Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông “cong mềm mại“: Bộ GTVT nói gì?

Đường sắt tại những nhà ga có độ dốc lên xuống để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng.
Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông “cong mềm mại“: Bộ GTVT nói gì?

Thông tin về việc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang trong quá trình thi công nhưng tại một số đoạn (khu vực các nhà ga), có hiện tượng đường sắt dốc lên dốc xuống, tạo cảm giác “mấp mô” không bình thường, ngày 25/6, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) khẳng định, việc thi công đường sắt như vậy là có chủ ý và hoàn toàn nằm trong thiết kế của dự án.

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được thiết kế theo quy phạm thiết kế METRO GB50157. Đối với dự án này, trắc dọc lớn nhất tối đa trên chính tuyến thiết kế là 23‰ (23 phần nghìn) trong quy phạm cho phép từ 0‰ - 30‰. ­

Để đảm bảo tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng, trắc dọc được thiết kế với nguyên tắc: Tàu vào ga lên dốc – Tàu ra ga xuống dốc.

Cụ thể, khi tàu vào ga, đoàn tàu phải giảm tốc độ do đó thiết kế đường sắt lên dốc để giảm tốc độ của đoàn tàu, hạn chế phanh hãm và giảm tiêu thụ năng lượng. Khi ra khỏi ga, đoàn tàu cần tăng tốc để đạt tốc độ vận hành thiết kế, do đó thiết kế trắc dọc xuống dốc để tạo gia tốc tự nhiên, giúp đoàn tàu tăng tốc và giảm tiêu thụ năng lượng.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, toàn tuyến đường sắt được thi công theo đúng quy chuẩn thiết kế trắc dọc trên một bình diện phẳng. Tuy nhiên, tại những vị trí nhà ga trên tuyến có độ dốc lên và xuống hoàn toàn theo chủ ý thiết kế, vì thế không thể gọi tuyến đường có sự “mấp mô”.

Ông Thành cũng khẳng định, việc thiết kế đường sắt như hiện trạng hoàn toàn có ích trong quá trình vận hành khi đoàn tàu vào và rời ga trên toàn tuyến, bởi thiết kế này lợi dụng được quán tính và gia tốc của đoàn tàu. Ngoài ra, việc thi công theo thiết kế này cũng không có khó khăn gì đặc biệt, tại những khu vực nhà ga, các trụ đỡ đường tàu ngay từ ban đầu đã được thiết kế và xây dựng có cao trình khác so với mức bình thường.

Ông Thành cũng chỉ rõ, riêng đối với đường sắt có quy định thiết kế về độ dốc rất khắt khe. Cụ thể như đối với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, trắc dọc lớn nhất tối đa trên chính tuyến được thiết kế là 23‰, trong khi đối với thiết kế đường bộ, độ dốc được tính trong quy phạm cho phép ở mức nhiều %.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3136/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2008.

Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05 km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 Nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu Depot rộng 19,6ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tầu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h, vận tốc bình quân khai thác 35km/h.

Theo VOV