trị chưa từng có: người đã tập hợp được 74 triệu người hâm mộ cuồng nhiệt, những người luôn trung thành với ông ngay cả khi ông thất cử.

Những vị tổng thống đương nhiệm thất cử sau ngày Bầu cử tháng Mười một thường được gọi là “lame-duck” (“vịt què”), một thuật ngữ mô tả một chính khách vẫn còn nắm quyền nhưng sẽ sớm bị thay thế bởi người mới đắc cử. Theo đó, quyền lực của những tổng thống “vịt què” bị giảm sút rõ rệt khi sự chú ý đổ dồn sang vị tổng thống sắp kế nhiệm.

Thế nhưng, như những gì đã diễn ra trong bốn năm qua chứng minh rằng, mọi thông lệ hay truyền thống đều bị đảo lộn khi ông Trump xuất hiện. Suốt một tháng sau ngày Bầu cử, ông vẫn tiếp tục chiếm lĩnh truyền thông và phủ bóng trên sân khấu chính trị thế giới.

Mọi phát ngôn của ông trên Twitter, hay bất kì động thái mới nào trong chiến dịch pháp lý của đội Trump đều được cập nhật và chia sẻ, được tung hô bởi hàng triệu người hâm mộ ở Hoa Kỳ và thậm chí ở nhiều nơi xa xôi như Việt Nam.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden và ê-kíp của ông trở nên mờ nhạt, cho dù ông Biden đã đưa ra các thông điệp chính sách và đề cử các gương mặt chủ chốt trong chính quyền mới.

“Khả năng giữ được và thậm chí mở rộng đám đông ủng hộ trong những năm đầy xáo trộn (từ lên 74 triệu người năm 2020), bất chấp đại dịch Covid-19 dẫn đến suy thoái kinh tế cho thấy Donald Trump có một sức mạnh chính trị tuyệt vời”, Giáo sư chính trị học Walter Russel Mead (Đại học Yale) nhận định.

Không phải cho đến khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, ông Trump mới trở thành tâm điểm chú ý của dư luận (Ảnh: Internet)

Không phải cho đến khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, ông Trump mới trở thành tâm điểm chú ý của dư luận (Ảnh: Internet)

Không thể phủ nhận Donald Trump là một nhân vật có sức lôi cuốn đặc biệt. Với tính cách có phần lập dị cùng những quan điểm, lập trường khác thường, không giống với một chính khách điển hình, ông Trump đã tạo ra hai thái cực đối lập nhau hoàn toàn trong tình cảm của người dân Mỹ đối với ông. Những người ủng hộ ông Trump thì phát cuồng vì ông còn những người phản đối ông thì cực kỳ ghét ông.

Nhưng không phải cho đến khi trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45, ông Trump mới trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Từ trước đó rất lâu, vị doanh nhân bất động sản New York đã là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất tại Mỹ. Những tố chất cá nhân đặc biệt, đầu óc kinh doanh nhạy bén táo bạo và chiến lược xây dựng hình ảnh khác biệt đã tạo nên sức hút kì lạ của Donald Trump.

Tỉ phú “sinh ra đã ngậm thìa vàng”

Ông Trump là con thứ tư của ông trùm địa ốc New York Fred Trump. Cách đây 50 năm, gia đình Trump đã có nhiều triệu USD với những toà nhà chung cư cho thuê ở các quận Brooklyn, Queens và State Island. Ông Donald Trump bắt đầu tham gia kinh doanh từ khi còn trẻ. “Tôi biết rằng đó là điều tôi muốn. Tôi đã theo chân cha mình từ lúc còn nhỏ. … Tôi luôn đam mê nhà cửa, xây dựng và phát triển", ông Trump kể.

Mẹ của ông Trump có tên thời con gái là Mary McLeod, con gái một ngư dân tại quần đảo Hebrides hẻo lánh của Scotland. Bà di cư đến nước Mỹ, gặp cha của Trump, trở thành một người quảng giao trong giới thượng lưu New York và tham gia rất nhiều hoạt động hảo tâm.

Mặc dù “sinh ra đã ngậm thìa vàng”, nhưng Donald Trump vẫn phải đi lên từ những công việc thấp cấp nhất trong công ty của cha (Ảnh: Internet)

Mặc dù “sinh ra đã ngậm thìa vàng”, nhưng Donald Trump vẫn phải đi lên từ những công việc thấp cấp nhất trong công ty của cha (Ảnh: Internet)

“Khi nhìn lại, tôi giờ đây nhận thấy tôi thừa hưởng phần nào khả năng trình diễn từ mẹ mình,” ông Trump viết trong cuốn sách xuất bản năm 1987 có tên "Nghệ thuật Đàm phán". Ông thuật lại mẹ mình “bị mê hoặc bởi sự hoành tráng và long trọng” khi xem lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth trên truyền hình. “Bà luôn bị hấp dẫn bởi những gì kịch tính và lộng lẫy”; ông kể.

