Gặp tác giả Snow Town - Người đưa tuyết đến Việt Nam

VietTimes -- Tôi định gọi ông là “cha đẻ” của mô hình Snow Town nhưng vị doanh nhân - với sự khiêm tốn và thái độ cẩn trọng thường thấy của một người Nhật Bản – đã đính chính.
Du khách vui chơi ở Snow Town Sài Gòn. (Ảnh: Internet)
Du khách vui chơi ở Snow Town Sài Gòn. (Ảnh: Internet)

“Thật ra làm tuyết thì ai cũng có thể làm được và máy làm tuyết cũng đã được các kỹ sư Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới chế tạo cách đây khá lâu, với nhiều chủng loại khác nhau. Tôi và công ty của tôi chỉ thực hiện nghiên cứu, cải tiến, sáng tạo và thiết lập ra một mô hình giúp cho các hạt tuyết không tan chảy ở nhiệt độ phòng - khoảng 20 độ C. Để hạt tuyết không tan chảy ở nhiệt độ này, chúng tôi đã tính toán đến nhiều yếu tố như kết cấu của tòa nhà, vật liệu xây dựng, độ lưu chuyển gió,… Tôi chỉ dám nhận là người đã tính toán và giữ bí quyết về công nghệ này thôi”, ông nói.

Ông là Kotaro Maru, Giám đốc phụ trách Snow Town & Ice Rink của Showa Holdings – Tập đoàn kinh tế đa ngành, niêm yết tại Thị trường Chứng khoán Tokyo (The Tokyo Stock Exchange; Mã: 5103), với giá trị vốn hóa 12 tỷ yên (JPY).

Showa Hodings hiện đang tham gia đầu tư triển khai nhiều dự án kinh doanh tại Việt Nam, với nhiều lĩnh vực, từ tài chính, xuất bản, cao su, nội dung số…

Cuối tháng 3 vừa rồi, tập đoàn này đã hợp tác với một đối tác Việt Nam, triển khai và đưa vào khai thác Khu vui chơi giải trí Snow Town Sài Gòn, tọa lạc tại The CBD Premium Home, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh.

Ông Kotaro Maru là người trực tiếp phụ trách dự án “thị trấn tuyết lớn nhất Đông Nam Á” này.

Từ câu chuyện giảm sinh ở Nhật

Theo ông Maru, Snow Town Sài Gòn là thị trấn tuyết thứ hai mà Showa Holdings triển khai ngoài nước Nhật, sau dự án đầu tiên tại trung tâm thương mại Gateway Ekkamai, thủ đô Bangkok, Thái Lan.

“Chúng tôi đang thương thảo hợp đồng và chuẩn bị xuất khẩu mô hình Snow Town này sang cả Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Malaixia”, vị doanh nhân tiết lộ.

Điều gì đã đã dẫn ông đến với ý tưởng về Snow Town?

Trước đây với khoảng 500 khu trượt tuyết khác nhau trên toàn nước Nhật. Nhật cũng đứng đầu thế giới về số lượng người trượt tuyết. Nhu cầu trượt tuyết – kể cả vào các mùa không có tuyết, như mùa hè – là rất lớn.

Điều này đã tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ làm tuyết nhân tạo tại Nhật.

Tuy nhiên do số lượng trẻ em sinh ra hàng năm ở Nhật giảm đi, nhu cầu sử dụng các khu trượt tuyết cũng giảm.

Doanh nhân Kotaro Maru, tác giả của mô hình Snow Town. (Ảnh: Momo)

Nhìn thấy vấn đề đó, tôi muốn cải tiến công nghệ làm tuyết này để ứng dụng vào các khu vui chơi trong nhà tại các nước châu Á nơi có số lượng trẻ em ngày một tăng lên.

Đó chính là khởi nguồn của ý tưởng về Snow Town.

Các ông không chỉ cung cấp máy làm tuyết?

Mô hình kinh doanh này không chỉ giới hạn ở thiết bị làm tuyết. Nó còn bao gồm các công nghệ khác được sử dụng trong các khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em ở Nhật, như vòng đu quay, sân trượt băng, sân chơi trẻ em... Nhưng như đã nói, ở đất nước chúng tôi, các sản phẩm và công nghệ này đang bị thoái trào do sự suy giảm sinh của Nhật.

