FDI xuất siêu 7,1 tỷ USD, trong nước nhập siêu 5,6 tỷ USD

VietTimes -- Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2016 của Tổng cục Thống kê ước tính kinh tế Việt Nam đã xuất siêu 1,46 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 52,87 USD và nhập khẩu ước đạt 51,41 tỷ USD. Tính riêng tháng 4/2016, Việt Nam đã xuất siêu 100 triệu USD.
FDI xuất siêu 7,1 tỷ USD, trong nước nhập siêu 5,6 tỷ USD

Báo cáo tiếp tục chỉ ra một vấn đề cố hữu trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam lâu nay, khi việc xuất siêu trong 4 tháng đầu năm này vẫn nhờ chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, xuất siêu 7,1 tỷ USD trong khi khu vực trong nước tiếp tục nhập siêu 5,6 tỷ USD.

 So với tháng 3/2016, số ngày làm việc của tháng 4 ít hơn nên kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm hơn so với tháng trước.

Cụ thể, so với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu giảm 6,7% tương đương 1 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 9,98 tỷ USD, giảm 8,5%; khu vực đầu tư trong nước đạt 4,12 tỷ USD, giảm 2,1%.

Tính chung 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 52,9 tỷ USD - tăng 6,0%, trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 7,3%, khu vực đầu tư trong nước tăng 2,9%.

Đối với hoạt động nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 giảm 3,4% - tương đương 493 triệu USD, trong đó khu vực đầu tư nước ngoài đạt 8,2 tỷ USD - giảm 6% tương đương 519 triệu USD, khu vực đầu tư trong nước tăng nhẹ với 0,4%.

Tính chung 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 51,4 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. 

Trong đó, khu vực đầu tư nước ngoài đạt 30,7 tỷ USD, giảm 1,4%; khu vực đầu tư trong nước đạt 20,7 tỷ USD, giảm 0,8%.

Một số mặt hàng có kim ngạch giảm mạnh như: Máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng giảm 8,9%, sản phẩm từ sắt thép giảm 41,3%; phương tiện vận tải khác giảm 58,3%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 6,9%.

Ở phía ngược lại, kim ngạch một số mặt hàng vẫn tăng mạnh như điện tử máy tính và linh kiện tăng 16,3%, tương đương 1,2 tỷ USD.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 4 tháng đầu năm, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 11,4 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU với 10,3 tỷ USD, tăng 10,4%; Trung Quốc đạt 5,8 tỷ USD, tăng 16,5%; Hàn Quốc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 36,5%. Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 5,4 tỷ USD, giảm 13,5%; Nhật Bản đạt 4,5 tỷ USD, giảm 0,2%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch 14,7 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước[13]; ASEAN đạt 7,5 tỷ USD, giảm 3,5%; Nhật Bản đạt 4,3 tỷ USD, giảm 8,8%; EU đạt 3 tỷ USD, giảm 9,5%; Hoa Kỳ đạt 2,4 tỷ USD, giảm 0,1%; riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 9,5 tỷ USD, tăng 6,7%.

X.T