FPT Telecom được cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

VietTimes – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật danh sách các tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tính đến ngày 10/7/2020.
Ảnh minh họa (Nguồn: FPT)
Ảnh minh họa (Nguồn: FPT)

Cụ thể, CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom - Mã CK: FOX) đã được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại giấy phép số 50/GP-NHNN cấp ngày 2/7/2020. Hiện nay, FPT Telecom đã thành lập Trung tâm Thanh toán Trực tuyến (Foxpay).

FPT Telecom là thành viên thuộc Tập đoàn FPT, được thành lập từ năm 1997, khởi nguồn từ Trung tâm Dịch vụ Trực tuyến. Công ty này đang hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông và internet.

Tính đến ngày 31/3/2020, tổng tài sản của FPT Telecom đạt 13.311 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 5.313 tỷ đồng. Quý 1/2020, doanh thu thuần của FPT đạt 2.668 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 357 tỷ đồng.

Năm 2020, FPT Telecom đặt kế hoạch doanh thu đạt 11.814 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là 2.022 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty này cũng đặt kế hoạch trả cố tức năm 2020 không thấp hơn 2.000 đồng/cổ phiếu.

NHNN cũng cấp phép cho CTCP AirPay và Công ty TNHH Connexion Việt Nam được hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lần lượt tại giấy phép số 52/GP-NHNN và giấy phép số 51/GP-NHNN cấp ngày 3/7/2020.

CTCP AirPay tiền thân là CTCP Phát triển thể thao điện tử Việt Nam, doanh nghiệp này từng được NHNN cấp giấy phép ngày 16/12/2015.

Còn Công ty TNHH Connexion tiền thân là Công ty TNHH Edenred Việt Nam, thành lập năm 2015, do ông Thomas Lucien Andre Beurthey (quốc tịch Pháp) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

Cập nhật đến ngày 25/3/2020, Connexion có quy mô vốn 63,9 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không đổi khi EMOV8 PTE LTD (trụ sở tại Singapore) vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu 95%, số cổ phần còn lại do ông Thomas Lucien Andre Beurthey nắm giữ. 

Như vậy, tính đến ngày 10/7/2020, có 35 tổ chức không phải là ngân hàng được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Được biết, các tổ chức không phải là ngân hàng muốn cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức phải có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; hệ thống kỹ thuật dự phòng xây dựng độc lập với hệ thống chính bảo đảm cung cấp dịch vụ an toàn và liên tục khi hệ thống chính có sự cố và tuần thủ các quy định khác về đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, trong quá trình cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có hệ thống thông tin kế toán quản trị đảm bảo theo dõi riêng được nguồn vốn, tài sản và xác định được kết quả của hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán./.