Bên trong Snow Town, chúng tôi còn tích hợp nhà hàng cho gia đình, quán bar đêm cho thanh niên, âm nhạc và không gian ấn tượng cho các sự kiện.

Năm 2015, chúng tôi đã xuất khẩu và triển khai mô hình Snow Town đầu tiên tại Bangkok. Tôi là người thiết lập, cung cấp trang thiết bị, thiết kế kiến trúc cũng như thiết kế biểu tượng của mô hình kinh doanh này.

Vào tháng 3 năm nay, mô hình khu vui chơi tuyết tiếp theo đã được khai trương tại thành phố Hồ Chí Minh. Snow Town Sài Gòn là một mô hình được hoàn thiện, cải tiến và tối ưu từ những kinh nghiệm triển khai của chúng tôi tại Bangkok.

Tuyết ở 20 độ C

Nhưng Việt Nam là một đất nước nhiệt đới, chúng tôi không có tuyết. Do đó, hầu hết người dân đều không có văn hóa tuyết và những kỹ năng cần thiết để chơi các môn thể thao trên tuyết?

Khí hậu ở Việt Nam cũng giống Thái Lan. Mô hình Snow Town ở Bangkok đã vận hành 2 năm và cho thấy kết quả rất tích cực. Lượng người tham quan tăng trưởng và duy trì rất tốt.

Snow Town Sài Gòn từ khi khai trương đến nay, cũng cho kết quả rất khả quan. Vào những ngày nghỉ, chúng tôi thống kê, thường có đến 6 – 7 nghìn lượt khách đã đến tham quan và vui chơi tại khu giải trí này.

Khởi nguồn ý tưởng về Snow Town là hướng đến đối tượng trẻ em. Mô hình này khác những mô hình đòi hỏi  kinh nghiệm, kỹ năng thể thao. Du khách đến Snow Town không nhất thiết phải trượt băng, hay trượt tuyết.

Một sự kiện tại Snow Town. (Ảnh: Internet)

Còn nhiều trải nghiệm hoặc trò chơi tuyết khác mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng. Đó có thể chỉ đơn thuần đi dạo trên tuyết và thư giãn với tuyết. Snow Town sẽ giúp cư dân của các nước nhiệt đới có những trải nghiệm ôn đới ngay tại xứ sở của mình.

Điểm đặc biệt là các bạn sẽ không cần phải mặc đồ mùa đông khi vào Snow Town. Với công nghệ của chúng tôi, tuyết ở Snow Town sẽ vẫn được duy trì ở nhiệt độ phòng (khoảng 20 độ C). Và bên trong Snow Town, nhiệt độ không khí luôn được duy trì ở mức 18 độ C, không quá lạnh.

Đó là lý do tại sao mà các bạn thấy, du khách khi đến với Snow Town, vẫn mặc quần áo ngắn tay, hoặc đồ mùa hè. Khách hàng của Snow Town có thể thỏa thích chơi với tuyết và ăn uống ở nhiệt độ dưới 18 độ trong thời gian dài. Điều này mang đến một lợi thế quan trọng cho nhà đầu tư, giúp doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng tăng lên.

Trong tất cả các công trình tuyết khác trên thế giới, khách hàng cảm thấy lạnh và không thể ở lại lâu.

Tuyết ở Snow Town không tan chảy ở nhiệt độ phòng, vậy các ông có đưa chất hóa học gì vào các bông tuyết này không?

Về thành phần, tuyết ở Snow Town không khác so gì tuyết bình thường nên rất an toàn với khách hàng và người tiếp xúc. Không sử dụng các thành phần hóa học nên sản phẩm của Snow Town cho cảm giác tự nhiên ngay cả khi chạm tay trong không gian máy lạnh thông thường…

Bí quyết nằm ở việc chúng tôi đã hạn chế tối đa hàm lượng nước và độ ẩm, để tạo nên những bông tuyết khô hạt siêu nhỏ. Những bông tuyết này chỉ chứa độ ẩm từ 5 – 8%, trong khi tuyết được tạo bởi các máy làm đóa khác thường chứa độ ẩm từ 20% trở lên.

