Sáng nay (ngày 9/6/2015), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2015 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Chủ đề năm nay là “Nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nước, đảm bảo hội nhập thành công”.
Khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đã bày tỏ những quan điểm thiết thực về việc nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nước để tiến sâu vào hội nhập thế giới.
Khảo sát doanh nghiệp của VCCI vừa công bố vào tháng 4/2015 đã cho thấy: 46% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 50% doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2012 đến nay.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước còn chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% doanh nghiệp vẫn kinh doanh không có lãi và mặc dù khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã đóng góp gần 50% GDP, nhưng riêng khu vực kinh tế cá thể đã đóng góp tới trên 33% GDP, cho thấy khu vực tư nhân còn quá manh mún.
Trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Quy mô nhỏ, tính chất phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận nguồn vốn, khó tiếp cận thị trường, sức cạnh tranh không cao… đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
"Xét về dài hạn, khu vực kinh tế tư nhân trong nước phải là động lực tăng trưởng chính, bảo đảm tính tự chủ của nền kinh tế và bảo đảm sự kết nối có hiệu quả giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế nội địa", ông Lộc phát biểu.
Để khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể đảm nhận được vai trò này, ông Lộc đề xuất:
Một là, xây dựng và thực hiện “Chương trình quốc gia khởi nghiệp” để định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên và trợ giúp thành lập các doanh nghiệp mới sáng tạo và doanh nghiệp hỗ trợ hoạt động trong các ngành và lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, trước hết là trong các lĩnh vực: Kinh doanh nông nghiệp tổng hợp gắn với công nghiệp chế biến thực phẩm (theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất- nuôi trồng - chế biến đến phân phối), ngành chế tạo máy móc nông nghiệp, ngành điện tử, công nghệ thông tin, dệt may, chế biến gỗ, dược phẩm, du lịch… và hỗ trợ các ngành này theo chuỗi, theo cụm chứ không theo từng doanh nghiệp và công đoạn riêng rẽ như hiện nay.
Hai là, cần tiếp tục đơn giản hóa tối đa các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cho việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, tăng cường đào tạo kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp tại tất cả các trường đại học và trường nghề, xác lập chương trình đào tạo bắt buộc về khởi sự doanh nghiệp cho các chủ doanh nghiệp.
Ba là, khơi thông tín dụng: Để giải quyết vấn đề về vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có những chương trình cho vay vốn hiệu quả: tiếp tục giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, tăng cường phương thức thuê mua tài chính, khẩn trương đưa quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hoạt động, phát triển các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tiên phong, quỹ đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ…
Bốn là, tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho doanh nghiệp.
Năm là, kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, lần đầu tiên trong nhiều năm, năm 2015, đã có hơn 70% doanh nghiệp cho biết họ hài lòng với công tác cải cách hành chính của ngành Thuế. Phải tiến hành rà xét và gỡ bỏ ngay các điều kiện kinh doanh và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp trong số 5.000 thủ tục và điều kiện kinh doanh của 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư, đồng thời với việc xóa bỏ tất cả các giấy phép và điều kiện kinh doanh nằm ngoài danh mục 267 ngành nghề đó.
Sáu là, Nhà nước không chỉ cần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn phải bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp. Đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm ban hành các: Luật cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Luật Hỗ trợ DNNVV, Nghị định về Công nghiệp Hỗ trợ, Nghị định về Hiệp hội doanh nghiệp… để tăng cường cơ sở pháp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.
Bảy là, để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện năng lực cạnh tranh, chuẩn bị cho hội nhập, rất cần cung cấp thông tin kịp thời và cụ thể về các cam kết, các cơ hội, thách thức cụ thể từ các FTA đối với doanh nghiệp. Chính phủ đang đàm phán cấp tập nhiều FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới đặc biệt quan trọng như TPP, EVFTA nhưng đến nay, không nhiều doanh nghiệp biết về các FTA này, càng ít hơn nữa những doanh nghiệp có sự chuẩn bị cho các FTA.
Tám là, với các FDI, đề nghị triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ để họ có thể trở thành đối tác, nhà cung cấp tham gia vào chuỗi giá trị của, để nâng cao hiệu quả kinh doanh và tạo ra sự lan tỏa về công nghệ và kỹ năng trong nền kinh tế Việt Nam.
"Đó chính là con đường phát triển bền vững của các bạn trong nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm lợi ích của các bạn, của các đối tác và nền kinh tế Việt Nam", ông Lộc kết thúc bài phát biểu
Theo NĐH