Fed và kịch bản lạm phát chữ U

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Luận điểm cho rằng tình trạng lạm phát hiện tại là hậu quả của một cú sốc cung đang trỗi dậy. Nó có thể khuyến khích sự tự mãn và qua đó khiến lạm phát - vốn đã nghiêm trọng - còn trở nên khó giải quyết hơn nhiều.
Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Project Syndicate)
Chủ tịch Fed Jerome Powell (Ảnh: Project Syndicate)

Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này cao hơn mức dự báo 6,2% mà các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones đưa ra. Diễn biến này khiến lạm phát vẫn tiếp tục là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà kinh tế học.

VietTimes trân trọng giới thiệu tới độc giả bài chuyển ngữ thể hiện quan điểm của nhà kinh tế học Mohamed A. El-Erian (Chủ tịch của Queen’s College tại ĐH Cambridge, giáo sư tại Trường Wharton thuộc ĐH Pennsylvania) mới được đăng tải trên tạp chí Project Syndicate về 3 kịch bản lạm phát trong năm 2023.

Gần 2 năm kể từ khi đợt lạm phát tăng bắt đầu, khái niệm “lạm phát tạm thời” lại bắt đầu quay trở lại khi những cú sốc chuỗi cung ứng do COVID-19 qua đi.

Điều này diễn ra ngay trong thời điểm mà giới chuyên gia cho rằng cần phải giữ thái độ cởi mở về hướng đi của lạm phát, trong đó cần phải tránh đưa ra nhận định chủ quan về lạm phát tạm thời bởi nó sẽ làm trầm trọng hơn những vấn đề của nền kinh tế Mỹ.

“Tạm thời” là cụm từ chỉ những hiện tượng ngắn hạn và có thể đảo chiều. Quan trọng hơn, khái niệm này khiến nhiều người cảm thấy không cần thiết phải thay đổi hành vi. Có nghĩa rằng, nếu như lạm phát chỉ là nhất thời, cách tốt nhất để đối phó với nó là chờ đợi nó qua đi. Đó là lý do mà tại sao cụm từ này lại đặc biệt nguy hiểm. Bằng cách khuyến khích sự tự mãn và trì trệ, nó có thể làm trầm trọng hóa một vấn đề vốn đã nghiêm trọng và khiến cho vấn đề khó được giải quyết hơn.

Phản ứng ban đầu của Fed trước lạm phát tăng chính là một trường hợp cụ thể của hành vi đó. Năm 2021, ngân hàng trung ương quyền lực và có tầm ảnh hưởng nhất thế giới đã nhanh chóng mô tả tình trạng lạm phát cao là “tạm thời”. Họ vẫn tin vào điều đó kể cả sau khi có dữ liệu chứng minh điều ngược lại, và chờ đợi quá lâu rồi mới hành động.

Dự đoán sai lầm liên tiếp của Fed đã làm chậm những phản ứng chính sách quan trọng ngay trong thời điểm lạm phát bắt đầu ảnh hưởng tới mặt bằng giá của doanh nghiệp và nhu cầu lương của người lao động. Hậu quả là, Fed không chỉ đánh mất uy tín mà còn gây ra nỗi đau không cần thiết đối với hàng triệu hộ gia đình Mỹ, đặc biệt là những bộ phận người dễ bị tổn thương.

Mặc dù vẫn có một vài nhà kinh tế học chưa từ bỏ luận điểm của họ về lạm phát tạm thời, phần lớn các nhà kinh tế học trong năm 2022 đã thừa nhận rằng lạm phát “tạm thời” chính là một sai lầm trong phân tích và chính sách. Bởi vậy mà thật khó hiểu khi ở thời điểm hiện tại, cụm từ này lại xuất hiện một lần nữa.

Một bài viết trang Politico mới đây nhấn mạnh rằng: “Ít nhất có một vài lý do để tin rằng, những nhà kinh tế học và hoạch định chính sách từng cho rằng lạm phát chỉ là nhất thời – trong đó có cả Chủ tịch Fed Jerome Powell – có thể đã đúng, mặc dù giai đoạn tạm thời đó lâu hơn và xấu xí hơn so với kỳ vọng.”

