Facebook và YouTube đau đầu vì một đoạn video thuyết âm mưu được cộng đồng mạng lan truyền

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đoạn clip hiện có hơn 1,8 triệu lượt xem và 150.000 lượt chia sẻ trên Facebook
Đoạn video thuyết âm mưu được lan truyền chóng mặt trên Facebook và YouTube những ngày qua (Ảnh: Technology Review)
Đoạn video thuyết âm mưu được lan truyền chóng mặt trên Facebook và YouTube những ngày qua (Ảnh: Technology Review)

Một đoạn clip dài 25 phút trích từ một bộ phim tài liệu sắp ra mắt, với sự góp mặt của một nhà lý luận thuyết âm mưu anti-vaccine nổi tiếng thế giới, đã có hàng triệu lượt xem trong tuần qua trên các mạng xã hội, trước khi Facebook và YouTube quyết định xóa bỏ nó khỏi nền tảng của họ. Hôm thứ năm tuần trước, Facebook cho biết đoạn phim tài liệu đã vi phạm các chính sách khi truyền bá những nội dung tiềm ẩn nguy cơ cao, rằng mang khẩu trang có thể khiến bạn bị ốm. Theo trang DigitalTrends, đoạn clip hiện có hơn 1,8 triệu lượt xem và 150.000 lượt chia sẻ trên Facebook. Nó còn được xem hàng triệu lần trên YouTube trước khi bị xóa bỏ vì vi phạm chính sách liên quan đến phát tán thông tin sai lệch về COVID-19.

Được biết, các nhà hoạt động anti-vaccine đã thu hút được hàng triệu lượt xem trên các nền tảng truyền thông xã hội thông qua truyền bá thuyết âm mưu về COVID-19. Vụ việc lần này cũng không phải là một điều bất ngờ: các nhà hoạt động anti-vaccine tìm cách tiếp cận đến các đối tượng khán giả rộng hơn ngay giữa thời điểm dịch bùng phát trở lại thông qua những thủ thuật tương tự như lợi dụng các YouTuber nổi tiếng dùng để tăng lượt xem. Họ thực hiện các cuộc phỏng vấn với các YouTuber nổi tiếng, thâm nhập vào các trào lưu đang hot, khuyến khích fan tăng cường chia sẻ thông điệp và tạo dựng sự hiện diện trên mọi nền tảng xã hội. Renee DiResta, một nhà nghiên cứu tại Phòng quan sát Internet Stanford, chuyên phụ trách đấu tranh ngăn chặn loại hình phát tán thông tin sai lệch cho biết trong tuần qua các nhà hoạt động anti-vaccine đã tích cực reo rắc những thông tin không đúng sự thật đến nhiều người.

Khi các video của "Plademic" bắt đầu biến mất khỏi YouTube, những người ủng hộ đã đăng lên Twitter kêu oan rằng những kiểm duyệt đó không công bằng. Bộ phim tài liệu này sau đó đã trở thành một hastag nổi như cồn hôm thứ 5, thu hút thêm nhiều sự chú ý, phẫn nộ, lẫn những sự quan tâm từ giới truyền thông.

Nguy hiểm tiềm tàng

"Plandemic", cùng với các video thuyết âm mưu khác, có chứa nhiều khẳng định không đúng sự thực, có thể khiến mọi người thử những phương pháp điều trị không hiệu quả, đôi lúc còn nguy hiểm, hoặc khuyến khích mọi người bỏ qua những hướng dẫn y tế cộng đồng. Judy Mikovits, một nhân vật anti-vaccine nổi tiếng xuất hiện trong "Plandemic", nói với YouTuber Patrick Bet-David trong một cuộc thảo luận hồi tuần trước rằng một loại vaccine cúm từ giữa những năm 2010 là nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19, rằng đeo khẩu trang sẽ làm kích hoạt virus trong cơ thể, và rằng Anthony Fauci nên bị khép vào tội phản quốc.

Làm thế nào để ngăn chặn nó

Các chuyên gia từng nói rằng một số giải pháp đang được thực hiện bởi các nền tảng, như xóa bỏ các nội dung truyền bá thông tin sai lệch hay các quan điểm cực đoan, đề cao các thông tin đáng tin cậy trong các nội dung đề xuất và tìm kiếm, và cung cấp các hộp thông tin trong các video hoặc bài viết có các thông tin quan trọng. Tuy nhiên các nền tảng lớn như YouTube và Facebook đã và đang gặp khó khăn trong việc áp dụng những chính sách đó một cách nhanh nhạy nhằm ngăn chặn các video như "Plandemic" bị chia sẻ và xem rộng rãi. Còn có một thách thức khác: thông tin sai lệch, đặc biệt là thông tin sai lệch về y tế sẽ được phát tán rất nhanh khi có quá ít hoặc không có những thông tin đáng tin cậy tương ứng.

Đây là một vấn đề đáng báo động trong đợt đại dịch, khi mà các bác sỹ và các nhà khoa học vẫn đang chạy đua để xử lý một bệnh dịch mà mới 6 tháng trước đây thôi chưa hề tồn tại. Nếu các nhà lý luận thuyết âm mưu là những kẻ đứng đằng sau hầu hết các nội dung liên quan đến những ý tưởng hay từ khóa tìm kiếm cụ thể, thì mọi người khi tìm kiếm những từ khóa đó vì tò mò vô tình sẽ bị cuốn vào một loạt các nội dung đến từ các nguồn không đáng tin cậy, bởi đây là thuật toán hoạt động của các công cụ tìm kiếm.

Một số bác sỹ đã có những hành động nhằm xử lý những thông tin sai lệch này: họ biến mình trở thành những người có tầm ảnh hưởng, tự mình giải đáp những thông tin sai lệch cho những người theo dõi họ trên các nền tảng mạng xã hội, nơi các thông tin không đúng đang được phát tán. Zubin Damania, một bác sỹ và là một YouTuber đã đăng tải một đoạn video với tiêu đề "A Doctor Reacts To Plandemic" (tạm dịch: Một bác sỹ phản ứng với Plandemic) lên kênh YouTube của ông hồi đầu tuần này.

Trong đoạn video ông nói:" Thật điên rồ. Đừng phí phạm thời gian xem nó (Plandemic). Đừng phí phạm thời gian chia sẻ nó. Đừng phí phạm thời gian nói về nó. Tôi không thể tin được tôi đang phí phạm thời gian làm điều này. Nhưng tôi chỉ muốn mọi người đừng nhắn tin hỏi tôi về nó nữa". Video của Damania hiện đã có hơn 1,3 triệu lượt xem.

Theo Technology Review