Mặc dù “sinh ra đã ngậm thìa vàng”, nhưng Donald Trump vẫn phải đi lên từ những công việc thấp cấp nhất trong công ty của cha. Năm 13 tuổi, ông bị gửi đến một học viện quân đội do cách cư xử ngang ngược và ương bướng ở trường học. Quyết định này tạo ra bước ngoặt thay đổi cuộc đời ông, khi cậu bé Donald Trump trở nên nghiêm túc và đạt thành tích học tập xuất sắc.

Sau khi theo học Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania, ông trở thành người kế nghiệp cha sau khi anh của ông, Fred, chọn con đường trở thành phi công. Fred Trump qua đời ở tuổi 43 vì chứng nghiện rượu, một sự kiện đã ám ảnh Donald Trump tới nỗi ông luôn tránh xa bia rượu và thuốc lá trong suốt cuộc đời.

Ông Trump kể, trước khi gia nhập công ty của cha, ông từng khởi nghiệp kinh doanh riêng với số vốn 1 triệu USD vay từ cha mình. Tại công ty của cha, ông giúp quản lý danh mục dự án xây dựng nhà cửa ở Thành phố New York, sau đó nắm quyền điều hành công ty – nơi ông đổi tên thành Trump Organization (Tập đoàn Trump) vào năm 1971.

Với kinh nghiệm cha truyền dạy lại cộng với thiên tài kinh doanh thiên bẩm và cả sự táo bạo của tuổi trẻ, Donald Trump tham vọng chiếm lĩnh thị trường với nhiều dự án quy mô khổng lồ.

Năm 1975, Donald lao vào mặt trận địa ốc với những dự án khá lớn. Đầu tiên là khách sạn Commodore Hotel. Sau đó là Grand Hyatt Hotel New York và hàng loạt công trình lớn khác. Phần lớn tiền đầu tư của Donald là tiền vay của ngân hàng. Khi đó Donald mới chỉ 30 tuổi và ông đã sớm nổi danh là một người dám mạo hiểm, chấp nhận phiêu lưu trong kinh doanh.

Cuối thập niên 1970, ông Trump mở rộng làm ăn bất động sản, chuyển sự tập trung từ quận Brooklyn và Queens sang quận Manhattan của New York. Ông đã xây tòa nhà chọc trời Trump Tower (Tháp Trump) ở đại lộ 5 thuộc quận Manhattan. Tòa nhà này mở năm 1983.

Những bất động sản khác mang thương hiệu Trump mọc lên sau đó - gồm Trump Place, Trump World Tower, Trump International Hotel & Tower - đã thu hút sự quan tâm của truyền thông.

Ông Trump đã nhạy bén nắm bắt xu hướng đó, để xây dựng mình trở thành biểu tượng của cuộc nổi dậy chống lại trật tự hiện hữu (Ảnh: Internet)

Ông Trump đã nhạy bén nắm bắt xu hướng đó, để xây dựng mình trở thành biểu tượng của cuộc nổi dậy chống lại trật tự hiện hữu (Ảnh: Internet)

Nhiều người nói rằng kiểu kinh doanh của Donald là kiểu “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Thực ra điều đó chỉ đúng một phần. Tiền của ông là tiền ngân hàng nhưng Donald lại rất bạo chi tiền mặt. Khi thì để trả trước, khi thì để đặt cọc. Miễn là chớp bằng được hợp đồng đang muốn có.

Khi cơ hội đến ông đều quyết ngay lập tức và chứng minh luôn bằng hàng bao tải tiền mặt được chuẩn bị sẵn.

Không chỉ nổi bật trên thương trường như một đại gia khét tiếng ngành bất động sản, Trump còn xây dựng một đế chế trong ngành công nghiệp giải trí. Từ năm 1996 đến năm 2015, ông là chủ sở hữu của các cuộc thi sắc đẹp nổi tiếng: Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Mỹ (Miss USA) và Hoa hậu thiếu niên Mỹ (Miss Teen USA).

"Bạn đã bị sa thải!"

Năm 2003, Trump lần đầu tiên xuất hiện trong show truyền hình thực tế của đài NBC mang tên The Apprentice (Nhân viên tập sự) trong vai trò một doanh nhân thành đạt. Trong mỗi tập, có khoảng 16-18 người cạnh tranh nhau trong cuộc phỏng vấn xin việc với Trump để dành một vị trí quản lý trong tổ chức của ông.

Chương trình này lên sóng vào thời điểm truyền hình thực tế đang ở đỉnh cao và đã cực kì thành công trong vài mùa đầu tiên, với 20 triệu khán giả đón xem trong năm đầu tiên. Câu nói nổi tiếng của Trump - "Bạn đã bị sa thải!" trong The Apprentice - biến ông trở thành người nói thật nổi tiếng của truyền hình thực tế.

