Gần 8 vạn hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bộ đầu thu truyền hình số mặt đất

VietTimes -- Hiện, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích đang thực hiện hỗ trợ tiếp tục cho 79.922 bộ đầu thu STB DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, theo kế hoạch tắt sóng truyền hình tương tự giai đoạn 2.

Việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 sẽ được bắt đầu vào ngày 30/12/2016.
Việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 sẽ được bắt đầu vào ngày 30/12/2016.

Thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình mặt đất tại Việt Nam đã tổ chức cuộc họp vào chiều qua (26/12) nhằm kiểm tra, rà soát các công việc trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 8 tỉnh, thành phố.

Theo báo cáo của Thường trực Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình: Việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất giai đoạn 2 tại 8 tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Hậu Giang, Vĩnh Long sẽ được bắt đầu vào hồi 12h00 ngày 30/12/2016.

Theo đó, vùng phủ sóng truyền hình số  DVB-T2 về cơ bản đã rộng hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Tại 8 tỉnh nêu trên, hầu hết người dân đã thu xem tốt truyền hình trên sóng số DVB-T2.

Tình hình triển khai của các đài tại các địa phương như sau: VTV đã triển khai 06 máy phát chính DVB-T2 cho khu vực đồng bằng Bắc bộ; 06 máy phát chính DVB-T2 cho khu vực đồng bằng Nam Bộ. Vùng phủ sóng DVB-T2 của VTV đã bao trùm toàn bộ địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang và hầu hết địa bàn Hải Dương, Vĩnh Phúc, truyền tải các kênh chương trình của VTV.

Công ty cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) đã triển khai 05 máy phát hình số DVB-T2, trong đó có 03 máy phát sóng chính tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam và 02 trạm phát sóng công suất nhỏ tại Hải Phòng truyền tải các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương và các kênh truyền hình khác. Phủ sóng toàn bộ địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, hầu hết tỉnh Hải Dương, Vĩnh Phúc (chỉ còn Kinh Môn- Hải Dương, Tam Đảo – Vĩnh Phúc là địa bàn trước đây truyền hình tương tự mặt đất cũng không phủ tới).

SDTV đã triển khai 07 máy phát phủ sóng hầu hết cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, phủ sóng một phần địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang; 03 máy công suất nhỏ tại Côn Đảo phủ sóng cho huyện Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu; truyền tải các kênh chương trình truyền hình của các tỉnh thành phố trong khu vực, trong đó có kênh truyền hình Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang.

Đối với địa bàn các xã tại khu vực vùng biên của tỉnh Hậu Giang giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu, khu vực này người dân thu xem truyền hình số mặt đất từ máy phát kênh tần số 33 đặt tại Cần Thơ của SDTV. Đa số các hộ dân thu xem truyền hình mặt đất kênh 33 với chất lượng tín hiệu ổn định, tuy nhiên có rải rác một số trường hợp khó thu xem truyền hình số do bị ảnh hưởng bởi cách nâng cao cột ăng-ten, trang bị thêm bộ khuếch đại tín hiệu và cơ bản đã giải quyết được vấn đề này. Để khắc phục triệt để, SDTV đang triển khai lắp đặt máy phát DVB-T2 kênh 34 tại Hậu Giang, dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt và phát sóng trong tháng 12/2016 để bảo đảm người dân tại Hậu Giang có thể thu xem được truyền hình số mặt đất ổn định.

Thường trực Ban chỉ đạo cũng cho biết, việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh tại 8 tỉnh nêu trên sẽ hoàn thành trước ngày 30/12/2016. Trước đó, giai đoạn 1, Qũy Dịch vụ viễn thông công ích  đã hoàn thành hỗ trợ 158.783 bộ đầu thu STB  DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Hiện tại, Ban Quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cũng đang thực hiện hỗ trợ tiếp tục cho 79.922 bộ đầu thu STB DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc.

Đối với công tác thông tin tuyên truyền, trước đó, Bộ TT&TT đã gửi công văn đề nghị các tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chạy chữ thông báo thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại địa bàn; công văn đề nghị doanh nghiệp viễn thông triển khai nhắn tin thông báo thời điểm ngừng phát sóng tới các thuê bao tại 8 tỉnh trên địa bàn nêu trên. Các địa phương đã thực hiện thông tin, tuyên truyền về số hóa truyền hình trên hệ thống các kênh truyền hình địa phương, trên hệ thống các đài phát thanh cấp xã, phường để người dân nắm được thông tin.

Trước đó, Ban chỉ đạo Đề án số hóa đã có các buổi làm việc với UBND các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang. Về cơ bản, các địa phương đã chủ động thực hiện thông tin tuyên truyền về số hóa truyền hình trên hệ thống các kênh truyền hình địa phương, trên hệ thống các đài phát thanh cấp xã, phường. Hầu hết các hộ gia đình đã nắm được thông tin về kế hoạch ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Tại cuộc họp, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Cục Viễn thông đang đôn đốc các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhắn tin cho người dân ở 8 tỉnh nêu trên. Các nhà mạng sẽ thực hiện tin nhắn tối thiểu 3 lần nhắn tin. Tin nhắn chậm nhất sẽ được thực hiện vào ngày 29/12/2016.

Cũng theo ông Tuấn, các mặt hàng đầu thu STB, iDTV có nhiều mẫu mã. Cục Viễn thông đã tiếp nhận được 81 công bố hợp quy của các doanh nghiệp về đầu thu giải mã truyền hình kỹ thuật số, có gần 800 bản công bố hợp quy đầu thu truyền hình iDTV. Như vậy có thể khẳng định chủng loại và số lượng hàng hóa rất phong phú, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân có nhu cầu, đặc biệt VNPT Tech sẵn sàng các STB cho 8 địa bàn tắt sóng.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm  cho biết, chất lượng và vùng phủ sóng DVB-T2 đã được bảo đảm đáp ứng nhu cầu xem truyền hình số của người dân. Ban Quản lý chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cần đôn đốc các nhà thầu để đảm bảo hỗ trợ kịp thời đầu thu số STB trước ngày ngừng phát sóng.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục có văn bản gửi UBND các tỉnh, các đài Phát thanh truyền hình tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi xem truyền hình số, hướng dẫn người mua đầu thu số.