Giải mã cách Trung Quốc đã thực hiện đóng cửa thành phố 27 thành phố để chống dịch

VietTimes -- Đêm khuya ngày 4/2, thành phố Nam Kinh thủ phủ tỉnh Giang Tô,  ra thông báo chính thức, yêu cầu “thực hiện toàn diện quản lý khu vực khép kín”, “kiểm tra và đăng ký xe cộ ra vào khu vực nghiêm ngặt” và “đình chỉ thi công mọi công trình xây dựng”. Điều này được thế giới bên ngoài hiểu là  đã “phong thành” (đóng cửa phong tỏa thành phố) và Nam Kinh được coi là thành phố thứ 27 áp dụng các biện pháp “phong thành” sau Vũ Hán.
Các thành phố đóng cửa nhưng vẫn đảm bảo giao thông lưu hành, nhưng có kiểm soát chặt chẽ (Ảnh: Tân Hoa xã)
Các thành phố đóng cửa nhưng vẫn đảm bảo giao thông lưu hành, nhưng có kiểm soát chặt chẽ (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn các chi tiết về các biện pháp của từng thành phố đối với dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới, người ta vẫn có thể thấy rằng có những khác biệt đáng kể giữa các nơi. Nhiều thành phố cũng có một số hạn chế, cấm đoán, nhưng không nên được coi là “phong thành” (đóng cửa).

27 thành phố bị coi là “phong thành”

Vũ Hán chính thức “phong thành” lúc 10h00 ngày 23/1. Các biện pháp cụ thể bao gồm đình chỉ toàn bộ hoạt động của xe buýt thành phố, tàu điện ngầm, tàu phà và vận chuyển hành khách đường dài, tạm thời đóng cửa ga khởi hành sân bay và nhà ga xe lửa và yêu cầu mọi cư dân không rời khỏi Vũ Hán mà không có lý do đặc biệt. v.v.

Vũ Hán thực hiện "phong thành" đóng cửa triệt để kể từ 10h sáng 23/1 (Ảnh: Đa Chiều)
Vũ Hán thực hiện "phong thành" đóng cửa triệt để kể từ 10h sáng 23/1 (Ảnh: Đa Chiều)

Kể từ đó, các thành phố tiếp sau bị coi là đã thực hiện “phong thành” còn có Ngạc Châu, Tiên Đào, Chi Giang, Tiềm Giang, Thiên Môn, Hoàng Cương, Kinh Môn, Hàm Ninh và Xích Bích, Hiếu Cảm, Hoàng Thạch, Nghi Xương, Ân Thi, Đương Dương, Thập Yểm và thành phố Tùy Châu ở tỉnh Hồ Bắc từ ngày 23 đến 25 tháng 1. Sang tháng 2 có thêm các thành phố Ôn Châu, Hàng Châu, Ninh Ba, Nhạch Thanh của tỉnh Chiết Giang; thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam; thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông; thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang; thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến; thành phố Nam Kinh và thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô sau khi bước vào tháng Hai. Tổng cộng đến nay đã có 27 thành phố áp dụng các biện pháp “phong thành”.

Có thể thấy rằng các thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc chiếm hơn một nửa trong số này, điều này cũng phù hợp với số lượng thống kê các trường hợp được xác nhận bị mắc bệnh. Tính đến 24h00 ngày 5/2, Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc đã xác nhận tổng cộng có 28.018 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới trên toàn quốc, 19.665 ở tỉnh Hồ Bắc và 10.117 ở thành phố Vũ Hán.

Có thể thấy rằng tỉnh Hồ Bắc là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh ở Trung Quốc và thành phố Vũ Hán trong tỉnh là “tâm điểm của tâm bão” thảm họa. Tuy nhiên, dịch bệnh đã lan rộng ra bên ngoài Vũ Hán và ngoài tỉnh Hồ Bắc. Tỉnh Hồ Bắc cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng ở các thành phố khác ngoài Vũ Hán. Ví dụ, có 1.807  trường hợp ở Hoàng Cương, bằng 1/5 của Vũ Hán. Ngoài ra còn dịch bệnh có xu hướng lây lan ra các khu vực khác ngoài tỉnh Hồ Bắc. Ví dụ, 829 trường hợp đã được chẩn đoán ở tỉnh Chiết Giang.

Đưa người bị nhiểm bệnh tới nơi điều trị cách ly (Ảnh: AP)
Đưa người bị nhiểm bệnh tới nơi điều trị cách ly (Ảnh: AP)

Liệu tình hình dịch bệnh ở các thành phố khác trong tỉnh Hồ Bắc và các thành phố ở các khu vực khác cũng sẽ gần như vượt khỏi tầm kiểm soát như Vũ Hán? Nếu không áp dụng các biện pháp đối phó khẩn cấp, câu trả lời gần như chắc chắn là có. Vậy các thành phố này đã áp dụng như thế nào?

