Đường lên cự phú của 'cha đẻ' TSMC Trương Trung Mưu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ông Morris Chang (Trương Trung Mưu) từng đến Việt Nam nhân một sự kiện vào năm 2006. Khi ấy, TSMC đã là gã khổng lồ trong ngành sản xuất bán dẫn toàn cầu.

Tháng 6/2022, Taiwan Semiconductor Manufacturing Company Limited (TSMC) vội vã cử một nhóm chuyên gia đến thăm một số đơn vị cung ứng thiết bị cho công ty ở Nhật Bản. Mục đích của chuyến đi, thực ra, là để tìm hiểu nguyên nhân khiến các đối tác này không thể giao hàng đúng hạn.

Trước đó nữa, vào tháng 3/2022, ông J.K. Lin - giám đốc quản lý chuỗi cung ứng của TSMC - cùng đội ngũ thân cận đích thân bay tới Mỹ để điều tra tại sao thiết bị làm chip lại mất tới 18 tháng để hoàn thành.

Những hoạt động vừa nêu - với mục đích 'nối lại' các chuỗi cung ứng bị đứt gãy - cho thấy phần nào tầm ảnh hưởng của nhà sản xuất chip bán dẫn Đài Loan.

Trên trang chủ, TSMC cho biết, trong năm 2022, công ty này đã sản xuất tới 12.698 loại sản phẩm bán dẫn khác nhau cho 532 khách hàng. Chúng được dùng trong những chiếc điện thoại thông minh (smartphones), ô tô, Internet vạn vật (IoT), và các sản phẩm điện tử tiêu dùng. Tính đến cuối tháng 4/2023, vốn hóa của TSMC ở mức 425,5 tỉ USD.

von hoa TSMC.png
Vốn hóa TSMC giai đoạn 1994 - 2023 (Nguồn: TSMC; Đơn vị: Tân Đài tệ (TWD))

'Cha đẻ' TSMC Morris Chang

Nhà sáng lập TSMC là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Đài Loan: ông Morris Chang (Trương Trung Mưu).

Sinh năm 1931, khi còn nhỏ, ông Morris Chang và gia đình phải chuyển nơi ở nhiều lần do công việc của người cha làm ngân hàng.

Ông từng nghĩ mình có thể trở thành một tiểu thuyết gia, hoặc một nhà báo. Sau này, khi nhớ lại, ông đùa rằng có lẽ đó “chỉ là sở thích của một chàng trai trẻ”.

Năm 1949, Morris Chang tới Mỹ với sự giúp đỡ của một người chú ở Boston.

Hầu hết người Mỹ gốc Hoa vào thời điểm đó chỉ có thể làm những công việc bình dân như phục vụ nhà hàng hay phụ giúp ở các cửa tiệm kinh doanh giặt là. Trong kí ức của Chang, hầu như không có người Hoa làm những công việc như luật sư, kế toán, chính trị gia và đặc biệt không có nhà văn người Hoa lúc bấy giờ.

Vì vậy, theo đuổi việc học là một trong những lựa chọn thay thế duy nhất để Chang có thể đạt được mong muốn của mình.

Ông kể lại rằng “cảm tưởng của tôi lúc đến Harvard là vô cùng phấn khích, hoàn toàn không tin vào mắt mình". Tuy nhiên, Chang nhanh chóng từ bỏ ước mơ trở thành nhà văn khi quyết định xin học ngành “vật lý ứng dụng và kỹ sư” của Đại học Harvard.

Sau một năm theo học ở Harvard, ông nhận ra rằng việc đào tạo ở trường sẽ không mang lại cho bản thân một công việc kỹ thuật hàng đầu.

Vì vậy, Chang đã chuyển đến MIT. Ông học chuyên ngành cơ khí vì nó có vẻ là chuyên ngành tổng quát nhất. Sau khi trượt kỳ thi lấy học vị Tiến sĩ – được ông lý giải một cách đơn giản là vì bản thân đã không học đủ chăm chỉ - Chang ra ngoài tìm việc làm.

Năm 1955, Chang tìm được công việc đầu tiên tại Sylvania - một công ty hàng đầu trong ngành bán dẫn ở thời điểm đó. Chỉ trong thời gian ngắn, Chang đã trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này với các báo cáo ở các hội nghị khoa học, thậm chí còn được mời vào các tiểu ban trong các hội nghị khoa học về bán dẫn.

Rời Sylvania, Morris Chang đầu quân cho Texas Instrument và được công ty này đài thọ toàn bộ tiền học phí tiến sĩ tại Stanford, rồi được đề bạt làm Tổng giám đốc phụ trách hoạt động kinh doanh chất bán dẫn.

Tới đầu những năm 1980, Morris Chang rời Texas Instrument khi công ty này chuyển trọng tâm kinh doanh, không còn tập trung vào lĩnh vực chất bán dẫn.