Không may thay, luận điểm này đã phớt lờ thực tế rằng cách phản ứng chậm chạp ban đầu của Fed đã buộc họ phải đưa ra những đợt nâng lãi suất quyết liệt chưa từng thấy, bao gồm 4 đợt nâng lãi suất thêm 0,75%. Hơn nữa, trong khi lạm phát ở Mỹ đang chậm lại, thì điều nguy hiểm chính là sự hiểu lầm rằng vấn đề đã qua đi.

3 kịch bản lạm phát

Viễn cảnh lạm phát năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ ra sao (?!).

Đầu tiên là giảm lạm phát một cách có trật tự, hay còn được các nhà phê bình gọi là “giảm lạm phát không tì vết”.

Trong viễn cảnh này, lạm phát tiếp tục giảm đều tới mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra mà không gây tổn hại tới đà tăng trưởng kinh tế hay việc làm. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ thị trường lao động, trong đó lương không tăng quá độ, trong khi hoạt động mạnh mẽ của nền kinh tế vẫn được duy trì. Khả năng diễn ra viễn cảnh này là khoảng 25%.

Viễn cảnh thứ hai là lạm phát trở nên ít co dãn. Tỷ lệ lạm phát tiếp tục giảm nhưng bị mắc kẹt ở mức 3-4% trong nửa sau của năm nay, khi mà giá cả hàng hóa ngừng giảm và lạm phát dịch vụ vẫn tăng.

Điều này buộc Fed phải lựa chọn: một là kìm hãm nền kinh tế để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%, điều chỉnh mục tiêu lạm phát sao cho phù hợp hơn với các điều kiện của nguồn cung đang thay đổi; hai là chờ đợi để xem liệu Mỹ có thể sống ổn với lạm phát 3-4% hay không. Mặc dù không rõ Fed sẽ đưa ra lựa chọn nào, nhưng khả năng xảy ra lạm phát ít co dãn là khoảng 50%.

Cuối cùng, cũng có khả năng xảy ra cái gọi là “lạm phát chữ U”: giá cả tăng trở lại vào cuối năm 2023 và sang cả năm 2024, khi mà nền kinh tế Trung Quốc phục hồi hoàn toàn và thị trường lao động khỏe mạnh của Mỹ làm tăng lạm phát dịch vụ và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn. Khả năng xảy ra viễn cảnh này là 25%.

Đây là những viễn cảnh có thể xảy ra, và không có viễn cảnh nào có khả năng xảy ra cao nhất, bởi vậy cần phải xem xét tất cả với sự thận trọng. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence H. Summers từng đưa ra nhận định về sự thận trọng đó: “Rất khó để hiểu được một nền kinh tế, theo như tôi nhớ”.

Sự bất trắc này đã được thể hiện rõ trong viễn cảnh ngắn hạn của hoạt động kinh tế, giá cả và chính sách tiền tệ, cũng như sự thay đổi dài hạn về cấu trúc như sự chuyển dịch sang năng lượng sạch, sự biến đổi của các chuỗi cung ứng toàn cầu, và bản chất đang thay đổi của toàn cầu hóa. Căng thẳng địa chính trị cũng đóng vai trò.

Dù cho điều gì xảy ra, thì tồi tệ nhất vẫn là sự tự mãn. Ông Powell, sau khi tin tưởng vào “lạm phát tạm thời” quá lâu, giờ đang cảnh báo về chính cụm từ đó. “Hiện đang có nhiều người kỳ vọng rằng lạm phát sẽ qua đi nhanh chóng và không gây hậu quả. Tôi không nghĩ rằng điều đó xảy ra. Nó sẽ cần thời gian. Và chúng tôi sẽ phải nâng thêm lãi suất…", Chủ tịch Fed cho biết./.

Theo Project Syndicate