Dùng thuật toán AI để sa thải công nhân: Nên hay không nên?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Thuật toán không sai nhưng chúng cũng chỉ là công cụ và không thể thay thế con người bằng xương bằng thịt để đưa ra những quyết định hợp lý.
Ảnh: Zhihu
Ảnh: Zhihu

Số phận của con người một lần nữa bị thuật toán "chi phối".

Mới đây, Xsolla, một công ty thanh toán trò chơi của Nga, đã sa thải 147 nhân viên thông qua việc sử dụng thuật toán AI. Xsolla chủ yếu cung cấp các công cụ thanh toán, quyết toán, phân phối và tiếp thị cho các công ty trò chơi. Khách hàng của họ bao gồm các công ty trò chơi nổi tiếng như Roblox, Epic Games và Steam.

Trong công ty với tổng số khoảng 500 nhân viên, gần một phần ba số người đã bị cho thôi việc, lý do bị sa thải là do thuật toán AI "tin rằng" họ "không tận tâm và kém hiệu quả".

Trong một thời gian dài, chủ đề "Sử dụng AI để sa thải nhân viên có hợp lý?" Đã dấy lên sự quan tâm và thảo luận rộng rãi. Dựa trên sự phát triển không ngừng của công nghệ và thuật toán, trong thời đại hậu dịch bệnh, nơi mà việc làm từ xa đang trở thành tiêu chuẩn mới, thì thuật toán ảnh hưởng đến lao động và công việc của con người như thế nào sẽ là một câu hỏi khó tránh khỏi.

Lá thư đột ngột

Vào đầu tháng 8, một email của CEO kiêm nhà sáng lập Aleksandr Agapitov bất ngờ xuất hiện trong hộp thư của một số nhân viên Xsolla với nội dung thông báo rằng "Xsolla không dành cho bạn" và gợi ý rằng Xsolla sẽ giúp họ tìm "nơi làm việc khác kiếm được nhiều tiền hơn và làm việc ít hơn".

Cuối thư, Agapitov cũng đính kèm danh sách những người bị đuổi việc.
Cuối thư, Agapitov cũng đính kèm danh sách những người bị đuổi việc.

Trước bức thư này, các nhân viên đã không nhận được bất kỳ cảnh báo hoặc đề xuất nào về cách làm việc "chính xác".

Vào ngày 3/8, email bị rò rỉ, ban đầu người ta nghi ngờ đó là giả mạo, nhưng sau đó email được xác nhận bởi chính Aleksandr Agapitov.

Aleksandr Agapitov trả lời trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga Meduza: "Việc sa thải là do công ty tăng trưởng chậm lại trong 6 tháng qua, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 40%, vì vậy ông và ban lãnh đạo công ty đã quyết định giảm chi ngân sách tiền lương của công ty thông qua việc sa thải, giảm 10% nhân viên".

Dưới ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhân viên công ty Xsolla chủ yếu làm việc từ xa tại nhà. Hệ thống đánh giá hiệu quả công việc mới được triển khai vào đầu năm nay, công ty sử dụng hơn 30 chỉ số để đánh giá hiệu quả công việc của nhân viên trên thang điểm 100.

Theo chuyên gia nhân sự người Nga Alyona Vladimirskaya, việc sử dụng dữ liệu lớn và AI trong lĩnh vực nhân sự không nên vi phạm quyền của nhân viên. Bà nói: "Việc đo lường hiệu suất của nhân viên bằng thời gian mạng và mức độ tương tác chứ không phải bằng kết quả công việc vừa lỗi thời và cực kỳ kém hiệu quả," bà nói, đồng thời khuyên những nhân viên bị sa thải nên kiện công ty vì hành động của họ.

Một cựu nhân viên của Xsolla cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng anh ta sẽ không kiện công ty, nhưng anh ta cảm thấy thất vọng vì tiêu chí đo lường hiệu suất của anh ta không phải là hoàn thành nhiệm vụ và đánh giá của người quản lý mà do thuật toán vô tri vô giác. Trước khi bị sa thải, trang web của Xsolla luôn nêu rõ cách họ coi trọng việc hoàn thành nhiệm vụ hơn là quan liêu và giờ làm việc.

Nhân viên này cũng cho biết, chỉ Aleksandr Agapitov và một số giám đốc điều hành mới có thể truy cập và theo dõi tình trạng dữ liệu về công việc của nhân viên. Thuật toán trực tiếp theo dõi, đánh giá năng lực, hiệu quả của con người. Không ai nhắc nhở họ trước và không ai trao đổi với họ sau đó. Nhân viên mất việc một cách bàng hoàng và không có cơ hội cải thiện trong thời gian đó.

