FPT: Bằng chứng thuyết phục cho quyết sách thoái mảng bán lẻ, tập trung mảng công nghệ

VietTimes – Những chuyển biến trong hiệu quả kinh doanh sau khi thoái vốn khỏi lĩnh vực phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ đã cho thấy đây là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, khi tập trung vào lĩnh vực công nghệ, Tập đoàn FPT cũng phải giải quyết bài toán hàng đầu là nguồn nhân lực.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thoái vốn khỏi mảng kinh doanh kém hiệu quả

Ngay từ đầu tháng 8/2017, ban lãnh đạo Công ty cổ phần FPT (HSX: FPT) đã có những động thái nhằm thoái vốn khỏi lĩnh vực phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ. Cụ thể, FPT tiến hành thoái vốn một phần tại các công ty con là Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và Công ty TNHH Thương mại FPT (FPT Trading).

Tới ngày 18/12/2017, FPT đã hoàn thành giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail xuống mức 47%, tại FPT Trading là 48%, do đó, hai công ty này đã trở thành công ty liên kết.

Được biết, FPT Retail sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop (chuyên bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động) và F.Studio By FPT (là chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam ở cấp độ cao cấp nhất, chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng) với tổng số 500 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành.

Còn FPT Trading là nhà phân phối các sản phẩm công nghệ lớn với 2.771 đại lý, tham gia vào lĩnh vực sản xuất và phân phối thương hiệu FPT. Đối tác mua lại cổ phần của FPT là Tập đoàn Synnex đã tiến hành đổi tên FPT Trading thành Công ty cổ phần Synnex FPT (Synnex FPT).

Các hoạt động thoái vốn này của ban lãnh đạo FPT nhận được nhiều sự ủng hộ của giới đầu tư và các chuyên gia phân tích.

Nguyên nhân là do, lĩnh vực phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ không được các nhà đầu tư đánh giá cao vì thị trường đã đạt đến ngưỡng bão hòa và biên lợi nhuận không còn ở mức hấp dẫn. Trong khi đó, mảng cốt lõi và cũng là thế mạnh của FPT là công nghệ vốn có tỷ suất sinh lời tốt hơn nhiều vẫn chưa nhận được sự tập trung đầu tư đúng mức.

Căn cứ vào kết quả kinh doanh, dường như ban lãnh đạo FPT đã đi đúng hướng.

Doanh thu giảm nhưng biên lợi nhuận cải thiện rõ rệt

Trong phần thông báo kết quả kinh doanh 7 tháng năm 2018, FPT cho biết nếu loại bỏ các yếu tố liên quan đến thoái vốn tại công ty con, kết thúc 7 tháng đầu năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của FPT lần lượt đạt 12.106 tỷ đồng và 1.990 tỷ đồng, tăng 19% và 32% so với cùng kỳ.

Trong điều kiện so sánh với số liệu thực tế cùng kỳ năm 2017, có hợp nhất toàn bộ kết quả kinh doanh của FPT Retail và Synnex FPT, doanh thu giảm 49% và LNTT tăng 18%, đạt 113% kế hoạch lũy kế.

Lợi nhuận sau thuế đạt 1.666 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.307 tỷ đồng, tăng 20% và lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 2.135 đồng, tăng 20%.

Trong giai đoạn 7 tháng đầu năm 2018, khối Công nghệ và Viễn thông đóng góp tới 94% tổng doanh thu của tập đoàn.

Trong đó, khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và LNTT đạt lần lượt 6.488 tỷ đồng và 722 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 36% so với cùng kỳ. Trong đó, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm ghi nhận doanh thu đạt 4.268 tỷ đồng, tăng 30%; lợi nhuận trước thuế đạt 652 tỷ đồng, tăng 29%.

Khối Viễn thông ghi nhận doanh thu tăng 16%, đạt 4.939 tỷ đồng, LNTT đạt 857 tỷ đồng, tăng 16%.

Về cơ cấu lợi nhuận theo vùng địa lý, thị trường nước ngoài ghi nhận mức tăng trưởng 34%, tiếp tục là động lực quan trọng trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT.

Kết thúc 7 tháng đầu năm, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả tích cực với 4.650 tỷ đồng doanh thu, tăng 27% và 726 tỷ đồng LNTT, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài tăng từ mức 15% trong 7 tháng đầu năm 2017 lên mức 38% trong năm 2018.

Cùng với sự thay đổi chiến lược kinh doanh, vấn đề lớn của FPT đã thay đổi từ bán hàng sang đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho ngành công nghệ, viễn thông. FPT giải quyết bài toán nguồn nhân lực đang ở mức báo động đỏ theo hai hướng.

Cụ thể, đối với nhân lực chưa có kinh nghiệm, FPT chuẩn bị chương trình đào tạo để những người học thêm khối kỹ thuật có thể học thêm 12 – 18 tháng, trường hợp đặc biệt có thể rút xuống 9 tháng để tham gia làm phần mềm. Còn đối với các chuyên gia cao cấp hơn, dựa vào mạng lưới quan hệ FPT đang có, tập đoàn này sẽ thực hiện chương trình “bồ câu về tổ” và bổ sung nguồn nhân lực dựa vào các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).

Nếu giải quyết được bài toán này, FPT bên cạnh vai trò là doanh nghiệp đi đầu trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, sẽ tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh và kỳ vọng có những bước phát triển vượt bậc trong tương lai./.