Fed chính thức tăng lãi suất cơ bản 0,25%

Đúng như dự báo của giới tài chính, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa chính thức quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức 0,75-1%
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, lúc 2h sáng nay 16/3 (giờ Việt Nam), Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) thuộc Cục dự trữ liên bang Mỹ đã chính thức quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 0,75-1%, đây là lần tăng lãi suất thứ 2 của Fed trong vòng 3 tháng trở lại đây và là lần tăng thứ ba kể từ cuộc suy thoái kinh tế năm 2000.

Bà Janet Yellen, Chủ tịch FED phát biểu tại họp báo sau đó: “Thông điệp đơn giản là nền kinh tế đang vận hành tốt”. Thực tế, quyết định tăng lãi suất cơ bản của FED trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có những tín hiệu tích cực. Số liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố hồi cuối tuần trước cho thấy, trong ba tháng qua, bình quân mỗi tháng nền kinh tế Mỹ tạo ra được 209.000 việc làm mới, cao hơn khá nhiều so với con số 75.000 – 100.000 chỗ làm mới cần có mỗi tháng để đáp ứng yêu cầu của sự gia tăng dân số trong độ tuổi làm việc.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm thêm 0,1 điểm phần trăm, hiện ở mức 4,7% lực lượng lao động. Sau nhiều năm đình trệ, tiền lương cũng biến động tăng nhẹ. Mức lương bình quân theo giờ trong tháng 2/2017 đã tăng thêm 6 xu Mỹ/giờ, tương đương tăng 0,2%.

Có thể nói, sự cải thiện thị trường lao động và tiền lương là cơ sở quan trọng để FOMC quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm. FED dự kiến sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm hai lần nữa trong năm nay và duy trì thời kỳ siết chặt “dần dần” chính sách tiền tệ.

Quyết định này sẽ tác động trực tiếp đến giá trị đồng đô la Mỹ và ảnh hưởng đến tất cả các thị trường tài chính trên toàn cầu.

Hiện chỉ Dollar Index (chỉ số đo lương giá trị đồng đô la so với rổ các đồng tiền quan trọng khác) đang ở mức 100.740 điểm giảm nhẹ 0,96 điểm, nguyên nhân bởi thông tin ECB đang xem xét  khả năng  tăng lãi suất đồng Euro sau thời gian dài thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng.

 Bên cạnh đó, giá vàng cũng có biến động nhất định. Hai tuần qua, dự báo mức tăng lãi suất của FED đã được phản ánh vào giá vàng bán ra. Giá vàng giao tháng 4 trên sàn Comex đã tăng 10 USD/ounce lên mức 1.212,6 USD/ounce.

Trước đây, những đợt tăng lãi suất của Mỹ thường tạo ảnh hưởng không mấy tích cực tới diễn biến TTCK thế giới cũng như Việt Nam.

Nhiều người đã bày tỏ lo lắng quá mức việc này sẽ ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam, tôi xin chia sẻ nhận định của cá nhân tôi và một người bạn là kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới về vấn đề này.

Thứ nhất, Việc tăng lãi suất của FED sẽ tác động đến nợ và trả nợ, lãi suất và tỷ giá đồng đô la tăng sẽ làm chi phí trả nợ tăng. Tuy nhiên mấy năm gần đây Việt Nam đã thành công trong việc chuyển cơ cấu nợ, tăng nợ tiền đồng từ 39% năm 2011 lên 57% năm 2015, nợ bằng USD chỉ còn chiếm 16% trong danh mục nợ.

Thứ hai, lãi suất tăng sẽ tác động đến xuất khẩu. Thị trường Mỹ chiếm khoảng 22% xuất khẩu là thị trường lớn nhất, chủ yếu là các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may da giày, nhìn tổng thể Việt Nam ít nhiều hưởng lợi và có thể khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu do đồng đô la lên giá.

Thứ ba, lãi suất FED tăng và USD tăng sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư gián tiếp, tuy nhiên chỉ một số quỹ ETF sẽ bị phản ứng tiêu cực ngay, còn các quỹ Nước ngoài khác khi đầu tư vào Việt Nam phần lớn ở dạng quỹ đóng nên không dễ để dịch chuyển dòng vốn. Nhà đầu tư trực tiếp quan tâm tới lợi thế dài hạn của thị trường nội địa 90 triệu dân và các lợi thế so sánh của Việt Nam với các khu vực khác, cũng như chiến lược lâu dài toàn cầu của các công ty đa quốc gia nên cũng không ảnh hưởng nhiều.

Thứ tư, tỷ giá tăng và kỳ vọng tăng tác động đến lạm phát, vì Việt Nam nhập khẩu hàng tiêu dùng. Tuy nhiên thực tế đồng đô la tăng trong thời gian qua nhưng lạm phát vẫn thấp do chính phủ đã kiểm soát tốt những yếu tố khác tác động đến lạm phát.

Thứ năm, ảnh hưởng tiêu cực do lãi suất Ngân hàng vay tiền đồng tăng, tuy nhiên thực tế thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng hiện đang dồi dào sẽ không ảnh hưởng nhiều.

Thứ sáu, ảnh hưởng đáng kể nhất và khó kiểm soát được là hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang nợ đô la sẽ giảm, và nếu Chính phủ hoặc doanh nghiệp có ý định phát hành trái phiếu bằng đô la thì chi phí phát hành sẽ tăng cao.

Việc FED tăng lãi suất trong tháng 3 sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam nhưng thực sự không đáng ngại.

 Ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI)