EU: Lạm phát cao khiến nhiều người thiếu ăn, ngân hàng thực phẩm quá tải

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhu cầu sử dụng ngân hàng thực phẩm ở khắp châu Âu tăng mạnh, khiến một số cơ sở buộc phải ngừng tiếp nhận thêm thành viên.
Một tình nguyện viên đang sắp xếp thực phẩm vào các giỏ hàng tại Bochum, Đức (Ảnh: AFP)
Một tình nguyện viên đang sắp xếp thực phẩm vào các giỏ hàng tại Bochum, Đức (Ảnh: AFP)

Không có việc làm, giao tiếp được ít, Olena Vinykova phải dựa vào ngân hàng thực phẩm (food bank) để đương đầu với tình cảnh hết sức khó khăn sau khi tháo chạy khỏi Ukraine đến Đức cách đây 7 tháng. Nếu bà đến muộn hơn, tình hình thậm chí còn có thể tồi tệ hơn.

Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng đột biến khiến cho hàng triệu người dân ở Đức chật vật đảm bảo khẩu phần ăn, buộc nhiều ngân hàng thực phẩm phải khước từ tiếp nhận hàng nghìn người đăng ký mới. Trong số đó có cả ngân hàng thực phẩm mà bà Vinykova thường đến ở Friedburg, cách Frankfurt khoảng 15 dặm về phía Bắc.

Trên khắp châu Âu, việc người dân tìm tới ngân hàng thực phẩm ngày càng tăng cao do lạm phát đạt mức cao kỷ lục trong suốt nhiều thập kỷ, gây ảnh hưởng nặng nề bộ phận nghèo nhất, những người phải chi một phần lớn thu nhập hàng ngày của họ để chi trả cho năng lượng và thực phẩm.

Các quỹ từ thiện, từ ở Tây Ban Nha cho đến Latvia, báo cáo nhu cầu sử dụng ngân hàng thực phẩm đã tăng 20-30% so với năm ngoái và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong mùa Đông năm nay. Ở Bulgaria, một trong số những nước nghèo nhất trong khối EU, tỷ lệ người dân sử dụng ngân hàng thực phẩm quốc gia đã tăng tới 3/4 trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 10, theo Giám đốc ngân hàng thực phẩm nước này, Tzanka Milanova.

“Lạm phát đang ăn mòn túi tiền của người dân,” Mmilanova nói. “Có thêm nhiều người bị rơi xuống dưới mức nghèo.”

Các cơ quan chính phủ của Bulgaria đã cạn kiệt ngân sách để viện trợ thực phẩm, buộc các quỹ từ thiện của nước này phải tự biến mình thành các ngân hàng thực phẩm.

Hơn 1/3 trên tổng số 962 ngân hàng thực phẩm của Đức – còn gọi là Tafel – đã ngừng tiếp nhận thêm người mới, sau khi tiếp nhận hơn 2 triệu người. Đây là lần đầu tiên mà nhiều ngân hàng thực phẩm phải đưa ra bước đi này, sau khi nhu cầu sử dụng tăng hơn 50% trong năm nay để được tiếp cận với các mặt hàng như hoa quả, rau củ, bánh mì và nhiều mặt hàng khác.

“Chúng tôi có thể có thể có lượng khách hàng tăng gấp đôi nếu như tiếp nhận bất cứ ai đề nghị,” theo Peter Radl, chủ tịch của ngân hàng thực phẩm Friedberg, bên cung cấp một giỏ hàng hóa cứ mỗi 2 tuần 1 lần cho khoảng 700 gia đình, trong số đó có khoảng 130 gia đình đến từ Ukraine. “Nhưng không gian có hạn, chúng tôi có tổng cộng 120 giỏ, trong khi số lượng tình nguyện viên lại hạn chế.”

“Thật bất ngờ khi mà một nước giàu như Đức lại có quá nhiều người không thể tự nuôi sống bản thân họ một cách đầy đủ,” Katja Bernhard, thành viên điều hành của hiệp hội ngân hàng thực phẩm vùng Hesse, nói.

Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cao, do cuộc chiến ở Ukraine, đã đẩy hơn 1/4 dân số Đức vào chỗ “nghèo nhiên liệu” – tức là khi mà một người chi tiêu hơn 10% tổng thu nhập của họ cho năng lượng – trong khi con số người ở tình trạng này trong năm ngoái chỉ là 14,5%, theo hội đồng chuyên gia kinh tế nước này.