Do đó, tuyết của Snow Town là có trọng lượng nhẹ nhất thế giới, nhẹ hơn các loại khác đến 30%. Và cũng là tuyết ít tan nhất trên thế giới. Khi chúng tôi thử nghiệm kiểm tra độ tan, bằng cách để khay tuyết nhân tạo Snow Town ở ngoài trời, với nhiệt độ 20 độ C thì tuyết Snow Town giữ được tới hơn 80%.

Với các đặc điểm trên, Snow Town giữ tuyết trong điều kiện không khí bình thường với hệ thống có sẵn. Bạn không cần lắp đặt thêm máy làm lạnh để giữ tuyết. Điều này đem lại lợi thế to lớn lớn về tiết kiệm chi phí ban đầu và chi phí vận hành cho chủ sở hữu.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại các dự án đã triển khai thì chủ đầu tư chỉ mất chi phí đầu tư ban đầu bằng 60%, và chi phí vận hành bằng 10% so với áp dụng các công nghệ hay mô hình khác.

Franchise

Showa Hodings hướng đến mô hình nhượng quyền thương mại (franchise) cho Snow Town, vậy đâu là đối tác mà các ông hướng đến?

Snow Town sẽ không chỉ đem lại lợi ích từ những dịch vụ bên trong Snow Town. Nó còn giúp ích to lớn trong việc thu hút cư dân và khác hàng đến với tổ hợp triển khai nó.

Khách hàng sẽ không chỉ đến Snow Town và sử dụng duy nhất các dịch vụ từ khu vui chơi tuyết này. Các dịch vụ đi kèm, cửa hàng tích hợp xung quanh Snow Town cũng được hưởng lợi.

Ngày xưa tại các khu dân cư hoặc trung tâm thương mại, các chủ đầu tư thường tích hợp rạp chiếu phim, công viên,… để tạo lợi thế thu hút khách hàng. Nhưng hiện giờ, các phương thức đó không còn khác biệt và tạo điểm nhấn. Bởi ở đâu cũng có.

Một hoạt động của du khách tại Snow Town. (Ảnh: Internet)

Còn Snow Town lại rất khác. Nó cũng phù hợp và đáp ứng nhu cầu với nhiều đối tượng khách hàng.

Thực tế, sau khi đi Snow Town Bangkok đi vào hoạt động từ năm 2015, theo tính toán, doanh thu kinh doanh tại Gateway Ekkamai đã tăng trưởng trung bình khoảng 63%/năm.

Giá trị lớn nhất của Snow Town nằm ở việc tạo điểm nhấn và khả năng thu hút khách hàng thúc đẩy kinh doanh tại các trung tâm thương mại và khu mà nó được triển khai.

Chi phí để đầu tư một mô hình Snow Town tiêu chuẩn là như thế nào, thưa ông?

Chi phí để đầu tư một hệ thống làm tuyết theo công nghệ Snow Town là khoảng 100 triệu yên.

Cộng thêm với các chi phí thiết kết, xây dựng,… thì tổng chi phí để triển khai một dự án Snow Town tiêu chuẩn sẽ là khoảng hơn 300 triệu yên (tương đương với khoảng 3 triệu USD).

Các ông định hướng như thế nào về việc phát triển mô hình Snow Town tại Việt Nam?

Trong thời gian tới, chúng tôi có ý định tiếp tục triển khai thêm hai khu Snow Town nữa. Một tại Đà Nẵng và một tại Hà Nội.

Chúng tôi chú trọng đến việc phát triển dự án tại các khu vực trung tâm. Khi đó Snow Town sẽ phát huy hiệu quả cao nhất.

Được biết, Showa Holdings là một tập đoàn đa ngành, trong đó có cả về tài chính. Các ông có sẵn sàng cung cấp các giải pháp tài chính cho những nhà đầu tư Việt Nam còn hạn chế về vốn?

Đó cũng là một ý tưởng. Nếu đối tác nào có nhu cầu, chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể.

Chân thành cảm ơn ông về cuộc trao đổi./.