Tờ The Post nói Trump nhận ra tiềm năng của chương trình này là tiếp cận nhóm khán giả trẻ hơn và ông tìm cách để tên mình xuất hiện trong quá trình sản xuất càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn như, trong rất nhiều cảnh quay chiếc máy bay riêng của ông, từ "TRUMP" được dán đầy bên hông máy bay.

Ông Trump cũng từng đàm phán để sở hữu 50% cổ phần của chương trình, và mùa đầu tiên của ông thay đổi kế hoạch chọn người dẫn chương trình của công ty truyền hình NBC.

Trước đó, những tỷ phú như Richard Branson và Martha Steward đã được dự kiến cho các mùa kế tiếp nhưng The Apprentice đã trở thành chương trình của riêng Trump. Ông tham gia sản xuất và làm người dẫn của chương trình trong suốt 11 mùa từ năm 2004-2015.

Trong một tài liệu kê khai tài chính, ông Trump cho biết mình được NBC trả thù lao tổng cộng 213 triệu USD.

Trump sống trong khoảnh khắc và hành động theo cảm nhận của mình về cơ may và nguy hiểm. Vị tổng thống này không chơi trên cùng một sân như các chính khách khác (Ảnh: Internet)

Trump sống trong khoảnh khắc và hành động theo cảm nhận của mình về cơ may và nguy hiểm. Vị tổng thống này không chơi trên cùng một sân như các chính khách khác (Ảnh: Internet)

Nhưng điều quan trọng hơn, theo nhiều nhà quan sát, chính sự nghiệp ngôi sao truyền hình thực tế đã tạo bệ phóng cho Trump, một nhân vật ngoại đạo chưa từng có kinh nghiệm chính trường có thể tạo nên cơn địa chấn chưa từng thấy vào năm 2016 khi loại bỏ tất cả các đối thủ - chính trị gia sừng sỏ của Đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử sơ bộ, sau cùng đối đầu với bà Hillary Clinton và giành chiến thắng bất ngờ để trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45.

Trước khi chạy đua vào ghế tổng thống, Trump đã biết rõ sức mạnh của truyền hình: xuất hiện trên màn ảnh nhỏ với hình ảnh một tài phiệt thành công rực rỡ, tự kiến tạo kiêu hãnh của bản thân - và xây dựng hình tượng này lặp đi lặp lại - khiến ông ngày càng phù hợp với nhiều người Mỹ hơn bất cứ bản tin báo chí tường thuật nào về sự thành bại của ông.

Trước thời mạng xã hội, truyền hình là cách tốt nhất để thực sự tiếp cận đa số khán giả. Và hình ảnh được xây dựng cẩn thận cho thấy Trump thực sự quan tâm và giỏi định hình ý kiến của công chúng về ông hơn bất cứ thứ gì khác.

The Apprentice đã biến Trump từ một nhân vật xuất hiện nhiều trên báo lá cải của thành phố New York trở thành một ngôi sao phim truyền hình ở trung tâm miền Trung Tây - nơi sau đó trở thành khu vực tranh cử chủ chốt của ông trong chiến dịch tranh cử tổng thống.

Vào thời gian công bố chạy đua vào vị trí tổng thống tháng 6/2015, Trump đã chôn vùi những đối thủ trong Đảng Cộng hòa, chủ yếu là nhờ vào các chương trình truyền hình.

Các bản tin tường thuật sự thất bại của doanh nghiệp của ông hay các cáo buộc lừa đảo từ Đại học Trump cũng không thể sánh kịp với những gì khán giả đã xem qua truyền hình: một thiên tài kinh doanh, một "đại gia".

Khả năng của Trump trong việc khuấy động một chương trình truyền hình nhàm chán với những hành vi hay bình luận bất ngờ, giờ đây đã được đưa vào chiến dịch tranh cử hết sức dễ dàng, tăng lượng người xem cho các kênh truyền hình cáp tường thuật về ông.

Donald Trump mới là người cười sau cùng khi đánh bại đối thủ.

Donald Trump mới là người cười sau cùng khi đánh bại đối thủ.

“Nếu bạn đã từng xem Trump trong những chương trình truyền hình thực tế của ông ấy, có thể thấy tất cả những nhân vật trong chương trình đó đều rất sợ ông Trump. Ông ấy có cá tính mà chắc chắc không ai dám đụng đến, điều đó rất hấp dẫn đối với nhiều người.

Tôi nghĩ đến những người thợ mỏ - là những người rất mạnh mẽ, rất cứng rắn. Họ bị mất việc và khi Trump đến, hứa sẽ đem lại công việc cho họ, họ đã bầu cho Trump. Đó là điều đã xảy ra ở Pennsylvania năm 2016”, Giáo sư Terry Buss (Học viện Hành chính Công Hoa Kỳ) giải thích.

