GDP ước tính tăng 5,93% trong 9 tháng đầu năm 2016

VietTimes -- Theo số liệu Tổng cục thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015
Theo số liệu Tổng cục thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước
Theo số liệu Tổng cục thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2016 ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục xu hướng tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước (Quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,40%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng

5,93% của toàn nền kinh tế 9 tháng năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,65%, là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây, đóng góp 0,11 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,50%, đóng góp 2,52 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,66%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 6,19% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành thủy sản tăng 1,81%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; riêng ngành nông nghiệp mặc dù đã có dấu hiệu tăng trở lại so với mức giảm 0,78% của 6 tháng đầu năm nhưng tốc độ tăng chỉ ở mức 0,05%, đóng góp 0,01 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 9,86% của 9 tháng năm 2015, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 11,22%, đóng góp 1,80 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành khai khoáng 9 tháng năm nay giảm tới 3,60%, làm giảm 0,28 điểm phần trăm, nguyên nhân chủ yếu do sản lượng dầu thô khai thác giảm so với cùng kỳ năm trước; khai thác than gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm do giá giảm. Ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 9,1%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Trong khu vực dịch vụ, mức tăng của một số ngành có tỷ trọng lớn như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,15% so với cùng kỳ năm trước, đây là ngành có mức tăng trưởng cao thứ hai của khu vực dịch vụ (sau ngành thông tin và truyền thông) nhưng là ngành có đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung (0,74 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 5,71%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,38%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,66% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%), đóng góp 0,2 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2016, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,54%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,48%; khu vực dịch vụ chiếm 41,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,18%.

Theo cấu trúc sử dụng GDP 9 tháng, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,97% so với cùng kỳ năm 2015, đóng góp 4,96 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp lớn nhất với 4,52 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 10,12%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tính trong GDP ở tình trạng nhập siêu làm giảm 1,9 điểm phần trăm tăng trưởng.

Trong một báo cáo mới nhất của ADB - Ngân hàng Phát triển Châu Á, ADB đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục vận hành tốt, nhưng đang bị cản trở bởi một số thách thức, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ có sự điều chỉnh giảm trong tăng trưởng xuống còn 6% năm 2016 và 6,3% năm 2017. Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, ông Eric Sidgwich nhận định, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, cùng với giá cả hàng hóa toàn cầu thấp đã làm chậm nhịp tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay, nhưng các ngành khác có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong 6 tháng cuối năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng tăng nhờ sự gia tăng mạnh hơn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự phục hồi nhẹ trong nông nghiệp và việc đẩy mạnh giải ngân các khoản chi đầu tư cơ bản trong các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia.