Elon Musk muốn biến Twitter thành 'siêu ứng dụng'?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Elon Musk cho biết việc mua lại Twitter sẽ thúc đẩy "X, siêu ứng dụng cho mọi thứ". Song, một số chuyên gia nói thương vụ là 'viên thuốc đắng' với Musk khi ông gặp bất lợi trong cuộc chiến pháp lý với Twitter. 
Elon Musk tuyên bố muốn biến Twitter thành một "siêu ứng dụng" (Ảnh: Slate)
Elon Musk tuyên bố muốn biến Twitter thành một "siêu ứng dụng" (Ảnh: Slate)

Ngay sau khi kế hoạch nối lại thoả thuận mua lại Twitter được tiết lộ, vị tỷ phú người Mỹ Elon Musk đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng: “Mua lại Twitter là một bước bứt phá để tạo ra X, siêu ứng dụng mọi thứ".

Tuy nhiên, theo Financial Times, thương vụ mua lại Twitter đánh dấu 'sự đầu hàng' của CEO Tesla khi các căn cứ pháp lý để ông rút khỏi thương vụ này nhiều khả năng không đủ thuyết phục thẩm phán.

Tờ này dẫn lời Eric Talley, Giáo sư trường Luật Columbia, cho biết: “Rõ ràng đây là một viên thuốc đắng với Musk”.

Những chuyên gia quen thuộc với vấn đề này khẳng định, Twitter vẫn đang tìm kiếm sự bảo đảm từ phía toà án rằng Musk thật sự có thiện chí mua lại mạng xã hội này.

Cuộc chiến pháp lý kéo dài được cho là khiến tinh thần nhân viên Twitter xuống thấp, nghỉ việc hàng loạt và gây gián đoạn kinh doanh của nền tảng mạng xã hội này.

Trong một cuộc hỏi/đáp với các nhân viên Twitter vào tháng 6/2022, Elon Musk nhấn mạnh rằng vẫn chưa có một siêu ứng dụng giống như WeChat ở bên ngoài khu vực châu Á.

“Ở Trung Quốc, về cơ bản là các bạn sống nhờ WeChat,” Musk nói, thêm rằng ông nhận thấy một cơ hội tạo ra một ứng dụng giống như vậy.

Thêm công cụ và dịch vụ vào Twitter có thể giúp Musk đạt được các mục tiêu về tăng trưởng cho công ty này. Musk nói ông muốn Twitter tăng trưởng từ mức 237 triệu người dùng lên “ít nhất là 1 tỉ” người dùng.

Musk và các thành viên thân cận của mình từng nhiều lần đề cập tới ý tưởng thêm dịch vụ thanh toán trực tuyến cho Twitter.

WeChat của Trung Quốc được cho là có hơn 1 tỉ người dùng mỗi tháng và hiện đã trở thành một phần trong cuộc sống thường nhật của người dân ở Trung Quốc. Người dùng có thể gọi taxi hoặc xe hơi, gửi tiền cho bạn bè hay thân nhân hay thanh toán khi mua hàng. Vào năm 2018, một số thành phố của Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm WeChat như một hệ thống nhận diện điện tử gắn chặt với tài khoản của người dùng, theo SCMP.

Theo Reuters, một siêu ứng dụng, hay thứ mà Musk gọi là “ứng dụng mọi thứ,” được mô tả giống như bộ dao đa năng của Thụy Sĩ trong lĩnh vực ứng dụng di động, đưa ra một bộ các dịch vụ cho người dùng như tin nhắn, mạng xã hội, thanh toán và mua sắm trực tuyến.

Những ứng dụng khổng lồ này được sử dụng rộng rãi ở châu Á bởi di động là hình thức chủ yếu của nhiều người trong khu vực này để truy cập internet, theo Scott Galloway, giáo sư chuyên ngành marketing tại ĐH New York, cho hay.

Công ty mẹ của Snapchat, Snap Inc., trước đây từng cho ra mắt dịch vụ thanh toán có tên gọi Snapcash, nhưng đã cho dừng tính năng này vào năm 2018. Họ cũng từng muốn đặt chân vào lĩnh vực game di động nhưng mới đây đã ngừng lại do kế hoạch cắt giảm chi phí.

Facebook và Instagram của Meta Platform Inc. cũng từng thử nghiệm mở rộng hoạt động sang lĩnh vực thương mại điện tử./.

Nguồn tham khảo: Reuter, Financial Times