Fed và chặng cuối trong hành trình chống lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ một cách quyết liệt, song vẫn còn quá sớm để tự mãn, theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers.

“Sẽ là thảm kịch nếu các ngân hàng trung ương sớm từ bỏ mục tiêu ổn định giá cả và chúng ta sẽ phải chiến đấu chống lạm phát tới hai lần”, ông Larry Summers phát biểu tại một hội thảo do CNBC bảo trợ hậu Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ là một trong số các nhà kinh tế học đã cảnh báo từ sớm và liên tục nhấn mạnh rằng các gói kích thích tài chính và kích thích tiền tệ khổng lồ mà chính phủ Mỹ đưa ra nhằm phản ứng trước tác động của đại dịch Covid-19 sẽ gây ra hậu quả cho nền kinh tế.

Theo vị chuyên gia này, về cơ bản, số tiền mà chính phủ Mỹ chi cho kích thích tài khóa và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và mua trái phiếu đã vượt quá mức cần thiết mà nền kinh tế cần để vượt qua đại dịch. Hệ quả, nền kinh tế Mỹ chứng kiến mức lạm phát cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.

Fed và các ngân hàng trung ương sau đó đã hành động một cách nhanh chóng. Điều này đã giúp lạm phát bắt đầu giảm từ mức đỉnh năm 2022.

Nhà kinh tế học, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers (Ảnh: Bloomberg)

Nhà kinh tế học, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers (Ảnh: Bloomberg)

“Những người theo chủ nghĩa dân túy đã thua trong các cuộc bầu cử và chấp nhận thất bại của mình, suy thoái chưa gõ cửa Châu Âu, Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách và lạm phát đã giảm tốc. Đó là tất cả những điều tích cực so với cách đây vài tháng", ông Larry Summers nói.

“Nhưng sự nhẹ nhõm không được trở thành sự tự mãn. Lạm phát đang giảm nhưng cũng là bởi các yếu tố nhất thời đã thúc đẩy nó trước đó và cũng như nhiều hành trình khác, chặng cuối thường là khó khăn nhất", cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh.

Giới chức Fed liên tục nói về sự cần thiết phải tăng lãi suất nhiều hơn, có thể nâng mức mục tiêu lên mức 5,25% đến 5,5% và giữ ở đó cho đến khi lạm phát bị đánh bại. "Đó chính xác là những gì Summers muốn thấy", theo Barron's.

Việc Fed kiên định với mục tiêu tăng lãi suất được cho là sẽ gây khó cho thị trường chứng khoán. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu Fed xoay trục quá sớm, theo Larry Summers, lạm phát sẽ quay trở lại và buộc phải có một đợt tăng lãi suất khác, có thể tàn khốc hơn trước.

Nhà kinh tế học này cũng cảnh báo về việc thế giới sẽ bị rung chuyển bởi một sự kiện tương đương với dịch Covid trong vòng 15 năm tới. "Thế giới hoàn toàn không chuẩn bị cho tình huống đó", ông nói./.

Nguồn tham khảo: CNBC, Barron's