EU trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Nga, lãnh đạo 2 nước cộng hòa ly khai yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine tiếp tục có những diễn biến mới: EU quyết định trừng phạt nhiều cá nhân và tập thể Nga, Ukraine ban bố tình trạng khẩn cấp, lãnh đạo khu vực ly khai yêu cầu Nga hỗ trợ quân sự.
Ukraine sẽ áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ hôm nay, 24/2 (Ảnh: Đông Phương).
Ukraine sẽ áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc từ hôm nay, 24/2 (Ảnh: Đông Phương).

EU đưa danh sách trừng phạt 555 cá nhân và 52 thực thể Nga

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 24/2, Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Tư (23/2) đã đưa tổng cộng 555 người và 52 thực thể, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova, vào danh sách trừng phạt.

EU cáo buộc họ “đã hỗ trợ cá nhân trong việc gây nguy hại cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó tuyên bố rằng ông Shoigu phải chịu trách nhiệm về việc chủ động hỗ trợ các hành động liên quan và thực hiện các chính sách; bà Zakharova được coi là nhân vật trung tâm về tuyên truyền của nhà nước, thúc đẩy việc triển khai quân đội Nga vào Ukraine. Ngoài ra, Margarita Simonyan, Tổng biên tập của Russia Today (RT) cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt vì đã có thái độ tích cực đối với việc Nga sáp nhập Crimea và ủng hộ các hành động của những người ly khai Donbass ở miền đông Ukraine.

Bà Maria Zakharova (trái) và ông Sergey Shoigu bị EU đưa vào danh sách các cá nhân và thực thể Nga bị trừng phạt (Ảnh: Đông Phương).

Bà Maria Zakharova (trái) và ông Sergey Shoigu bị EU đưa vào danh sách các cá nhân và thực thể Nga bị trừng phạt (Ảnh: Đông Phương).

Các biện pháp trừng phạt của EU lần này nhằm vào việc Nga công nhận hai khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine là các quốc gia độc lập có chủ quyền và đưa quân đội tới đó, nhằm trừng phạt những cá nhân và thực thể liên quan mật thiết đến Tổng thống Nga Putin. Các công dân và tổ chức trong EU bị cấm chuyển tiền cho những cá nhân và thực thể trong danh sách trừng phạt, tài sản của những người và thực thể này ở EU cũng bị phong tỏa. Ngoài ra, những người có tên trong danh sách không được phép nhập cảnh vào các nước thành viên EU.

Sáng Thứ Năm (ngày 24/2) theo giờ địa phương Quốc hội Ukraine đã thông qua dự thảo luật về việc thực hiện tình trạng khẩn cấp quốc gia đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine đệ trình hôm 23. Phạm vi thực thi tình trạng khẩn cấp trong khoảng thời gian 30 ngày này không bao gồm các khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine do các lực lượng thân Nga kiểm soát. Theo luật liên quan, tổng thống có thể gia hạn tình trạng khẩn cấp nếu cần thiết, nhưng không quá 30 ngày. Ông Danilov, Tổng thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine, cho biết mức độ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp có thể khác nhau giữa các khu vực.

Binh sĩ Ukraine triển khai ở tuyến tiếp giáp khu vực ly khai (Ảnh: Sohu).

Binh sĩ Ukraine triển khai ở tuyến tiếp giáp khu vực ly khai (Ảnh: Sohu).

Trong tình trạng khẩn cấp, chính quyền có thể áp dụng các biện pháp bao gồm: chế độ xuất nhập cảnh đặc biệt, hạn chế tự do đi lại; kiểm soát giao thông và kiểm tra phương tiện; tăng cường cơ sở vật chất để bảo vệ trật tự công cộng và bảo vệ cuộc sống của người dân; nghiêm cấm các cuộc mít tinh, biểu tình, đình công, thi đấu thể thao và các hoạt động tập thể khác; áp dụng lệnh giới nghiêm; kiểm tra giấy tờ tùy thân khi cần thiết, khám xét vật dụng cá nhân, không gian văn phòng và nhà ở của công dân; hạn chế bán vũ khí và bia rượu; tịch thu súng và đạn đã được đăng ký của công dân; điều chỉnh các chương trình truyền hình và đài phát thanh tư nhân; cấm làm và đưa các thông tin có thể phá hoại tình hình và áp đặt các hạn chế đặc biệt đối với việc giao tiếp và truyền dữ liệu qua máy tính.

DPR và LPR gửi thư yêu cầu ông Putin hỗ trợ quân sự

Hai nước cộng hòa Donetsk và Luhansk (DPR và LPR) ở miền đông Ukraine, được Nga công nhận là các quốc gia độc lập và có chủ quyền, hôm thứ Tư (23/2) đã yêu cầu Moscow hỗ trợ quân sự “để chống lại sự xâm lược của quân đội Ukraine”.

Hai nhà lãnh đạo Leonid Pasechnik (LPR, bên trái) và Denis Pushilin (DPR) đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Nga Putin hỗ trợ quân sự (Ảnh: Đông Phương)

Hai nhà lãnh đạo Leonid Pasechnik (LPR, bên trái) và Denis Pushilin (DPR) đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Nga Putin hỗ trợ quân sự (Ảnh: Đông Phương)

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận được thư từ nhà lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Luhansk Leonid Pasechnik và nhà lãnh đạo Cộng hòa nhân dân Donetsk Denis Pushilin. Hai ông này nói, tình hình ở khu vực Donbass vẫn rất căng thẳng, dân chúng tiếp tục chạy khỏi khu vực này; nói rằng "các hành động của chế độ Kiev chứng tỏ họ không muốn kết thúc chiến tranh ở khu vực Donbass và muốn giải quyết xung đột bằng vũ lực."

Ông Pushilin nói "sự hung hăng của Ukraine đang gia tăng", cho biết có sự gia tăng số vụ pháo kích vào các cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng trong khu vực, khiến 300.000 người không có nước sử dụng sau khi các nhà máy nước chính bị nã pháo. Ông Pushilin nói Ukraine đang tiếp tục tiến hành cuộc "diệt chủng" dân thường ở vùng Donbass, cho đến nay đã có hơn 40.000 người buộc phải đi lánh nạn.

Bức thư viết tiếp: "Qua xem xét các tình huống nêu trên, các nhà lãnh đạo của hai nước cộng hòa, xuất phát từ tình hình hiện tại, và để ngăn chặn thương vong của dân chúng và thảm họa nhân đạo, căn cứ theo Điều 3 và Điều 4 của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ lẫn nhau giữa Liên bang Nga và các nước Cộng hòa, đề nghị Tổng thống Nga hỗ trợ đẩy lùi sự xâm lược của Lực lượng vũ trang Ukraine.”

Đường ống dẫn nước ở Donbass bị trúng đạn pháo gây mất nước (Ảnh: Sputnik).

Đường ống dẫn nước ở Donbass bị trúng đạn pháo gây mất nước (Ảnh: Sputnik).

Peskov nói thêm rằng các nhà lãnh đạo của hai nước cộng hòa một lần nữa đại diện cho chính họ và nhân dân nước mình, cảm ơn Tổng thống Putin đã công nhận nhà nước của họ.

Ngay sau khi thông tin này được đưa ra, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Kuleba vào đầu giờ ngày thứ Năm (24) đã lên tiếng, cho rằng hành động của các nhà lãnh đạo Donetsk và Luhansk gửi thư cho Moscow yêu cầu hỗ trợ quân sự đã “làm leo thang thêm tình hình an ninh” và tuyên bố Ukraine yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc triệu tập hội nghị khẩn cấp để thảo luận về vấn đề này.