Foxconn mở rộng đầu tư, hướng tới đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà cung cấp Apple Foxconn đầu tư 500 triệu USD vào Ấn Độ để đa dạng hóa chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc đồng thời công bố những khoản đầu tư mới vào các cơ sở sản xuất khác ở Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Văn phòng của Foxconn ở Trịnh Châu. Ảnh SCMP.
Văn phòng của Foxconn ở Trịnh Châu. Ảnh SCMP.

Foxconn Technology Group, nhà thầu lắp ráp lớn nhất của Apple đầu tư 500 triệu USD vào công ty con ở Ấn Độ trong kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau những biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc, làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại nhà máy iPhone hàng đầu ở thành phố trung tâm Trịnh Châu.

Động thái tăng dòng đầu tư vào Foxconn Hon Hai Technology India Mega Development Private Limited, được thực hiện thông qua chi nhánh Foxconn Singapore Pte Ltd của Foxconn liên quan đến việc mua hơn 4 tỉ cổ phiếu của công ty này, theo hồ sơ ngày 8/12 gửi lên Sở giao dịch chứng khoán Đài Loan.

Foxconn treo thưởng cho công nhân khi tình trạng thiếu iPhone hoành hành trong mùa lễ. Video SCMP.

Tiến trình rót vốn diễn ra khi hoạt động sản xuất tại nhà máy Trịnh Châu của Foxconn, nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, thường thuê đến 300,000 nhân viên trong mùa nghỉ lễ cuối năm nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng đã bị cản trở nghiêm trọng do hàng chục nghìn nhân viên rời đi, một số cuộc biểu tình của công nhân mới thuê bổ sung biến thành bạo lực.

Do sự gián đoạn của những biện pháp Zero – Covid-19, nhà máy chỉ sử dụng 20% ​​công suất sản xuất trong tháng 11, theo ước tính tuần trước của Kuo Ming-chi, nhà phân tích về Apple tại TF International Securities. Ông cũng cho rằng, tỷ lệ sử dụng nhân lực dự kiến ​​sẽ tăng trong tháng 12, nhưng chỉ ở mức từ 30 đến 40%.

Tầm quan trọng của khu liên hợp Trịnh Châu đối với Foxconn được nhấn mạnh trong một bức thư mà nhà sáng lập công ty Terry Gou gửi cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cách đây khoảng một tháng, kêu gọi chính phủ quốc gia này thay đổi chính sách Zero - Covid hoặc có nguy cơ mất vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, The Wall Street Journal đưa tin ngày 8/12.

Trong bối cảnh diễn ra những tình huống phức tạp tại "Thành phố iPhone" của Foxconn, Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp chuẩn bị sản xuất nhiều sản phẩm hơn bên ngoài Trung Quốc, tập trung vào Ấn Độ và Việt Nam, The Wall Street Journal đưa tin vào tuần trước.

Tháng 8/2022, Foxconn đã ký một thỏa thuận trị giá 300 triệu USD với một nhà phát triển Việt Nam để mở rộng một nhà máy địa phương mới, đồng thời có kế hoạch tăng gấp 4 lần lực lượng lao động tại nhà máy sản xuất iPhone ở Ấn Độ trong hai năm, theo một bản tin của Reuters.

Một cửa hàng Apple ở Chicago, Illinois. Ảnh: Getty Images/AFP

Một cửa hàng Apple ở Chicago, Illinois. Ảnh: Getty Images/AFP

Tuần trước, Foxconn công bố khoản đầu tư 58,98 triệu USD vào một công ty con ở Cộng hòa Séc, hiện đang sản xuất màn hình, điện thoại thông minh và máy chủ điện toán đám mây, đồng thời điều hành các trung tâm thiết kế, nghiên cứu và phát triển, theo hãng thông tấn CNA của Đài Loan.

Foxconn cũng cho biết, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư 1 tỉ nhân dân tệ (142 triệu USD) vốn mới vào cơ sở sản xuất ở Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc, như một “khoản đầu tư dài hạn”.

Mặc dù tiến hành các động thái đa dạng hóa hoạt động sản xuất của Foxconn, chủ tịch công ty Liu Young-way trong cuộc điện đàm báo cáo thu nhập tháng 11 cho biết, công ty có kế hoạch chi phần lớn nhất số vốn chi tiêu tăng cường tại Trung Quốc vào năm 2023.

Nhà máy Trịnh Châu của Foxconn cam kết thưởng cho công nhân khoản tiền thưởng lên tới 12.500 nhân dân tệ từ tháng 12 đến tháng 1 trong nỗ lực thuê bổ sung từ 100.000 đến 120.000 công, theo một bản tin ngày 9/12 của hãng truyền thông Trung Quốc Lifeweek, dẫn thông cáo báo chí của cơ quan tuyển dụng.

Bản tin này lặp lại một bài báo, đăng trên China Newsweek vào tháng 11, dẫn lời một "người phụ trách" giấu tên tại Foxconn cho biết, nhà máy cần khoảng 100.000 công nhân để tiếp tục sản xuất với đầy đủ công suất.

Công nhân trong bộ đồ bảo hộ tháo bỏ các dấu hiệu mã y tế sau khi chính phủ rút lại các biện pháp kiểm soát đại dịch tại lối vào một nhà ga đường sắt ở Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Ảnh: Reuters

Công nhân trong bộ đồ bảo hộ tháo bỏ các dấu hiệu mã y tế sau khi chính phủ rút lại các biện pháp kiểm soát đại dịch tại lối vào một nhà ga đường sắt ở Tây Ninh, tỉnh Thanh Hải. Ảnh: Reuters

Trong khuôn viên nhà máy Trịnh Châu của Foxconn đã có những dấu hiệu cho thấy, khu liên hợp có thể sớm chấm dứt hệ thống “vòng khép kín”, được áp đặt từ giữa tháng 10, yêu cầu công nhân phải luôn ở trong khuôn viên và đi theo những con đường được chỉ định để di chuyển giữa ký túc xá và khu vực làm việc.

Phóng viên South China Morning Post, dẫn nguồn từ một công nhân giấu tên cho biết, nhà máy gần đây đã tuyên bố với các công nhân, cho phép người lao động có thể quay trở lại những căn hộ cho thuê bên ngoài khuôn viên trong những ngày tới.

Một nhà máy khác của Foxconn ở Trịnh Châu, cách đó 30 km, đã dỡ bỏ các quy định cách ly ngày 8/12.

Kể từ đầu tháng 12, chính phủ Trung Quốc bắt đầu nới lỏng hầu hết các biện pháp kiểm soát đại dịch, bao gồm xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase thường xuyên và hạn chế đi lại giữa các thành phố.

Theo South China Morning Post