Hơn 1/5 dân số toàn EU trong năm ngoái không đủ khả năng để làm ấm ngôi nhà của họ một cách đầy đủ, trước khi đợt tăng giá năng lượng mới nhất xảy ra, theo dữ liệu từ Eurostat, cơ quan thống kê của EU.

Trong tháng 11 năm nay, đà tăng giá trong khu vực eurozone đã giảm lần đầu tiên trong 17 tháng, từ mức 10,6% xuống 10%. Nhưng đó chỉ là sự xoa dịu quá nhỏ bé đối với những người đang phải chật vật đảm bảo bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là khi mức lương trung bình chỉ tăng có 4% trong năm ngoái.

Peter Radl, chủ tịch ngân hàng thực phẩm Friedberg (Ảnh: FT)

Peter Radl, chủ tịch ngân hàng thực phẩm Friedberg (Ảnh: FT)

Giá năng lượng trong khu vực đồng tiền chung vẫn cao hơn khoảng 35% so với cách đây hơn một năm, trong khi giá thực phẩm, đồ uống có cồn và thuốc lá tăng hơn 13%, theo Eurostat.

Giá một số mặt hàng thiết yếu thậm chí còn tăng nhanh hơn. Xét trong khối EU, giá sữa đã tăng 43% trong năm ngoái, trong khi giá thịt lợn tăng 55%.

Ở khu vực Trung và Đông Âu, giá các mặt hàng cơ bản thậm chí còn tăng mạnh hơn. Ở Hungary, giá bánh mì đã tăng 80% so với năm ngoái. Tại đây, ngân hàng thực phẩm quốc gia làm việc thông qua một mạng lưới các tổ chức từ thiện, đã được mở rộng gần 25%, lên 530 tổ chức, trong năm nay. Phát ngôn viên của họ, Andras Nagygyorgy, ước tính rằng họ sẽ giúp đỡ khoảng 221.000 người, thêm rằng: “Kể từ khi vòng xoáy lạm phát diễn ra, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng của các tổ chức này.”

Giovanni Bruno, chủ tịch của tổ chức ngân hàng thực phẩm Italy, ước tính sẽ có thêm 85.000 người dân tìm kiếm sự hỗ trợ trong năm nay. “Nhiều người xin thực phẩm giờ rất trẻ tuổi, thậm chí nhiều sinh viên cũng đang cố gắng tiết kiệm tiền để thanh toán tiền điện và hệ thống sưởi ấm,” ông nói.

Lạm phát cao cũng khiến cho lượng thực phẩm và tiền được quyên góp ở một vài nước EU giảm đi trông thấy. Các tình nguyện viên và giám đốc làm việc tại ngân hàng thực phẩm trên khắp châu Âu nói rằng các siêu thị đua nhau giảm giá mạnh các loại thực phẩm sắp quá hạn, khiến cho nhiều ngân hàng thực phẩm khó thu thập các mặt hàng.

Oscarine Vonk, tình nguyện viên thuộc mạng lưới ngân hàng thực phẩm Amsterdam, nói rằng họ đang viện tới sự trợ giúp của giới người dân, thuyết phục họ quyên góp khoản tiền 190 euro mà chính phủ trao cho tất cả các hộ gia đình Hà Lan để trang trải chi phí năng lượng trong tháng 11 và 12. “Chúng tôi gặp khó khăn trong việc thu thập đủ thực phẩm, nhưng có thể sử dụng số tiền này để mua thêm nếu cần,” bà nói.

Các ngân hàng thực phẩm Hà Lan phản ứng trước tình trạng lạm phát cao bằng cách tăng giới hạn thu nhập khả dụng mà người dân phải có để được coi là thành viên lên 300 euro/tháng, và bà Vonk nói rằng họ dự đoán nhu cầu sử dụng ngân hàng thực phẩm sẽ tăng 20% trong mùa Đông năm nay.

“Hàng hóa và điện giờ đắt hơn rất nhiều,” Adnan Ibrahim, người đã sử dụng ngân hàng thực phẩm ở phía Nam Amsterdam suốt 3 năm nay, nói. “Tôi có nhiều vấn đề về sức khỏe, cả vợ tôi cũng vậy. Tôi không thể làm việc và chúng tôi không có đủ tiền để thanh toán các hóa đơn.”

Theo Financial Times