Giá xăng ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước xung quanh

"Trên thực tế, giá xăng của Việt Nam chỉ bằng 82,3% giá xăng của Campuchia, bằng 73,9% giá xăng ở Thái Lan, bằng 71,4% giá xăng của Trung Quốc và chỉ bằng 55,6% giá xăng của Lào", ông Lưu Đức Huy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết như vậy.
Giá xăng ở Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước xung quanh

Theo công bố trên Global Petrol Price.com, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam ngày 16.3.2016 ở vị trí thấp thứ 27/180 nước, thấp hơn cả 3 nước có chung đường biên giới và Thái Lan, cụ thể: Giá xăng Việt Nam là 0,65 USD/lít, thấp hơn Campuchia là 0,79 USD/lít, Thái Lan là 0,88 USD/lít, Trung Quốc là 0,91 USD/lít, Lào là 1,17 USD lít.

Nhận định về thứ bậc giá xăng dầu của Việt Nam so với các nước trong khu vực, ông Lưu Đức Huy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết: "Có thể thấy giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Nguyên nhân các nước trong khu vực giá xăng cao hơn Việt Nam chủ yếu do cơ cấu thuế, phí của họ trong giá xăng dầu cao hơn vì xăng dầu nhập khẩu đều có giá chung của thế giới, điều kiện nhập khẩu xăng dầu của các nước trong khu vực, đặc biệt 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam về cơ bản như nhau, nhưng giá xăng của Việt Nam chỉ bằng 82,3% giá xăng của Campuchia, bằng 73,9% giá xăng của Thái Lan, bằng 71,4% giá xăng của Trung Quốc và chỉ bằng 55,6% giá xăng của Lào".

Nói về thuế giữa các thị trường khác nhau do liên quan đến việc ký kết các hiệp định thương mại, ông Huy cho biết đến nay Việt Nam đã ký kết 11 hiệp định thương mại tự do trong và ngoài khu vực. Theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do, các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu đang trong lộ trình giảm dần. 

Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn mà mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu được giảm mạnh, do việc đàm phán ký kết của từng hiệp định tại các thời điểm khác nhau nên có các mức cam kết cắt giảm thuế suất khác nhau và vào các thời điểm khác nhau tùy theo từng hiệp định. Theo đó, việc chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định là tất yếu, ông Huy khẳng định.

Hôm 18.3, nhằm giảm bớt chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ các FTA của mặt hàng xăng dầu, theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC quy định thuế nhập khẩu xăng dầu giữ nguyên mức 20%, các mặt hàng dầu diezel, dầu hỏa, mazut, nhiên liệu bay giảm từ 10% và 13% xuống 7%, vì thực tế hàng hóa nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc về tới Việt Nam cần tốn thêm khoản chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6-7% giá xăng dầu nhập khẩu, tương đương với mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 7%. Việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với xăng dầu tại Thông tư số 48/2016/TT-BTC nêu trên, về cơ bản đã đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Ngoài ra, về mức thuế nhập khẩu trong cơ cấu giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN), có ý kiến cho rằng tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Theo Một thế giới