Những kinh nghiệm tích lũy được ở công ty bán dẫn hàng đầu của Mỹ hẳn đã giúp ích rất nhiều cho Morris Chang khi trở về Đài Loan lập nghiệp.

Morris Chang.jpg
Ông Morris Chang - nhà sáng lập TSMC, 'vua chip bán dẫn' Đài Loan

Sự ra đời của TSMC

Sau khi rời Texas Instrument, Chang đã nhận lời mời từ quan chức Đài Loan để trở thành chủ tịch đầu tiên của Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp - đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi công nghiệp của Đài Loan.

Với sự hỗ trợ của chính phủ, Chang đã thành lập TSMC vào năm 1987.

Từng làm việc nhiều năm trong ngành, Morris Chang đã chứng kiến tình trạng 'chơi không đẹp' của nhiều ông lớn bán dẫn.

Vào giữa những năm 1980, các loại chip chuyên dụng được chế tạo bởi các công ty bán dẫn lớn như Fujitsu, IBM, NEC hoặc Toshiba.

Những 'gã khổng lồ' này thường yêu cầu khách hàng phải chuyển giao bản quyền thiết kế như một phần của hợp đồng. Nếu một sản phẩm có tiềm năng thành công, thì công ty đó có thể tung ra những con chip cạnh tranh dưới nhãn hiệu riêng của mình. Họ cũng chỉ sản xuất cho khách hàng sau khi đã hoàn thành kế hoạch của riêng mình, hoặc đang dư thừa công suất.

Từ đó, Chang đề ra chiến lược của TSMC là chỉ thuần túy sản xuất cho mọi khách hàng có nhu cầu mà không có các điều kiện gây khó dễ nào khác, kể như: không chuyển giao bản quyền thiết kế, không ưu tiên cho riêng ai, đảm bảo thời gian giao hàng.

Nó cũng là chiến lược tối ưu nhất cho ngành bán dẫn ở Đài Loan khi mà việc nghiên cứu, thiết kế và sở hữu bản quyền phát minh về chip bán dẫn gần như là con số 0. Morris Chang nhận thấy, mô hình 'xưởng đúc thuần túy' của TSMC sẽ khắc phục những điểm yếu của Đài Loan về thiết kế và tiếp thị, trong khi có thể tận dụng những điểm mạnh trong sản xuất.

Bằng cách chỉ tập trung vào sản xuất chứ không phải thiết kế, TSMC đảm bảo với các đối tác của mình, điển hình là các công ty thiết kế chip của Mỹ, rằng TSMC sẽ không cạnh tranh với họ hoặc chia sẻ bí mật thương mại với đối thủ.

Những khách hàng đầu tiên của TSMC là các công ty lớn như Intel, Motorola và Texas Instrument.

Họ ban đầu giao cho TSMC việc sản xuất các sản phẩm sử dụng công nghệ lạc hậu nhưng vẫn có nhu cầu. Nhờ đó, các công ty sẽ không phải sử dụng năng lực sản xuất có giá trị của riêng họ để sản xuất những con chip này và sẽ ít bị tổn hại đến danh tiếng hoặc hoạt động kinh doanh tổng thể nếu TSMC không giao hàng kịp.

Nhờ chiến lược kinh doanh khác biệt, TSMC dần vươn mình trở thành thế lực trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn toàn cầu.

Lời tiên tri về ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, trong số các lãnh đạo của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tham dự Hội nghị APEC 2006 tại Việt Nam, có một người duy nhất không phải là chính khách chuyên nghiệp mà là một doanh nhân. Đó chính là ông Morris Chang - nhà sáng lập TSMC.

Khi ấy, TSMC đã là 1 trong 10 tập đoàn công nghiệp lớn nhất châu Á - 'chung mâm' với các gã khổng lồ Toyota, Sony của Nhật Bản.

Tại một cuộc họp báo bên lề sự kiện, ông Chang bày tỏ niềm tin rằng việc Việt Nam trở thành thị trường lớn về bán dẫn chỉ là vấn đề thời gian.

Theo nhà sáng lập TSMC, nếu nhìn vào các bậc thang phát triển kinh tế của một quốc gia sẽ thấy, có một giai đoạn tiêu thụ linh kiện bán dẫn rất mạnh và đó cũng chính là thời kỳ cho phát triển ngành bán dẫn. Bởi lẽ, ngành bán dẫn luôn phát triển song hành cùng với ngành công nghệ thông tin.

Sau sự kiện này, tới năm 2017, ông Morris Chang tuyên bố nghỉ hưu và chuyển giao các chức vụ chủ chốt nhất ở TSMC cho 2 người kế nhiệm là Mark Liu và C.C. Wei./.