Gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Trung, Trung Quốc tuyên bố “có hiệu quả”, Mỹ nói “không có đột phá gì lớn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc mô tả cuộc hội đàm Joe Biden - Tập Cận Bình là "thẳng thắn, xây dựng, thực chất và có hiệu quả"; Nhà Trắng lại nói, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung đã "không đạt được đột phá về bất kỳ vấn đề lớn nào".
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung trực tuyến kết thúc, hai bên đưa ra thông cáo với các nội dung khác nhau (Ảnh: AP).
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung trực tuyến kết thúc, hai bên đưa ra thông cáo với các nội dung khác nhau (Ảnh: AP).

Cuộc hội đàm đã được tổ chức vào tối ngày 15/11 theo giờ Washington và sáng 16/11 theo giờ Bắc Kinh. Khi bắt đầu cuộc gặp, cả hai nhà lãnh đạo đã cố gắng tạo ra bầu không khí hài hòa cho cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa họ.

Trong phần phát biểu khai mạc, ông Biden đã nói với ông Tập Cận Bình bằng giọng của một người quen cũ: “Có lẽ tôi nên bắt đầu một cách trang trọng hơn, mặc dù ngài và tôi chưa bao giờ trang trọng với nhau như vậy”. Ông Biden đã đến thăm Trung Quốc trong nhiệm kỳ của mình tại Thượng viện và khi là Phó Tổng thống, đã có ấn tượng sâu sắc về kinh nghiệm tiếp xúc với ông Tập Cận Bình.

Ông Biden cũng cảm ơn ông Tập đã chúc mừng khi ông được bầu làm Tổng thống Mỹ và bốn lần dùng từ "cám ơn" để nhấn mạnh sự tôn trọng của ông đối với ông Tập Cận Bình.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Tập Cận Bình nói: "Rất vui khi được gặp lại người bạn cũ", đồng thời cho biết ông muốn tiến hành trao đổi toàn diện và sâu rộng với Chủ tịch Trung Quốc về các vấn đề mang tính toàn cục.

Phòng họp phía Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Phòng họp phía Trung Quốc (Ảnh: CCTV).

Nhà Trắng cho biết trong Thông cáo báo chí công bố sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Biden nhấn mạnh trong khi hội đàm rằng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích và quan niệm giá trị của mình, và cùng với các đồng minh và đối tác đảm bảo rằng quy tắc hành động quốc tế Thế kỷ 21 có thể thúc đẩy tự do, cởi mở và công bằng của hệ thống quốc tế. Ông cũng bày tỏ quan ngại về những cách làm của Trung Quốc trong các vấn đề Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông và các vấn đề nhân quyền rộng lớn hơn.

Thông cáo báo chí nói, trong vấn đề Đài Loan, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách "Một Trung Quốc" theo hướng dẫn của Đạo luật Quan hệ Đài Loan, ba Thông cáo chung Mỹ - Trung và “Sáu điều bảo đảm”. Mỹ phản đối mạnh mẽ những hành động đơn phương thay đổi hiện trạng, gây tổn hại đến hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan.

Một quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nói với giới truyền thông sau hội nghị thượng đỉnh rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận rất nhiều về vấn đề Đài Loan, và Tổng thống Biden đã "khá trực tiếp chỉ rõ một số hành động của Bắc Kinh không có lợi cho hòa bình và sự ổn định ở Eo biển Đài Loan”.

Phòng họp phía Mỹ (Ảnh: AP).

Phòng họp phía Mỹ (Ảnh: AP).

Hãng thông tấn Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc đã phát đi một bản tin sau hội nghị thượng đỉnh, nói ông Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc đối thoại rằng “tình hình trên Eo biển Đài Loan đang đối mặt với một vòng căng thẳng mới, nguyên nhân do chính quyền Đài Loan luôn mưu đồ ‘dựa vào Mỹ để tìm kiếm độc lập’ và một số người ở Mỹ có ý đồ ‘dùng Đài Loan chế ngự Trung Quốc’. Xu thế này rất nguy hiểm, là đang đùa với lửa, mà chơi với lửa sẽ tự đốt mình".

Theo Tân Hoa xã, ông Biden đã bày tỏ chính phủ Mỹ cam kết theo đuổi chính sách "Một Trung Quốc" lâu dài, nhất quán và không ủng hộ "Đài Loan độc lập".

Quan chức cấp cao của Nhà Trắng khi được yêu cầu xác nhận tại cuộc họp báo có đúng ông Biden đã nói "không ủng hộ Đài Loan độc lập hay không", đã không trực tiếp trả lời; trong Thông cáo của Nhà Trắng cũng không đề cập đến nội dung này.

Trong vấn đề nhân quyền và dân chủ, Tân Hoa xã nói ông Tập Cận Bình nói với ông Biden: “Các nước có thể có các hình thức dân chủ khác nhau, nếu vì hình thức dân chủ khác nhau mà bài xích, thì bản thân đã không dân chủ”. Ông cũng phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác thông qua việc sử dụng các vấn đề nhân quyền.

Hai nhà lãnh đạo vẫy tay chào nhau khi bắt đầu hội nghị (Ảnh: Xinhua).

Hai nhà lãnh đạo vẫy tay chào nhau khi bắt đầu hội nghị (Ảnh: Xinhua).