Lá phiếu của giai cấp lao động, những người thợ mỏ, thợ cơ khí…bị mất việc làm do toàn cầu hoá tại các bang miền Trung Tây cho “người hùng nước Mỹ”, đã đóng vai trò chủ chốt đưa đại gia địa ốc New York, ngôi sao truyền hình thực tế vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ.

Kẻ nổi loạn quyến rũ

Tháng 6/2015, tại toà Tháp Trump, ông Donald Trump tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ. Truyền thông Mỹ đã cười nhạo tuyên bố này như một trò hề. Các cuộc thăm dò dư luận trước thềm bầu cử đều cho thấy doanh nhân người New York có rất ít cơ may thắng cử.

Nhưng hoá ra, Donald Trump mới là người cười sau cùng khi đánh bại đối thủ - chính khách lão luyện với cả bộ máy truyền thông chính thống khổng lồ và giới tinh hoa trí thức đứng sau – cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton.

“Tất cả mọi người đã nhận định sai về sức hấp dẫn mang tính tiêu cực của Donald Trump. Ông ta đi ngược lại mọi lời khuyên, mọi hình mẫu chuẩn mực của một chính trị gia và chính điều đó mang lại sức hấp dẫn cho ông ta”, ông Terry Buss nhận định.

Ngay từ khi ra tranh cử, và cho đến giờ sau bốn năm làm Tổng thống, ông Trump vẫn luôn xây dựng và duy trì hình tượng của một “kẻ phá cách”, “người ngoại đạo”, lãnh tụ của cuộc nổi loạn phá bỏ trật tự lề thói hiện hữu.

Không có và cũng không cần những tuyên bố chính sách hay chương trình hành động cụ thể như những chính trị gia truyền thống – các đối thủ của ông, Donald Trump chỉ cần những khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) – những tuyên ngôn đánh sâu vào cảm xúc của đám đông và dễ dàng tập hợp giai tầng lao động Mỹ, những người thua thiệt và bất mãn với toàn cầu hoá.

Sự tính toán của Trump dựa trên một dạng dân tộc và dân túy kiểu Mỹ (Ảnh: Internet)

Sự tính toán của Trump dựa trên một dạng dân tộc và dân túy kiểu Mỹ (Ảnh: Internet)

“Trump sống trong khoảnh khắc và hành động theo cảm nhận của mình về cơ may và nguy hiểm. Vị tổng thống này không chơi trên cùng một sân như các chính khách khác. Sự tính toán của Trump dựa trên một dạng dân tộc và dân túy kiểu Mỹ. Donald Trump nghĩ rằng ông thấu hiểu lợi ích quốc gia hơn những người khác”, Giáo sư Walter Mead nhận xét.

Theo chuyên gia địa chính trị học nổi tiếng của Đại học Yale, bản năng của Trump cho thấy những gì mà các nhà lãnh đạo Cộng Hòa và Dân Chủ không nhìn ra, do suy nghĩ giáo điều của họ và do từ chối chủ nghĩa thực dụng đã làm nên sức mạnh Mỹ.

“Đó là vì các nhà lãnh đạo chính trị trải qua 25 năm đầu của cuộc đời trên ghế nhà trường. Thế nhưng ngồi nghe một giáo sư giảng bài chưa hẳn là cách tốt nhất để chuẩn bị bước vào chính trường và đóng vai trò lãnh đạo”, Giáo sư Walter Mead giải thích.

Những vị tổng thống đương nhiệm thất cử sau ngày Bầu cử tháng Mười một thường được gọi là “lame-duck” (“vịt què”) (Ảnh: Internet)

Những vị tổng thống đương nhiệm thất cử sau ngày Bầu cử tháng Mười một thường được gọi là “lame-duck” (“vịt què”) (Ảnh: Internet)

Khi nói về Donald Trump, người ta luôn nêu ra sự chối từ toàn cầu hóa. Nhưng những lá phiếu bầu cho Trump còn mang phương diện văn hóa là sự bác bỏ chính trị phải đạo đang tràn ngập các trường đại học và truyền thông…

Ông Trump đã nhạy bén nắm bắt xu hướng đó, để xây dựng mình trở thành biểu tượng của cuộc nổi dậy chống lại trật tự hiện hữu khi người dân bình thường ngày càng khó chấp nhận bị tầng lớp tinh hoa lãnh đạo.

Giờ đây, dù có thất bại trong cuộc bầu cử 2020, Donald Trump vẫn là một nhân vật thế lực trên sân khấu chính trị nước Mỹ. Ông đã bóng gió về khả năng tái tranh cử vào năm 2024. Với sức hút đặc biệt cùng hơn 70 triệu fan phía sau, cơ hội để tái lập kì tích hoàn toàn là có thể./.