Ngoài vấn đề sử dụng AI để sa thải, một số người đặt câu hỏi liệu việc theo dõi và ghi lại dữ liệu sử dụng máy tính của nhân viên có vi phạm quyền riêng tư hay không.

AI và thuật toán vô cảm nắm "quyền sinh tử" với con người

Amazon tự động hóa hoạt động nhân sự nhiều hơn hầu hết công ty
Amazon tự động hóa hoạt động nhân sự nhiều hơn hầu hết công ty

Đây không phải là lần đầu tiên điều này xảy ra. Vào tháng 10 năm ngoái, một tài xế giao hàng Amazon Flex có tên Stephen Normandin cũng nhận được một email "đột ngột".

Sau gần 4 năm chăm chỉ giao hàng, Stephen Normandin sững sờ khi nhận được email tự động: ông bị sa thải bởi một con bot.

Email tự động từ Amazon có nội dung: "Bạn đã bị Amazon chấm dứt hợp đồng vì điểm cá nhân do thuật toán đưa ra đã thấp hơn điểm quy định của Amazon".

Normandin nói ông không thể can thiệp vào những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát khi giao hàng, như thời tiết và giao thông. Việc bị chấm dứt hợp đồng với ông thật khó chấp nhận và ông luôn tự hào về đạo đức làm việc của mình.

Các thuật toán mạnh mẽ từng giúp Amazon trở thành nhà bán lẻ trực tuyến số một thế giới, và Amazon vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các thuật toán cho dự án Flex. Năm 2015, Amazon bắt đầu cung cấp dịch vụ giao hàng Flex để hoàn thành "chặng đường cuối cùng" của hàng hóa, đồng thời không ngại sử dụng các thuật toán để giám sát nhân viên, khen thưởng và trừng phạt cũng như sa thải nhân sự của Flex.

Dịch vụ giao hàng thông qua ứng dụng Flex được xem là thành công lớn của Amazon. Tùy thuộc vào loại dịch vụ, thuật toán yêu cầu thời gian giao hàng nhanh nhất là 15 phút và chậm nhất là 6 giờ. Thuật toán sẽ giám sát xem liệu người lái xe có đến điểm giao hàng, có hoàn thành lộ trình trong thời gian quy định, có để gói hàng "lộ thiên" thay vì giấu sau chậu cây như được yêu cầu... Từ những dữ liệu nhận về, hệ thống sẽ xếp hạng hiệu suất của các lái xe, gồm Xuất sắc, Tốt, Khá và Rủi ro. Gần như không có sự can thiệp của con người.

Vì lợi ích của riêng mình, nền tảng này sử dụng các thuật toán AI để tính toán thời gian và lộ trình nhanh nhất, và việc theo đuổi tốc độ mù quáng này rất có thể đẩy mọi người vào những tình huống nguy hiểm.

Không chỉ người lái xe và người đi đường gặp rủi ro mà còn cả nhân viên trong các nhà máy và nhà kho.

"Trong giờ giải lao, một công nhân đang hút thuốc, và khuôn mặt của ông chủ đột nhiên xuất hiện trên màn hìnhh phía sau và ra lệnh cho anh ta quay lại làm việc ..." Đây là một cảnh trong "Modern Times" phát hành năm 1936 do vua hài Charlie Chaplin đóng chính.

"Trong giờ giải lao, một công nhân đang hút thuốc, và khuôn mặt của ông chủ đột nhiên xuất hiện trên màn hìnhh phía sau và ra lệnh cho anh ta quay lại làm việc ..." Đây là một cảnh trong "Modern Times" phát hành năm 1936 do vua hài Charlie Chaplin đóng chính.

Ngày nay, AI thay thế ông chủ và việc sử dụng các hệ thống thông minh để giám sát công việc của người lao động đang trở thành xu hướng.

Năm 2019, The Verge tuyên bố có được một tài liệu phơi bày hệ thống AI do Amazon xây dựng trong nội bộ. Hệ thống tự động hóa do Amazon xây dựng có khả năng theo dõi năng suất lao động của mỗi công nhân và tự động đưa ra các cảnh báo hoặc thậm chí là chấm dứt hợp động nếu thấy cần thiết.

Ngoài ra, hệ thống quản lý này đã đi xa đến mức theo dõi cả thời gian nghỉ giữa các nhiệm vụ được giao. Ví dụ nếu một công nhân quét các gói hàng quá lâu, dù nguyên nhân là lỗi chủ quan hay khách quan, hệ thống vẫn tự động tạo cảnh báo và nhân viên này có thể bị sa thải. Dưới sự giám sát của AI, trước áp lực công việc cường độ cao, nhiều nhân viên không dám uống nước, không đi vệ sinh vì sợ hệ thống đánh giá kém, mất việc.

Gần 900 nhân viên đã bị sa thải vì họ bị thuật toán đánh giá là "làm việc kém hiệu quả".

Các nhà phê bình cho rằng hệ thống chỉ có thể đánh giá dựa trên những con số chứ không hề coi các nhân viên là con người. Trong mắt chúng, họ không khác gì những cỗ máy chỉ biết làm việc và sẽ bị thay thế nếu không hoạt động hiệu quả.

AI và thuật toán vô cảm, lạnh lùng nắm giữ "quyền lực sinh tử" đối với con người. Khi kiểu giám sát này ngày càng phổ biến, liệu con người có thể thoát khỏi cái bóng của thuật toán?

Lao động và thuật toán trong thời kỳ hậu dịch bệnh

Các thuật toán chỉ là công cụ. Trong thời đại hậu dịch, văn phòng từ xa và văn phòng hỗn hợp đã trở thành bình thường mới.

Tháng trước, EMA (Enterprise Management Associates: Hiệp hội quản lý doanh nghiệp) đã công bố một nghiên cứu mang tên "Thời đại hậu dịch bệnh, mạng văn phòng từ xa". Nghiên cứu đã tiến hành khảo sát 312 chuyên gia về cơ sở hạ tầng và vận hành mạng, kết quả cuộc khảo sát cho thấy nhiều công ty đã bắt đầu dành ngân sách cho các công cụ giám sát để hỗ trợ tốt hơn cho làm việc từ xa.

Giao diện phần mềm Enaible
Giao diện phần mềm Enaible

Enaible là một phần mềm rất phổ biến trong thời kỳ dịch bệnh. Thông qua Enaible được cài đặt trong máy tính của nhân viên, công ty có thể thu được dữ liệu chi tiết về công việc của nhân viên.

Phần mềm này sử dụng thuật toán Trigger-Task-Time (động lực-nhiệm vụ-thời gian) để đánh giá nhiệm vụ công việc của nhân viên và tính toán thời gian làm việc dựa trên email hoặc cuộc gọi điện thoại. Cuối cùng, thuật toán tự động chấm điểm hiệu quả công việc của nhân viên.

Theo nhà sáng lập Tommy Weir, số lượng công ty sử dụng ​​Enaible tăng gấp 4 lần trong thời gian tất cả nhân viên làm việc tại nhà.

Tại Trung Quốc, quy mô của thị trường mua sắm kỹ thuật số cũng đang mở rộng qua từng năm. Dữ liệu của "Sách trắng nghiên cứu quản lý kỹ thuật số mua sắm doanh nghiệp Trung Quốc 2020" cho thấy tốc độ tăng trưởng thị trường vẫn trên 20% và quy mô thị trường dự kiến vượt 20 tỉ NDT vào năm 2022.

Ngày càng có nhiều công ty bắt đầu giới thiệu hệ thống quản lý theo thuật toán OA (Office Automation) để hoàn thành việc giám sát tổng thể công việc của nhân viên.

Một giám đốc điều hành công ty từng nói trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông: "Trước đây, tôi sẽ xem xét cho nhân viên giải quyết những việc riêng tư cấp bách, chẳng hạn như không cần thủ tục và cho họ nghỉ phép nửa ngày. Nhưng khi thuật toán bắt đầu giám sát, sự hợp tác linh hoạt giữa mọi người và mối quan hệ xã hội không còn tồn tại".

Do đó, khi thuật toán chỉ đơn giản là xem xét thời gian lao động và hiệu quả lao động, các chỉ số giá trị khác do mức độ phức tạp xã hội tạo ra sẽ bị bỏ qua.

Nếu thuật toán không thể xem xét đầy đủ các trường hợp khẩn cấp khác nhau, chẳng hạn như vấn đề thời tiết, vấn đề kiểm soát đường bộ, tai nạn giao thông,... trong quá trình giao hàng, nó thực tế chỉ cung cấp một công cụ để "buộc" người lao động theo đuổi hiệu quả chứ không kích thích sự sáng tạo và tiềm năng của người lao động tại nơi làm việc.

Là một mô hình đơn giản hóa trong thế giới thực, các thuật toán chắc chắn gặp phải các vấn đề "không phù hợp" khi chúng được áp dụng cho các môi trường làm việc cụ thể khác nhau.

Ở bất kỳ thời điểm nào, thuật toán cũng chỉ là công cụ và không thể thay thế con người bằng xương bằng thịt để đưa ra những quyết định hợp lý.

Theo Zhihu