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các vấn đề kinh tế và thương mại. Theo Tân Hoa xã, ông Tập Cận Bình đã nói “Mỹ nên đình chỉ lạm dụng và hạ thấp khái niệm an ninh quốc gia để trấn áp các công ty Trung Quốc”. Nhà Trắng nói, ông Biden thúc giục Trung Quốc thực hiện giai đoạn đầu của Hiệp định thương mại Mỹ - Trung và hy vọng sẽ thấy tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa các quan chức thương mại hai nước.

Hai nguyên thủ quốc gia cũng đã đối thoại về đại dịch COVID-19, nhưng không biết liệu hai người có trực tiếp thảo luận về vấn đề nguồn gốc của dịch bệnh đã gây ra tranh chấp gay gắt giữa hai nước hay không. Các quan chức Nhà Trắng cho biết, ông Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tính minh bạch trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và tránh những đại dịch thảm khốc mới. Theo tin của phía Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nói: "Để đối phó với một đại dịch lớn, cần phải có thái độ khoa học. Việc chính trị hóa vấn đề dịch bệnh chỉ có hại chứ không không có lợi gì”.

Tân Hoa xã mô tả quan điểm chung về cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Tập Cận Bình - Biden lần này là "thẳng thắn, xây dựng, thực chất và có hiệu quả".

Tuy nhiên, cả Thông cáo báo chí của Nhà Trắng và Báo cáo vắn tắt của quan chức cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia đều không đề cập đến hội nghị thượng đỉnh là "có hiệu quả".

Ông Joe Biden khẳng định không coi ông Tập Cận Bình là "bạn cũ", hai người chỉ có quan hệ công việc (Ảnh: Dwnews).

Ông Joe Biden khẳng định không coi ông Tập Cận Bình là "bạn cũ", hai người chỉ có quan hệ công việc (Ảnh: Dwnews).

Tổng kết cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện trong 3 tiếng rưỡi, lâu hơn dự kiến; nhưng như lời một quan chức cấp cao Nhà Trắng (bà Jen Psaki) nói hôm trước “Hội nghị thượng đỉnh không đạt được đột phá trong về bất kỳ vấn đề lớn nào”. Bà nhấn mạnh rằng Mỹ hy vọng thông qua hội nghị thượng đỉnh này sẽ quản lý tốt hơn và có trách nhiệm sự cạnh tranh giữa hai nước, đồng thời thiết lập một hàng rào bảo vệ để tránh xảy ra xung đột.

Một phóng viên đặt câu hỏi, hai nhà lãnh đạo có thiết lập một rào cản mới tại hội nghị thượng đỉnh để ngăn hai nước xung đột về vấn đề Đài Loan hay không? Quan chức cấp cao của Nhà Trắng trả lời: "Không".

Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ duy trì liên lạc về các vấn đề khác nhau.

Các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã chỉ trích chính quyền Joe Biden quá mềm yếu trước Trung Quốc. Ông Mike Rogers, người đứng đầu nhóm dân biểu Cộng Hòa tại Ủy ban Quân lực Hạ viện, khi nhận xét về Hội nghị thượng đỉnh Joe Biden - Tập Cận Bình, đã nói: “Mối đe dọa lớn nhất mà đất nước chúng ta phải đối mặt hiện nay là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ tìm cách phá hoại sự ổn định của thế giới tự do, nhưng chính quyền Biden lại thờ ơ”.

Chính phủ của ông Biden luôn phủ nhận cáo buộc họ mềm yếu và lơ là đối với Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm nay đã lập tức bắt đầu đối phó với cái mà ông gọi là “thách thức của Trung Quốc đang ngày càng đến gần”.

Chủ tịch đảng Cộng hòa tại Thượng viện Marsha Blackburn cũng nói trong một tuyên bố hôm 15/11: “Trung Quốc đã giết chết hàng triệu người với loại virus của họ, nhưng ông Biden đã để cho Tập Cận Bình bắt nạt...Do sự yếu kém của ông Biden, người bị thiệt là nước Mỹ và nhân dân của chúng ta”.

Trang tin Dwnews ngày 17/11 đưa một thông tin khá lý thú: khi khai mạc cuộc gặp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden là "bạn cũ", nhưng Nhà Trắng đã đáp lại bằng cách nói ông Biden không coi ông Tập Cận Bình là "bạn cũ".

Tại cuộc họp báo do Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Andrew Bates chủ trì vào ngày 16/11 sau khi kết thúc cuộc gặp, một phóng viên đã đề cập trong một câu hỏi việc ông Biden đã tuyên bố vào ngày 16/6/2021 rằng ông không nghĩ Tập Cận Bình là “bạn cũ” của mình, hai người là chỉ là "quan hệ công việc".

Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 15/11, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói bà có thể xác nhận rằng ông Biden vẫn không coi Tập Cận Bình là “bạn cũ”. Điều này là nhất quán.

Phóng viên hỏi: “Nhưng tại cuộc hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa Trung Quốc và Mỹ, chúng ta đã nghe ông Tập Cận Bình dùng "người bạn cũ" để gọi ông Biden. Ông nghĩ Tập Cận Bình có dụng ý gì khi sử dụng cách xưng hô này? Ông giải thích như thế nào về tình hình xảy ra vào thời điểm đó?”.

Andrew Bates trả lời rằng ông không thể nói thay Tập Cận Bình. Nhưng như phóng viên vừa đề cập, bản thân Tổng thống Biden đã nói rõ rằng ông và Tập Cận Bình có mối quan hệ lâu dài và thành thật với nhau, điều này đã nâng cao hiệu quả công việc.

"Nhưng ông ấy (Biden) không cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình là một 'người bạn cũ'", ông Andrew Bates khẳng định.