Mức độ quản chế của các thành phố khác ở tỉnh Hồ Bắc kém mạnh mẽ hơn Vũ Hán. Theo thống kê, 14 thành phố và châu như Hoàng Cương và Hiếu Cảm ở Hồ Bắc đã thực hiện quản lý giao thông ở khu vực đô thị trung tâm và áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của cư dân đô thị. Ví dụ, thành phố Hoàng Cương yêu cầu mỗi gia đình chỉ cử một thành viên gia đình ra phố để mua hàng nhu yếu sinh hoạt 2 ngày 1 lần; những thành viên khác sẽ không đi ra ngoài trừ những nhu cầu đặc biệt. Tuy nhiên, không có hạn chế đối với khu vực ngoại ô.

Cường độ kiểm soát ở các đô thị khác của Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn. Chiết Giang là tỉnh có số lượng bệnh nhân được xác nhận mắc bệnh lớn nhất ngoài Hồ Bắc. Thủ phủ của tỉnh là thành phố Hàng Châu yêu cầu “tất cả các làng, khu dân cư và các đơn vị trong thành phố đều thực hiện quản lý kiểu khép kín”, “Tất cả người và phương tiện từ bên ngoài vào đều phải kiểm soát chặt chẽ”. Tuy nhiên, không có biện pháp quản chế giao thông. Người ta vẫn có thể ra vào Hàng Châu, nhưng phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn và kiểm soát như đo nhiệt độ cơ thể.

Hãy xem chi tiết về  cách “thực thi toàn diện quản lý cộng đồng khép kín” của thành phố Nam Kinh. Thành phố yêu cầu “các tiểu khu về nguyên tắc chỉ có một lối ra vào duy nhất cho cộng đồng”, “tất cả mọi người trong và ngoài cộng đồng phải đeo khẩu trang” và “đo nhiệt độ tất cả những người ra vào cộng đồng”. Có thể thấy rằng trong phạm vi vi mô, các khu vực này vẫn có thể ra vào, chưa kể không thể gọi là “đóng cửa thành phố”.

Sau khi dịch bệnh bùng phát, hầu hết người dân Trung Quốc đều phải đeo khẩu trang (Ảnh: Tân Hoa xã)
Sau khi dịch bệnh bùng phát, hầu hết người dân Trung Quốc đều phải đeo khẩu trang (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trên thực tế, ngay sau khi Vũ Hán “phong thành”, trên mạng có tin đồn  rằng các khu vực khác sẽ bắt chước làm theo và Bắc Kinh, Hàng Châu, Quảng Châu, Nam Kinh...đã lên tiếng bác bỏ tin đồn. Ví dụ, Ủy ban Giao thông Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố vào ngày 26 tháng 1 rằng “không đóng cửa thành phố và cũng sẽ không đóng cửa thành phố”.

Cái giá của “phong thành” là rất lớn

Tất nhiên, không “đóng cửa thành phố” không có nghĩa là buông lỏng cảnh giác với dịch bệnh và sự coi trọng của những thành phố này đối với dịch bệnh vẫn rất rõ ràng. Ví dụ, trong thông báo, Nam Kinh, “chú trọng vào những người trọng điểm ở các khu vực trọng điểm” yêu cầu rằng “những người sống trong các khu vực dịch bệnh trọng điểm của cộng đồng, những người có lịch sử đến các khu vực trọng điểm về dịch bệnh, phải thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt cách ly tại nhà và xác định người có trách nhiệm kiểm soát”. Hầu như tất cả các khu vực khác ở Trung Quốc đều có quy định tương tự.

Thành phố là trung tâm của các khu vực khác nhau ở Trung Quốc. Bất kể đó là Vũ Hán, Nam Kinh, Hàng Châu, Phúc Châu, Trịnh Châu, Cáp Nhĩ Tân, cái giá phải trả khi thực hiện “đóng cửa thành phố” thực sự là rất lớn. Việc vận hành tất cả các khía cạnh hoạt động, bao gồm cả nền kinh tế, đều có xu hướng đình trệ, sẽ gây thiệt hại lớn cho toàn thể Trung Quốc.

Việc đóng cửa các thành phố gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc về mọi mặt, nhất là kinh tế (Ảnh: Đa Chiều)
Việc đóng cửa các thành phố gây thiệt hại lớn cho Trung Quốc về mọi mặt, nhất là kinh tế (Ảnh: Đa Chiều)

Mặt khác, đối với những thành phố có dân số hàng triệu hoặc thậm chí chục triệu trở lên, việc “đóng cửa thành phố” là không phù hợp. Gần hai tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là sau khi Vũ Hán “đóng cửa thành phố”, dịch bệnh ở các khu vực khác chủ yếu là từ dạng nhập khẩu sang lây nhiễm theo cụm, vì vậy việc theo dõi và phòng ngừa dễ dàng hơn. Nói cách khác, đối với hầu hết các khu vực bên ngoài Hồ Bắc, tình hình dịch bệnh vẫn có thể được cho là “có thể phòng ngừa và kiểm soát được”.

Sự bùng phát đột ngột của dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng loại mới thực sự là một thách thức nghiêm trọng và nguy hiểm. Tuy nhiên, không cần thiết phải sợ bóng sợ gió và cần phải cân bằng giữa phòng chống dịch bệnh và cuộc sống bình thường. Những thách thức như dịch bệnh lần này cũng đã gặp phải trước đây và sẽ không được loại bỏ hoàn toàn trong tương lai. Ít nhất là ổ dịch này chắc chắn sẽ được ngăn chặn trong thời gian dự kiến sắp tới.