EU tập "cai nghiện" khí đốt Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lo rằng Nga dừng nguồn cung khí đốt trong mùa Đông năm nay, EU trong ngày 26/7 đã nhất trí hạn chế tiêu thụ khí đốt bắt đầu từ tuần tới.
Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Eiterfeld, Đức (Ảnh: AP)
Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Eiterfeld, Đức (Ảnh: AP)

Thỏa thuận mới này nêu bật khả năng đạt được sự đồng thuận trong khối EU và là một bước đi quan trọng để kiểm soát sự phụ thuộc của họ đối với năng lượng Nga, vượt qua những bất đồng để đối mặt với lời đe dọa từ Moscow, tờ New York Times đưa ra nhận định.

“Ngày hôm nay, EU đã có một bước đi quả quyết để đối diện với mối đe dọa bị cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt bởi ông Putin,” bà Ursula von der Layen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, nói trong một tuyên bố đưa ra ngay sau khi thỏa thuận đạt được.

Ở thời điểm hiện tại, việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt – với mục tiêu 15% vào thời điểm mùa Xuân năm sau – sẽ mang tính chất tự nguyện, nhưng có thể sẽ là bắt buộc nếu xảy ra tình trạng cạn nguồn cung – hay Nga cắt nguồn cung một cách đột ngột. Mục tiêu này đạt được bằng cách nào còn tùy thuộc vào mỗi nước thành viên, nhưng các nước này sẽ phải đưa ra hành động ngay lập tức – có thể bắt đầu bằng việc kêu gọi người dân thay đổi thói quen sử dụng lò sưởi hay điều hòa nhiệt độ trong nhà họ.

Bà von der Leyen nói rằng bằng việc chung tay hành động, EU đã “giữ vững được các nền tảng vững chắc của sự đoàn kết giữa các nước thành viên khi phải đối mặt với lời hăm dọa năng lượng của Putin.”

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: EPA)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (Ảnh: EPA)

Trong lúc thảo luận, Ủy ban châu Âu đã đề nghị các nước ít bị phụ thuộc hơn vào năng lượng Nga chia sẻ gánh nặng cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ.

Dòng chảy khí đốt của Nga, vốn cung cấp 40% lượng khí đốt mà EU tiêu thụ, giờ chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình trong tháng 6. Các cơ sở dự trữ khí đốt ở châu Âu, thường ở trạng thái gần đầy vào thời điểm này trong năm để chuẩn bị cho mùa Đông, giờ không đủ để ứng phó với tình trạng thiếu nguồn cung có thể xảy ra. Các nước châu Âu chủ yếu dùng khí đốt để sản xuất điện năng cho các hộ gia đình, ngoài ra còn sử dụng cho các ngành công nghiệp, đặc biệt là để cung cấp cho hệ thống sưởi trong nhà dân.

Khí đốt của Nga chiếm tới 1/4 các loại năng lượng mà EU sử dụng, trong đó một số quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng Nga so với các nước khác. Trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, 55% lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu là đến từ Nga. Trong vài tháng qua, nước này đã giảm con số trên xuống còn 30%.

Thỏa thuận mới của EU xuất hiện chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức, khách hàng châu Âu lớn nhất của họ, thông qua đường ống dẫn Nord Stream 1. Động thái mới diễn ra chỉ chưa đầy một tuần sau khi đường ống này tạm ngừng hoạt động để bảo dưỡng.

“Chiến tranh khí đốt”

Trước cuộc họp tại Brussels, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga khuấy động “một cuộc chiến tranh khí đốt” nhằm vào “châu Âu đoàn kết”, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo không nhượng bộ trước lời đe dọa của Nga.

Văn phòng của Gazprom tại St Petersburg (Ảnh: AP)

Văn phòng của Gazprom tại St Petersburg (Ảnh: AP)

Mặc dù thỏa thuận mới của EU không yêu cầu sự đồng thuận của 27 nước thành viên, nhưng các nhà ngoại giao tham gia vào quá trình đàm phán nói rằng đến cuối buổi họp có duy nhất 1 quốc gia không ủng hộ thỏa thuận – đó là Hungary.

Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, EU đã đồng thuận về việc áp dụng các đòn trừng phạt với Moscow. Họ đã cấm hoàn toàn than đá của Nga, có hiệu lực từ ngày 1/8, và sẽ cấm phần lớn dầu của Nga vào cuối năm nay. Nhưng lệnh cấm dầu Nga trên thực tế là một biện pháp đau đớn, khi mà Hungary – vẫn duy trì quan hệ nồng ấm với Moscow – cố gắng tách mình khỏi tương lai có thể thấy trước.

Đề xuất ban đầu mà Ủy ban châu Âu đưa ra hồi tuần trước được xem là một kế hoạch thiếu linh hoạt trong việc cắt giảm tiêu thụ năng lượng ở toàn khối. Kế hoạch này báo trước về một số trường hợp ngoại lệ, và đặt Ủy ban châu Âu vào vị trí có thể kích hoạt tình trạng khẩn cấp, hoặc áp dụng biện pháp cắt giảm tiêu thụ một cách bắt buộc.

Gây tranh cãi hơn, đề xuất này yêu cầu các nước ít bị phụ thuộc vào khí đốt của Nga hoặc đã có kế hoạch tiết kiệm năng lượng đầy tham vọng phải chia sẻ gánh nặng cắt giảm tiêu thụ, để giúp các nước chịu phụ thuộc nhiều hơn.

Giới phê bình cho rằng đề xuất này sẽ chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế lớn nhất của khối, Đức, vốn là nước rất phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Một nhà máy khí hóa lỏng của Ba Lan đặt tại Swinoujscie (Ảnh: AP)

Một nhà máy khí hóa lỏng của Ba Lan đặt tại Swinoujscie (Ảnh: AP)

Sự đoàn kết của EU

Theo đánh giá của New York Times, EU lần này dường như giải quyết vấn đề một cách hết sức đoàn kết, điều khá hiếm khi xảy ra trước đây.

Các Bộ trưởng Năng lượng của EU thảo luận ở Brussels trong sáng ngày 26/7 đã bước ra khỏi vòng họp sau 5 giờ đồng hồ, với một thỏa thuận dường như giải quyết được hết các mối quan ngại của mỗi nước mà không ảnh hưởng tới mục tiêu chính trị - cắt giảm tiêu thụ khí đốt và ngăn chặn mối đe dọa năng lượng của ông Putin.

Kế hoạch này sẽ miễn trừ một số nước gồm Ireland, Cyprus và Malta, là những quốc đảo được đánh giá là khó có khả năng tìm các nguồn năng lượng thay thế trong trường hợp thiếu hụt, bởi họ không được kết nối với đường ống dẫn trên lục địa. 3 quốc gia này có tổng dân số khoảng 7 triệu người – trong khi dân số toàn EU là 450 triệu người – nên chỉ đại diện cho một lượng nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ khí đốt.

Các trường hợp miễn trừ khác sẽ được xác định tùy theo tình hình cụ thể trong tương lai. Các nước thuộc vùng Baltic – Estonia, Lithuania và Latvia – đều có mạng lưới điện kết nối với Nga, và nếu Nga ngắt họ khỏi mạng lưới, các nước này sẽ không cần phải giảm lượng tiêu thụ khí đốt, theo như thỏa thuận của EU.

Các quốc gia đã vượt mục tiêu dự trữ năng lượng, như Ba Lan và Italy, có thể yêu cầu được bồi thường bằng cách cắt giảm tiêu thụ ít hơn, mặc dù việc miễn trừ này sẽ không được tự động kích hoạt.

Ngoài ra, các nước thành viên sẽ không được phép đầu cơ khí đốt, dự trữ trong các cơ sở của họ trong khi nhiều nước khác hứng chịu tình trạng thiếu hụt. Các nước EU đã nhất trí chia sẻ lượng khí đốt của họ cho nhau, và giải cứu lẫn nhau nếu một nước chịu tình trạng khan nguồn cung.

Giới chức châu Âu nói rằng kế hoạch ban đầu của Ủy ban châu Âu đặt mục tiêu giúp EU sống sót qua một mùa Đông rất khắc nghiệt năm nay mà không cần nhập khẩu khí đốt của Nga, bằng cách giảm lượng tiêu thụ khí đốt tới 45 tỉ mét khối. Trong khi kế hoạch mới được thỏa thuận sẽ giúp EU sống sót qua một mùa Đông bình thường, sử dụng ít khí đốt nhập từ Nga, bằng cách giảm lượng tiêu thụ khí đốt khoảng 30 tỉ mét khối.

Nguồn tham khảo: New York Times