Festival nghề truyền thống Huế năm 2017: Tinh hoa nghề Việt

VietTimes -- Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt”, sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 2/5/2017 tại thành phố Huế, là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của cố đô Huế - Thành phố Festival của Việt Nam - Thành phố văn hóa ASEAN. 

Làng Sình chuẩn bị sản phẩm cho Festival Nghề truyền thống Huế. Ảnh: Thuathienhue.gov.vn.
Làng Sình chuẩn bị sản phẩm cho Festival Nghề truyền thống Huế. Ảnh: Thuathienhue.gov.vn.

Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Huế tổ chức họp báo về Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VII năm 2017 sáng nay (5/4).

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Huế Nguyễn Đăng Thạnh cho biết: UBND thành phố Huế thường xuyên tổ chức Festival nghề truyền thống nhằm khôi phục, gìn giữ và phát triển các nghề, làng nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch. Qua 6 kỳ tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế đã khẳng định thương hiệu và uy tín trong lòng công chúng và du khách. Hoạt động cũng thu hút sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa.

Festival nghề truyền thống Huế 2017 có các nội dung đa dạng, phong phú. Trong đó phải kể đến Lễ khai mạc và chương trình nghệ thuật chào mừng Festival Nghề truyền thống Huế 2017 tại sân khấu Bia Quốc Học; Không gian nghệ nhân và các làng nghề tập trung giới thiệu, trưng bày, thao diễn và kinh doanh các sản phẩm nghề truyền thống của các nghệ nhân Huế và các nghệ nhân tiêu biểu đến từ nhiều làng nghề nổi tiếng trong cả nước và quốc tế, đặc biệt có sự tham gia thao diễn, tạo hình sản phẩm và giao lưu giữa nghệ nhân với khách tham quan tại công viên Tứ Tượng, phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; Lễ tế Tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề: là nghi lễ tri ân và tôn vinh các giá trị nghề thủ công truyền thống Việt Nam, tôn vinh và ghi nhớ công lao của tiền nhân, vinh danh các làng nghề, các thế hệ nghệ nhân.

Ngoài ra, Festival còn có các hoạt động: Lễ hội Áo dài độc đáo; Tổ chức bình chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc sản lần thứ nhất; Hoạt động trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, các hiện vật cung đình, các bộ sưu tập độc đáo của các nhà sưu tập nổi tiếng trong suốt thời gian diễn ra Festival...  và Lễ hội ẩm thực: giới thiệu các món ngon, đặc sắc đến từ mọi miền đất nước dưới sự chế biến của các nghệ nhân ẩm thực tài hoa, khéo léo.

Festival 2017 gồm 13 nhóm nghề: Thêu, kim hoàn, mộc mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy, thanh tiên, Tranh làng Sình, Dệt-May, Mây tre, Pháp lam, các sản phẩm khác có thương hiệu và truyền thống lâu đời, với sự tham gia của trên của trên 300 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra còn có sự tham gia của các quốc  gia có các thành phố quan hệ kết nghĩa, hợp tác vớp Huế như Thành phố Takayama, thành phố Shizuoka, Công ty thêu Shuei (Nhật Bản) quận Dongnae, Thành phố Busan (Hàn Quốc), Công ty Lục Thuận Đại Tử Sa (Thành phố Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).

Đây là hoạt động thiết thực nhằm khôi phục, giữ gìn và phát triển các nghề và làng nghề thủ công truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch, UBND TP Huế đã tổ chức 6 lần Festival nghề truyền thống  và đã trở thành nơi hội tụ , trí tuệ và tài năng của các nghệ nhân đến tử các làng nghề của Thừa Thiên Huế và nhiều địa phương trong cả nước.